THẾ GIỚI 24H: Một số binh sỹ Nga bị Ukraine bắt giữ làm tù binh

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 27/2, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov, cho biết một số binh sĩ Nga đã bị lực lượng đối lập bắt giữ trong chiến dịch quân sự đang diễn ra ở Ukraine.
THẾ GIỚI 24H: Một số binh sỹ Nga bị Ukraine bắt giữ làm tù binh ảnh 1

Thiếu tướng Igor Konashenkov. Ảnh: RIA Novosti

Thiếu tướng Igor Konashenkov cho biết: “Các binh sỹ Nga đã thể hiện lòng dũng cảm khi họ thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu trong khuôn khổ hoạt động quân sự đặc biệt. Thật không may, có những người đồng đội của chúng ta đã hy sinh hoặc bị thương”. Ông Konashenkov không nêu rõ con số thương vong của quân đội Nga, chỉ nói rằng, con số này ít hơn nhiều so với các lực lượng chính quy của Ukraine. Quan chức này cũng thừa nhận một số ít quân nhân Nga đã bị quân đội Ukraine bắt làm tù binh.


Văn phòng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy ngày 27/2 đã xác nhận thông tin giới chức nước này và Nga sẽ tiến hành đàm phán “vô điều kiện” tại biên giới Ukraine và Belarus, gần sông Pripyat. Truyền thông nước này cho biết dẫn đầu đoàn đàm phán là Thứ trưởng Ngoại giao Ukraine Mykola Tochytskyi. Tổng thống Belarus Aleksander Lukashenko đã nhận trách nhiệm đảm bảo rằng tất cả các máy bay, trực thăng và tên lửa đóng trên lãnh thổ Belarus sẽ ở trên mặt đất trong suốt chuyến đi, cuộc gặp và trở về của phái đoàn Ukraine.


Máy bay lớn nhất thế giới bị phá hủy ở Ukraine. Theo các quan chức Ukraine, chiếc máy bay lớn nhất thế giới Antonov AN-225 đã bị các lực lượng Nga phá hủy, khi chiến dịch đặc biệt nhắm vào Ukraine của nước này vẫn tiếp diễn. Các nhà chức trách Ukraine cho biết chiếc máy bay khổng lồ có tên "Mriya" hay "giấc mơ" trong tiếng Ukraine, đang đậu tại một sân bay gần Kyiv thì bị tấn công, đồng thời nói thêm rằng họ sẽ chế tạo lại chiếc máy bay, CNN đưa tin ngày 28/2.


Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc dự kiến sẽ họp khẩn về tình hình khủng hoảng nhân đạo ở Ukraine vào chiều 28/2. Cuộc họp do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề xuất sẽ có sự tham dự của nhiều quan chức lãnh đạo đại diện cho các cơ quan cứu trợ nhân đạo và tị nạn của Liên Hợp Quốc. Pháp, một trong 5 quốc gia giữ vị trí Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an, đã đề nghị Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres phát biểu tại cuộc họp này.


Nhà Trắng phản ứng việc Nga ra lệnh lực lượng hạt nhân sẵn sàng. Người phát ngôn Nhà Trắng ngày 27/2 nói việc Nga đặt các lực lượng răn đe - bao gồm vũ khí hạt nhân - trong tình trạng “cảnh báo cao” là hành động leo thang căng thẳng vô cớ. "Tổng thống Putin trong suốt cuộc xung đột này đã dựng nên các mối đe dọa không tồn tại để biện minh cho những hành động gây hấn hơn nữa”, bà Jen Psaki nói với ABC. Ngoài ra, một quan chức chính quyền cấp cao hôm 27/2 nói với CNN rằng động thái của Tổng thống Nga Vladimir Putin là "một bước leo thang khác và hoàn toàn không cần thiết".


Liên minh châu Âu (EU) sẽ siết chặt các biện pháp trừng phạt Nga, giáng đòn trả đũa Belarus và xuất quỹ mua vũ khí cho Ukraine nhằm giúp nước này tự vệ trước cuộc tấn công của Nga. Reuters trích dẫn một nguồn tin của Ủy ban châu Âu tiết lộ, EU nhắm chi 450 triệu euro (507 triệu USD) để tài trợ việc mua vũ khí cho Ukraine và thêm 50 triệu euro nữa mua các trang thiết bị khác, ví dụ như dụng cụ y tế, để chuyển giao cho quốc gia Đông Âu.


Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 1.191.670 trường hợp mắc COVID-19 và 4.186 ca tử vong. Tới nay, tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu vượt 435 triệu ca, trong đó trên 5,96 triệu người không qua khỏi. Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh bắt đầu giảm trên phạm vi toàn cầu, những vùng bệnh “nóng nhất” nằm ở châu Âu-châu Mỹ khi dịch tái bùng phát, số ca mắc mới vẫn cao ở nhiều nước thuộc châu lục này. Song ngày càng nhiều nước thông báo sẽ nới lỏng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt.


Ngày 28/2, Triều Tiên thông báo nước này đã tiến hành một “cuộc thử nghiệm quan trọng” phục vụ mục đích phát triển một “vệ tinh trinh sát”. Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin: “Cuộc thử nghiệm (ngày 27/2) đã giúp Cục Phát triển Hàng không Vũ trụ Quốc gia (NADA) và Học viện Khoa học Quốc phòng xác định những đặc điểm và mức độ chính xác trong hoạt động của hệ thống chụp ảnh độ phân giải cao, hệ thống truyền dữ liệu và các thiết bị điều khiển định hướng thông qua phương pháp chụp ảnh theo chiều thẳng đứng và chếch chéo một khu vực cụ thể trên mặt đất bằng các camera được lắp đặt trên vệ tinh trinh sát.

MỚI - NÓNG