THẾ GIỚI 24H: Một ngày hơn 7.000 người tử vong vì đại dịch COVID-19

Các y tá trao đổi công việc tại bệnh viện ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã
Các y tá trao đổi công việc tại bệnh viện ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã
TPO - Chỉ trong vòng 24h, hơn 7.000 người trên thế giới đã thiệt mạng vì dịch bệnh COVID-19, mức cao nhất kể từ khi bùng phát đại dịch. 

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 8/4 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 1.421.669  trường hợp, trong đó số ca tử vong đã lên tới 81.696 người. Trong vòng 24h vừa qua, đã có thêm 7.042 người nữa thiệt mạng và 75.665 người mắc bệnh COVID-19. Đến nay, đại dịch COVID-19 đã tấn công 209 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, các nước cũng ghi nhận 300.740 bệnh nhân COVID được điều trị khỏi bệnh, trong khi vẫn còn tới 47.834 người đang trong tình trạng nguy kịch.


Mỹ vẫn là quốc gia có số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới với 393.798 ca nhiễm virus, với 26.794 trường hợp mới trong ngày 7/4. Tới nay, nước này đã ghi nhận 12.697 ca tử vong, trong đó riêng 24h qua 1.826 người thiệt mạng, cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát. New York tiếp tục là tâm dịch tại Mỹ với tính tổng cộng 5.489 ca tử vong.


Pháp trong ngày 7/4 cũng có số người tử vong cao chưa từng thấy: 1.417 trường hợp. Tính tới sáng 8/4, Pháp đã ghi nhận 10.328 trường hợp tử vong do virus SARS-CoV-2. Như vậy, Pháp đã trở thành quốc gia thứ 4 trên thế giới có số ca tử vong vượt ngưỡng 10.000 người, sau Italy, Tây Ban Nha và Mỹ. Theo giới chức y tế Pháp, 82% trong số ca tử vong có độ tuổi trên 70.


Tại Trung Quốc, nơi khởi phát đại dịch toàn cầu COVID-19 hồi tháng12/2019, kể từ 0h đêm 8/4 theo giờ địa phương, thành phố Vũ Hán của tỉnh Hồ Bắc, từng là tâm dịch của Trung Quốc, đã chính thức được dỡ bỏ lệnh phong tỏa sau 77 ngày. Tuy nhiên, giới chức thành phố vẫn yêu cầu người dân cẩn trọng, cảnh báo việc không có ca nhiễm mới không có nghĩa không có rủi ro.


Nhằm hỗ trợ các nước trên thế giới gặp nhiều khó khăn trong đại dịch Covid-19, Liên minh châu Âu cho biết sẽ đưa ra gói tài trợ lên đến 15 tỷ euro. Chi tiết của gói cứu trợ lớn này sẽ được công bố rõ hơn trong những ngày tới nhưng theo các quan chức EU, 90% của số tiền này sẽ được chi cho các quốc gia châu Phi. Các chuyên gia y tế đang lo ngại châu Phi sẽ là nơi bị đại dịch Covid-19 tàn phá nghiêm trọng nhất trong thời gian tới do đây là châu lục đông dân thứ hai trên thế giới và đa số các quốc gia đều có cơ sở hạ tầng y tế vô cùng yếu kém.


Trên Twitter cá nhân ngày 7/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mặc dù được cấp ngân sách phần lớn bởi Mỹ, nhưng lấy Trung Quốc làm trung tâm, thực sự đã thất bại trong việc xử lý khủng hoảng Covid-19. Ông Trump cảnh báo sẽ cân nhắc việc cắt ngân sách cho tổ chức này. Ông Trump cũng cho biết rất may mắn là ông đã không nghe các lời khuyên về việc duy trì mở biên giới với Trung Quốc. Trong thời gian qua, giới chức Mỹ đã nhiều lần cho rằng Trung Quốc đã từ chối cung cấp những thông tin cần thiết cho thế giới để ngăn chặn các ca lây nhiễm tiếp theo.

Quyền Bộ trưởng Hải quân Thomas Modly vừa đệ đơn từ chức, không lâu sau khi ông chỉ trích nặng nề Chỉ huy tàu sân bay Theodore Roosevelt. Động thái mới nhất diễn ra vài giờ sau khi ông Modly xin lỗi vì đã chế giễu Đại tá Brett Crozier - Chỉ huy tàu sân bay Theodore Roosevelt. Đại tá Crozier đã viết thư gửi lãnh đạo Hải quân Mỹ đề nghị giúp đỡ sau khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên tàu và nội dung bức thư này đã bị rò rỉ ra ngoài. Ông Modly đồng thời gửi lời xin lỗi trực tiếp tới Đại tá Crozier, gia đình và toàn bộ thủy thủ đoàn của Roosevelt vì bất kỳ nỗi đau nào mà lời nhận xét của mình có thể gây ra.


Thư ký báo chí Nhà Trắng Stephanie Grisham ngày 7/4 đã tuyên bố từ chức mà không đưa ra bất cứ giải thích nào trước truyền thông. Bà Stephanie Grisham là người thay thế sau khi người tiền nhiệm Sarah Sanders từ cách đây gần 1 năm. Đáng chú ý, là người phụ trách báo chí của Nhà Trắng, nhưng kể từ tháng 6/2019, bà Grisham chưa từng chủ trì bất cứ cuộc họp báo nào tại Nhà Trắng.


Quân đội Nga chuẩn bị tiến hành một loạt các cuộc tập trận tên lửa có sự tham gia của lực lượng hải quân và binh sĩ tại căn cứ không quân Hmeimim của Nga ở Syria. Hoạt động này diễn ra trong bối cảnh các tàu chiến Mỹ, bao gồm cả tàu sân bay Harry Truman, dẫn đầu nhóm tấn công tàu sân bay, đang tiến vào Địa Trung Hải.

MỚI - NÓNG