Dịch COVID-19 đang lên đỉnh?

Một cảnh sát đứng gác bên ngoài bệnh viện ở London, nơi Thủ tướng Boris Johnson đang được điều trị Ảnh: AP
Một cảnh sát đứng gác bên ngoài bệnh viện ở London, nơi Thủ tướng Boris Johnson đang được điều trị Ảnh: AP
TP - Thủ tướng Anh Boris Johnson đang phải điều trị trong phòng hồi sức cấp cứu, trong khi Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp cho thủ đô và một số tỉnh khác. Nhưng giới chức Mỹ và nhiều nơi ở châu Âu hy vọng các con số thống kê mới nhất cho thấy dịch COVID-19 đang lên đỉnh.

Ông Johnson, 55 tuổi, là người đứng đầu chính phủ đầu tiên trên thế giới phải vào viện vì virus corona. Ông vẫn tỉnh táo, phải dùng mặt nạ ô xy nhưng chưa cần đến máy thở, Bộ trưởng nội các Anh Michael Gove hôm qua thông báo. Ngoại trưởng Anh Dominic Raab được chỉ định là người thay thế ông Johnson.

Trong khi đó, tại Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 1 tháng đối với Tokyo và 6 tỉnh khác sau khi số ca nhiễm tăng mạnh. Nhưng người dân ở những vùng này chỉ được yêu cầu ở nhà chứ không bị cấm ra ngoài, và người vi phạm không bị phạt. Là nước có dân số già nhất thế giới, Nhật Bản đang có nỗi lo rằng, virus corona sẽ gây tổn thất lớn cho nhóm người cao tuổi của nước này. 

Tại New York (Mỹ), Thống đốc Andrew Cuomo thông báo những dấu hiệu đầu tiên cho thấy dịch có thể sắp đạt đỉnh. Nhưng ông nói giờ chưa phải lúc nới lỏng quy định về giãn cách xã hội. 
“Các con số cho thấy dịch bệnh có thể sắp đi xuống”, ông Cuomo nói. 

Bang này có trung bình 600 người chết mỗi ngày trong 4 hôm liên tục. Dù con số đó vẫn nhiều, nhưng là dấu hiệu tích cực vì đã ít hơn những ngày trước. Ông Cuomo cũng cho biết, số người mới nhập viện và bệnh nhân nặng đến mức cần máy thở cũng đã giảm. 

TS Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ, tỏ ra lạc quan, nói rằng “những điều chúng ta làm đang có tác dụng”. 

Trung Quốc hôm qua báo cáo không có ca tử vong nào trong 24 giờ trước đó - lần đầu tiên kể từ khi nước này bắt đầu công bố số liệu thống kê về bệnh nhân COVID-19 từ tháng 12 năm ngoái. Những hạn chế đi lại cuối cùng đối với người dân Vũ Hán sẽ được dỡ bỏ nốt trong ngày hôm nay. Nhưng nhiều chuyên gia về bệnh truyền nhiễm vẫn hoài nghi về các con số do Trung Quốc cung cấp. 

Tại Pháp, dù số ca tử vong theo ngày tăng lên mức kỷ lục, với 833 trường hợp, nhưng tỷ lệ bệnh nhân cần hồi sức cấp cứu giảm đáng kể. 

Đan Mạch cho biết, sẽ mở cửa trường học trở lại vào tuần tới cho học sinh từ 11 tuổi trở lên - một bước đi mà nhiều nước chưa thể nghĩ tới vào thời điểm này. 

Thủ tướng Ý Giuseppe Conte hứa hẹn rằng người dân sẽ sớm “hái quả ngọt từ những hy sinh hiện nay” về tự do cá nhân, dù ông không cho biết khi nào sẽ dỡ lệnh phong toả cả nước. Ý có số người chết vì COVID-19 nhiều nhất thế giới, với 16.500 ca, nhưng các phòng cấp cứu ở miền bắc giờ không phải đưa bệnh nhân ra các vùng khác để giảm tải nữa. 

Nhưng tại Tây Ban Nha, số ca tử vong và mắc COVID-19 hôm qua lại tăng sau 5 ngày giảm liên tiếp. Nước này có 743 ca tử vong trong 24 giờ trước đó, cao hơn khoảng 100 ca so với con số ghi nhận trong 2 ngày Chủ nhật và thứ Hai. Tây Ban Nha đã có tổng số 13.800 người chết. Số ca mắc tăng thêm 5.478 lên 140.000 người. Cả hai chỉ số người mắc mới và người chết đều giảm từ ngày 2/4 cho đến hôm qua. 

Không nên nới lỏng sớm

Hàn Quốc cho biết, sẽ sớm đưa ra hướng dẫn cho các bệnh viện về việc điều trị thử nghiệm cho bệnh nhân COVID-19 bằng máu của những người đã bình phục. Ông Kwon Jun-wook, chuyên gia của Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật Hàn Quốc, cho biết hướng dẫn này dựa trên kinh nghiệm từ đợt đối phó với dịch MERS năm 2015.

Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi hôm qua cho biết, nước này sẽ cung cấp thuốc chữa cảm cúm Avigan miễn phí cho 20 quốc gia để họ dùng cho bệnh nhân COVID-19. Ngoài ra, 30 quốc gia khác cũng bày tỏ quan tâm đến loại thuốc này, dù nó vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cho người mắc COVID-19. 

Tổ chức Y tế thế giới nói rằng, không có khuyến cáo chung nào cho các quốc gia và vùng lãnh thổ trong việc nới lỏng các biện pháp đối phó với dịch COVID-19, nhưng thúc giục các nước chớ dỡ bỏ quá sớm.

MỚI - NÓNG