THẾ GIỚI 24H: Israel nói Tổng thư ký Liên Hợp Quốc ‘không được chào đón ở Tel Aviv’

TPO - Ngoại trưởng Israel tuyên bố, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres "không được chào đón" ở Tel Aviv vì không lên án vụ tấn công tên lửa của Iran.
THẾ GIỚI 24H: Israel nói Tổng thư ký Liên Hợp Quốc ‘không được chào đón ở Tel Aviv’ ảnh 1
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres. Ảnh: Reuters

Ngày 2/10, trong tuyên bố chính thức, Ngoại trưởng Israel Israel Katz cho biết Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres bị cấm nhập cảnh vào nước này.Lý do được đưa ra là vì ông Guterres không lên án vụ tấn công tên lửa của Iran. "Bất cứ ai không lên án cuộc tấn công của Iran vào Israel đều không xứng đáng đặt chân lên đất nước chúng tôi", Ngoại trưởng Israel Katz tuyên bố. Ông cũng khẳng định Tel Aviv sẽ tiếp tục bảo vệ công dân của mình và giữ gìn tự tôn dân tộc, dù có Tổng thư ký Antonio Guterres hay không.


Israel nhắm vào nhà máy lọc dầu của Iran để trả đũa. Theo Axios của Mỹ, quan chức Israel đang cân nhắc "cuộc trả đũa đáng kể" đối với Iran trong vài ngày tới. Có thể họ sẽ nhắm vào cơ sở sản xuất dầu bên trong lãnh thổ Iran và nhiều địa điểm chiến lược khác. Quan chức Israel được cho là đang tham vấn với Mỹ về cách thức phản ứng quân sự, điều này có thể đẩy Trung Đông đến gần bờ vực của một cuộc chiến khu vực.


Latvia tăng cường phòng không gần biên giới với Nga và Belarus. Lực lượng vũ trang Latvia đã tăng cường năng lực phòng không bằng cách triển khai các đơn vị phòng không và radar phát hiện phương tiện bay không người lái (UAV) tiên tiến gần biên giới với Nga và Belarus. Phản ứng này diễn ra sau khi UAV được cho là của Nga mang chất nổ bị rơi ở Latvia hôm 7/9.


Hàng nghìn người di tản tại các sân bay ở Beirut. Trước tình hình căng thẳng leo thang tại khu vực Trung Đông, một số hãng hàng không hoạt động ở vùng Vịnh đã điều chỉnh các đường bay để đảm bảo an toàn cho hành khách. Tại sân bay quốc tế Rafic Hariri ở thành phố Beirut, rất đông hành khách đã đổ về đây ​​với mong muốn rời khỏi Li-băng.


Đan Mạch bắt giữ 3 đối tượng liên quan các vụ nổ gần Đại sứ quán Israel. Ngày 2/10, cảnh sát Đan Mạch cho biết điều tra 2 vụ nổ ngay gần Đại sứ quán Israel tại Copenhagen và đã bắt giữ 3 người để thẩm vấn. Các vụ nổ xảy ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Trung Đông khi Iran thực hiện cuộc tấn công quy mô lớn bằng tên lửa nhằm vào Israel. Trong khi đó, Israel cảnh báo sẽ trả đũa, làm dấy lên nỗi lo về một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn.


Nhiều nước khuyến cáo công dân về tình hình Trung Đông. Trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở Trung Đông, ngày 2/10, Rosaviatsia, Cơ quan hàng không liên bang Nga, đã ra khuyến cáo về khung giờ có thể bay qua không phận Israel, Iran và Iraq. Các hãng hàng không Nga được phép bay qua vùng trời 3 nước trên trong khung giờ từ 15h30 đến 19h ngày 2/10. Ngày 3/10, khung giờ được khuyến cáo có thể bay là từ 9h đến 19h theo giờ Moscow.


Trung Quốc khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về việc Canada áp thuế xe điện. Ngày 2/10, Trung Quốc thông báo đã đệ đơn kháng cáo lên WTO, yêu cầu tổ chức này ra phán quyết về các mức thuế quan mới đây mà Canada áp đặt lên xe điện và sản phẩm kim loại của Trung Quốc. Hồi tháng 8/2024, Canada tuyên bố sẽ áp thuế nhập khẩu 100% đối với xe điện sản xuất tại Trung Quốc, sau khi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) trong việc áp đặt thuế quan lên các mặt hàng của Trung Quốc do lo ngại về trợ cấp không công bằng. Các mức thuế này đã có hiệu lực vào ngày 1/10.


Nga có thể đã sử dụng bom phi hạt nhân mạnh nhất thế giới. Trang thông tin quân sự của Nga ngày 3/10 đăng video cho thấy quân đội Nga dường như lần đầu tiên sử dụng một trong những loại bom phi hạt nhân mạnh nhất thế giới mang tên ODAB-9000 ở thị trấn điểm nóng Volchansk thuộc tỉnh Kharkov. Vụ nổ mạnh đến mức tác động của nó được so sánh với một cuộc tấn công hạt nhân, song chưa có xác nhận chính thức nào về việc sử dụng loại bom này.


Hungary ngăn cản EU gửi huấn luyện quân sự tới Ukraine. Ngày 2/10, Bộ trưởng Ngoại giao Hungary cho biết nước này đã chặn kế hoạch của Liên minh châu Âu về việc mở rộng phái bộ hỗ trợ chung cho Ukraine và gửi huấn luyện viên quân sự tới nước này. Truyền thông Hungary thông tin động thái này đã bị phủ quyết để tránh nguy cơ leo thang quân sự. Bộ trưởng Ngoại giao Hungary lưu ý rằng Hungary không tham gia vào nhiệm vụ này và không cung cấp binh lính cũng như nguồn tài chính cho Ukraine. Bên cạnh đó, nhà ngoại giao Hungary khẳng định sẽ không có hoạt động huấn luyện quân sự nào được tiến hành trên lãnh thổ Hungary.

MỚI - NÓNG