THẾ GIỚI 24H: Ấn Độ vi phạm lệnh ngừng bắn ở Kashmir, một số dân thường bị thương

Ảnh minh họa: DNA India
Ảnh minh họa: DNA India
TPO - Ngày 2/2, Bộ Ngoại giao Pakistan cho biết, ngày 1/2, nước này đã triệu tập một quan chức ngoại giao cấp cao của Ấn Độ để phản đối việc quân đội Ấn Độ vi phạm lệnh ngừng bắn dọc theo Đường ranh giới kiểm soát (LoC) ở khu vực biên giới tranh chấp Kashmir.

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Pakistan cho biết, các lực lượng của Ấn Độ đã liên tục “nhắm vào các khu vực đông dân cư” bằng hỏa lực pháo binh, súng cối hạng nặng và vũ khí tự động tại các khu vực dọc theo LoC và Ranh giới làm việc giữa hai bên, làm 4 dân thường bị thương, trong đó có 3 phụ nữ. Pakistan và Ấn Độ đã tuyên bố ngừng bắn dọc theo LoC vào năm 2003. Nhưng hai bên vẫn thường cáo buộc lẫn nhau về các vi phạm ngừng bắn. Căng thẳng giữa hai bên tiếp tục gia tăng sau khi Ấn Độ dỡ bỏ quy chế đặc biệt đối với Kashmir do Ấn Độ kiểm soát vào tháng 8/2019. Đáp lại, Pakistan đã hạ cấp quan hệ ngoại giao, đình chỉ quan hệ thương mại song phương.


Ngày 2/2, cảnh sát địa phương cho biết, có 5 trẻ em và một người lớn đã thiệt mạng trong một vụ xả súng xảy ra tại Muskogee, thuộc bang Oklahoma, Mỹ. Theo thông báo của cơ quan cảnh sát, họ nhận được cuộc gọi vào lúc 1h30' sáng 2/2 (theo giờ địa phương) về việc có nhiều người bị bắn tại một dinh thự ở khu vực phía Đông Nam Muskogee. Ngay lập tức, lực lượng cảnh sát đã được điều động đến hiện trường và phát hiện một nghi phạm đang cầm súng. Sau một cuộc rượt đuổi ngắn, đối tượng này sau đó đã bị bắt giữ. Nghi phạm được cho là một thành viên trong gia đình các nạn nhân.


Ngày 2/2, Bộ Ngoại giao Nga cho rằng sự hiện diện của các nhà ngoại giao nước ngoài trong phiên xét xử để xem liệu nhân vật chỉ trích Điện Kremlin Alexei Navalny sẽ đối mặt với án tù lâu hơn hay không là bằng chứng cho thấy phương Tây âm mưu can thiệp vào công việc nội bộ của MoscowÔng Navalny bị cáo buộc liên tục vi phạm cam kết tù nhân sau khi được thả trong vụ việc làm bùng phát hoạt động biểu tình trên cả nước và khiến phương Tây thảo luận về các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga. Trên trang Facebook, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng sự hiện diện của các nhà ngoại giao là bằng chứng cho những gì bà gọi là nỗ lực của phương Tây nhằm kiềm chế Moscow.


Đại diện của Armenia tại Tòa án Nhân quyền châu Âu (ECHR) thông báo, Chính phủ Armenia đã đệ đơn kiện Azerbaijan lên tòa này, cáo buộc Baku vi phạm một số công ước trong quá trình leo thang xung đột ở Nagorno-Karabakh vào mùa Thu năm 2020. Đây là đơn khiếu nại giữa các tiểu bang đầu tiên mà Armenia đệ trình với ECHR". Đặc biệt, như đại diện nêu rõ, Chính phủ Armenia khẳng định, Azerbaijan đã vi phạm quyền của người dân Karabakh và Armenia được sống, bảo vệ khỏi tra tấn và đối xử vô nhân đạo, quyền bất khả xâm phạm, tài sản, cuộc sống riêng tư và gia đình, giáo dục và một số quyền khác. Ngoài ra, đơn khiếu nại còn nêu các vấn đề về bảo vệ quyền của tù nhân chiến tranh và dân thường, người dân tái định cư của Artsakh (cách gọi khác của Karabakh), các công dân bị thương và thân nhân của nạn nhân, những người bị mất tài sản, đại diện của các phương tiện truyền thông trong nước và quốc tế. 


Bộ Ngoại giao Iran ngày 2/2 thông báo Tehran đã cho phép thủy thủ đoàn của tàu chở dầu Hàn Quốc được rời khỏi nước này, theo yêu cầu của phía Seoul. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Iran nêu rõ: "Trong một động thái nhân đạo của Iran, thủy thủ đoàn của tàu chở dầu Hàn Quốc bị cáo buộc làm ô nhiễm môi trường tại Vịnh Persia đã được phép rời đi." Trước đó, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) ngày 4/1 đã bắt giữ tàu MT Hankuk Chemi của Hàn Quốc với cáo buộc gây ô nhiễm dầu. Tuy nhiên, đơn vị khai thác tàu MT Hankuk Chemi đã bác bỏ cáo buộc của phía Iran.

Hơn 1/5 số thủy thủ trên các tàu ngầm Trung Quốc đang hoạt động ở Biển Đông bị mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần, theo một nghiên cứu mới của chính các nhà khoa học nước này. Nghiên cứu do Học viện Quân y số 2 và Học viện Quân y Hải quân của Trung Quốc thực hiện và công bố trên tạp chí Quân y của Anh cho thấy, tỷ lệ các thủy thủ làm việc trên tàu ngầm báo cáo gặp những vấn đề tâm lý nghiêm trọng cao hơn nhiều so với tỉ lệ mắc bệnh của toàn lực lượng quân đội nước này (PLA).

Myanmar hôm 2/2 đã đóng cửa sân bay quốc tế ở Yangon. Đây là sân bay quốc tế lớn nhất, cửa ngõ ra vào chính của đất nước, Reuters đưa tin. Quản lý sân bay Yangon, ông Phone Myint, cho biết sân bay sẽ đóng cửa tới tháng 5. Tuy nhiên, ông Myint không nêu thời gian chính xác sân bay mở cửa trở lại. Myanmar Times đưa tin mọi chuyến bay cất cánh hoặc hạ cánh ở sân bay Yangon đã bị hủy bỏ, gồm cả những chuyến bay giải cứu công dân từ các quốc gia, cho tới 23h59 ngày 31/5.

Tân Hoa Xã dẫn lời một quan chức quân sự cấp cao của Myanmar cho biết phần lớn các quan chức địa phương đã được thả vào ngày 2/2, sau khi bị giam giữ một ngày. Sau khi được thả, những người này được yêu cầu ở trong nhà. Nguồn tin không đề cập đến Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và Tổng thống Win Myint. Bà Suu Kyi và ông Win Myint được cho là đang bị quản thúc tại gia. Theo một phát ngôn viên đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD), bà Suu Kyi “vẫn khỏe”, và thường xuyên tản bộ trong dinh thự. Đại diện đảng NLD, trong một tuyên bố trên Facebook, đã yêu cầu trả tự do cho bà Suu Kyi càng sớm càng tốt.

Với tỷ lệ phiếu 86-13, ông Pete Buttigieg, cựu thị trưởng từng tham gia cuộc đua ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ năm 2020, đã được Thượng viện Mỹ xác nhận đề cử Bộ trưởng Giao thông trong chính quyền mới. Với kết quả này, ông Buttigieg sẽ giám sát các hoạt động vận tải hàng không, đường bộ, phương viện vận tải, đường ống và trung chuyển, cũng như các nỗ lực nhằm đảm bảo quá trình vận tải an toàn của nước Mỹ trong đại dịch COVID-19.
MỚI - NÓNG
Nguyên nhân sập cầu treo Kẻ Nính
Nguyên nhân sập cầu treo Kẻ Nính
TPO - Liên quan đến vụ sập cầu treo Kẻ Nính bắc qua sông Hiếu xảy ra vào ngày 6/3/2024, cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đã có báo cáo kết quả kiểm tra vụ việc và nguyên nhân gây sập cầu.