THẾ GIỚI 24H: 45 quốc gia tập trận hải quân AMAN-19 tại Pakistan

45 quốc gia tập trận hải quân tại Pakistan. Ảnh minh họa
45 quốc gia tập trận hải quân tại Pakistan. Ảnh minh họa
TPO - Ngày 8/2, cuộc tập trận hải quân đa quốc gia kéo dài năm ngày đã diễn ra tại thành phố cảng Karachi, miền Nam Pakistan, có sự tham gia của 45 quốc gia, nhằm tăng cường khả năng phối hợp với nhau trong việc đạt được những mục tiêu chung. 

Theo Đài phát thanh Pakistan, buổi lễ khai mạc cuộc tập trận AMAN-19 có sự góp mặt của các quan chức hải quân cấp cao, các đại sứ, đại diện của nhiều nước khác nhau. Tổng cộng 45 quốc gia cử tàu và quan sát viên tham gia tập trận. Cuộc tập trận diễn ra theo hai giai đoạn chính ở bến cảng và trên biển. Các hoạt động trên bờ bao gồm hội thảo, trao đổi và trưng bày. Trong giai đoạn trên biển, các lực lượng hải quân sẽ tiến hành những bài tập thực tế.


Liên hợp quốc vừa thông báo miễn cấm vận đối với 93 mặt hàng viện trợ của Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế dành cho Triều Tiên. Các loại hàng hóa được miễn cấm vận gồm trang thiết bị y tế chuyên dụng cho sản phụ và trẻ sơ sinh, các dụng cụ y tế dùng trong bệnh viện, lều gia đình và ống dẫn lọc nước, với tổng giá trị khoảng 57.600 USD. Tới nay, đã có 10 dự án viện trợ nhân đạo Triều Tiên được Liên hợp quốc thông qua miễn cấm vận.


Chính phủ Hàn Quốc ngày 8/2 cho biết, Hàn Quốc và Mỹ đã quyết định hoãn công bố kế hoạch tổ chức các cuộc tập trận chung trong 6 tháng đầu năm 2019 cho đến khi kết thúc hội nghị cấp cao lần 2 giữa Mỹ và Triều Tiên, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 2. Bộ Thống nhất Hàn Quốc hy vọng hội nghị cấp cao sắp tới giữa Mỹ và Triều Tiên sẽ đạt được tiến bộ cụ thể để mở đường cho các cuộc trao đổi liên Triều quy mô lớn hơn.


Ngày 8/2 Tổng thống Nga Vladimir Putin ký một sắc lệnh, theo đó bãi nhiệm 9 tướng và hai đại tá trong các cơ quan an ninh, đồng thời bổ nhiệm các lãnh đạo mới cho lực lượng này. Trong số các tướng an ninh bị bãi nhiệm bao gồm ông Sergei Solopov, người đứng đầu Cục An ninh kinh tế và Chống tham nhũng thành phố Mátxcơva thuộc Bộ Nội vụ và  Irina Zeibert, trợ lý cấp cao của người đứng đầu Uỷ ban điều tra Liên bang.


Đêm 8/2, Quốc vương Thái Lan Maha Vajiralongkorn cho rằng việc một đảng chính trị đề cử chị gái của ông - Công chúa Ubolratana, làm Thủ tướng nếu đảng này giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới ở Thái Lan là "không thích hợp và vi hiến." Tuyên bố đăng trên Công báo Hoàng gia Thái Lan có đoạn: "Đưa một thành viên gia đình hoàng gia cấp cao vào hệ thống chính trị là việc đi ngược lại truyền thống hoàng gia và văn hóa đất nước... nó không thích hợp.”


Ngày 8/2, Đặc phái viên Mỹ về hòa bình Afghanistan Zalmay Khalilzad cho biết Washington đang hy vọng Kabul có thể đạt được một thỏa thuận hòa bình với phong trào Hồi giáo Taliban trước thời điểm bầu cử tổng thống diễn ra vào tháng 7 tới. Ông Zalmay Khalilzad nói: "Sẽ tốt hơn cho Afghanistan, nếu chúng ta có thể đạt được thỏa thuận hòa bình trước cuộc bầu cử, dự kiến trước tháng 7 tới."


Ngày 8/2, một quan chức cấp cao của Mỹ tiết lộ, trong một chuyến thăm diễn ra vào tuần tới, Ngoại trưởng nước này Mike Pompeo sẽ bày tỏ những quan ngại về sự tăng cường hiện diện của tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc ở Hungary và các nước láng giềng. Trong chuyến thăm tới Hungary và Slovakia, ông Pompeo cũng sẽ thảo luận về các biện pháp nhằm tăng cường quan hệ an ninh với hai nước trên, trong đó có việc ký kết các thỏa thuận về hợp tác quốc phòng.


Ukraine đã thông qua đạo luật cấm các đại diện Nga làm việc với tư cách quan sát viên trong cuộc bầu cử ở Ukraine vào ngày 31/3. Bộ Ngoại giao Nga lưu ý rằng Matxcơva coi việc từ chối công nhận quan sát viên Nga là sự vi phạm thô bạo các nghĩa vụ quốc tế trong lĩnh vực thủ tục bầu cử đã được toàn thể chấp nhận.


Với tỷ lệ 153 phiếu thuận và 140 phiếu chống, Quốc hội Hy Lạp ngày 8/2 đã thông qua yêu cầu gia nhập NATO của Macedonia, qua đó hoàn thiện những bước cuối cùng của thỏa thuận lịch sử nhằm chấm dứt tranh cãi về tên gọi kéo dài suốt 27 năm qua giữa hai nước. Động thái của Quốc hội Hy Lạp là một phần trong thỏa thuận được kí kết hồi tháng 6 vừa qua giữa Hy Lạp và Macedonia. Theo đó, Macedonia sẽ đổi tên nước thành Cộng hòa Bắc Macedonia và Hy Lạp sẽ ủng hộ nỗ lực trở thành thành viên NATO và EU của Macedonia.

MỚI - NÓNG