THẾ GIỚI 24H: 26 tàu chiến Mỹ có ca nhiễm COVID-19

Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt cùng tuần dương hạm USS Bunker Hill trên Thái Bình Dương. Ảnh: HẢI QUÂN MỸ
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt cùng tuần dương hạm USS Bunker Hill trên Thái Bình Dương. Ảnh: HẢI QUÂN MỸ
TPO - Theo CNN, ngày 22/4, một quan chức cấp cao của Hải quân Mỹ cho biết hiện 26 tàu chiến của nước này đang có ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong khi 14 tàu khác từng từng bị virus này hoành hành song các thủy thủ mắc bệnh đã phục hồi.

Hiện 26 tàu chiến có bệnh nhân nhiễm COVID-19 đang neo đậu tại các cảng hoặc xưởng bảo dưỡng. Hải quân Mỹ không công khai tên các tàu bị ảnh hưởng bởi COVID-19 hoặc chính xác số ca nhiễm do chính sách của Bộ Quốc phòng quy định việc công khai các chi tiết này có thể đe dọa đến an ninh. Tính tới sáng 22/4 (theo giờ Mỹ), 3.578 quân nhân Mỹ đã xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 và hai người đã tử vong. Khoảng 800 ca nhiễm được xác nhận trên tàu sân bay Theodore Roosevelt. Hơn 4.000 thủy thủ trên chiếc tàu này đã được đưa vào bờ và dự kiến trở lại tàu cuối tuần này sau khi đã trải qua quá trình cách li 14 ngày.


2 máy bay Canada tới Trung Quốc chở thiết bị y tế trở về 'tay không' vào ngày 20/4. Theo nhà lãnh đạo Canada, Trung Quốc chỉ cho máy bay nước khác đậu tại sân bay của họ trong một khoảng thời gian hạn chế trước khi rời đi dù nó có chở hàng hay không. Ngoài ra, xe tải vận chuyển các lô hàng gặp khó trong hành trình ra sân bay vì nhiều chốt kiểm soát và các biện pháp kiểm dịch. Kết quả, 2 chiếc máy bay buộc phải cất cánh mà không chở được bất cứ lô thiết bị y tế nào về nước.


Ngày 22/4, Bộ trưởng Cảnh sát Nam Phi Bheki Cele thông báo tổng cộng 131 người đã bị bắt giữ do không tuân thủ các quy định phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của nước này. Theo Bộ trưởng Cele, trong số những người bị bắt ngoài các quan chức chính phủ, giới chức y tế, nhân viên trại giam còn có 89 cảnh sát là thành viên của Cơ quan Cảnh sát Nam Phi. Nhiều người trong số này phạm tội bán rượu bị tịch thu trước đó.


Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 6h sáng 23/4 (giờ Việt Nam), thế giới có 2.629.951 người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó 183.723 trường hợp đã tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh trên toàn cầu là 714.319 người. Thế giới vẫn còn tới 56.678 bệnh nhân COVID-19 đang trong tình trạng nguy kịch.


Gần 2/3 trong số các nạn nhân COVID-19 là ở châu Âu, nơi ghi nhận hơn 110.500 ca tử vong. Mỹ dẫn đầu thế giới về số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 với 844.992 ca mắc bệnh và 47.430 ca tử vong. Xếp thứ hai là Tây Ban Nha với 208.389 ca mắc và 21.717 ca tử vong. Italy tiếp tục xếp vị trí thứ 3 với 187.327 ca mắc và 25.085 ca tử vong. Đứng thứ tư là Pháp với 159.877 ca mắc và 21.340 ca tử vong. Trong khi một số quốc gia như Bỉ và Thụy Sĩ ghi nhận số ca nhiễm mới giảm mỗi ngày và đã qua đỉnh dịch thì Nga và Anh ngày 22/4 vẫn ghi nhận hàng nghìn ca nhiễm mới.  Tại châu Á, dịch vẫn "nóng" ở Singapore và Ấn Độ. Singapore đã ghi nhận thêm 1.016 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca tại đảo quốc này lên 10.141 ca.


Ngày 22/4, Chính phủ Tây Ban Nha tuyên bố cảnh sát nước này đã bắt giữ một trong những tay súng của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, hiện đang bị truy nã gắt gao tại châu Âu. Theo thông báo của Bộ Nội vụ Tây Ban Nha, đối tượng nói trên là một tay súng người Ai Cập từng tham chiến tại Syria và Iraq. Tên này bị bắt giữ cùng với hai người khác chưa rõ danh tính, khi đang lẩn trốn trong một căn hộ tại thị trấn Almeria, miền Nam Tây Ban Nha. Đối tượng từng xuất hiện trong các bức ảnh tuyên truyền cho tội ác của IS.


Philippines hôm 22/4 đã gửi liên tiếp 2 công hàm tới Đại sứ quán Trung Quốc ở Manila, phản đối các hành xử hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông. Trong chia sẻ trên Twitter cá nhân, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin cho biết một công hàm phản đối liên quan tới việc tàu Trung Quốc kích hoạt radar đại bác ở trạng thái tấn công nhắm vào tàu Hải quân Philippines. Một công hàm khác phản đối tuyên bố của Trung Quốc về cái gọi là địa phận của tỉnh Hải Nam nước này.


Ngày 22/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter rằng ông đã chỉ thị Hải quân “bắn hạ và phá huỷ bất kỳ và tất cả pháo hạm nào của Iran quấy rối tàu Mỹ. “Tôi đã chỉ thị cho Hải quân Mỹ bắn hạ hoặc phá huỷ bất kỳ và tất cả pháo hạm nào của Iran nếu họ quấy rối tàu của chúng ta trên biển”, ông Trump viết. Không rõ đoạn tweet của ông Trump có trở thành chỉ thị thực sự và liệu Bộ chỉ huy trung tâm, cơ quan giám sát các hoạt động ở Trung Đông, có thực sự bắn tàu của Iran hay không. Chỉ thị đó được đánh giá sẽ làm tăng khả năng xảy ra tính toán sai lầm giữa hai kẻ thù lâu năm.(XEM CHI TIẾT)

MỚI - NÓNG