Thế giằng co trong đàm phán Mỹ-Trung

Mỹ mất 14 năm mới đưa được sản phẩm thịt bò trở lại thị trường Trung Quốc ẢNH: corporationchina.com
Mỹ mất 14 năm mới đưa được sản phẩm thịt bò trở lại thị trường Trung Quốc ẢNH: corporationchina.com
TP - Trong ba ngày đàm phán tại Bắc Kinh, các quan chức Mỹ đã yêu cầu làm rõ chi tiết những cam kết của phía Trung Quốc trong việc mua số lượng lớn hàng hóa Mỹ, cũng như buộc Bắc Kinh phải giữ lời hứa thay đổi chính sách công nghiệp.

Theo tin của Reuters, Washington đã đưa ra một danh sách dài những yêu cầu đối với Bắc Kinh, bao gồm việc thay đổi các chính sách liên quan đến bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, trợ giá công nghiệp và những hàng rào phi thuế quan trong thương mại.

Đến nay, đã trải qua ngày thứ 40 trong thời hạn 90 ngày Mỹ đưa ra đối với Trung Quốc, có rất ít tiến bộ cụ thể trong đàm phán giữa đôi bên. Cuộc gặp ở Bắc Kinh lần này chỉ ở cấp dưới bộ trưởng, nên không thể trông đợi có một thỏa thuận chấm dứt cuộc chiến thương mại.

Các quan chức Trung Quốc và Mỹ đã thảo luận “cách thức để đạt được sự công bằng, có đi có lại và cân bằng trong quan hệ thương mại”, đại diện Thương mại Mỹ nói trong một tuyên cáo. “Các cuộc đàm phán cũng tập trung vào những cam kết mua hàng hóa Mỹ số lượng lớn của Trung Quốc, cụ thể là hàng nông nghiệp, năng lượng và nhiều loại sản phẩm dịch vụ khác”, cơ quan này nói.

Trung Quốc đã đưa ra cam kết này sau cuộc gặp giữa ông Tập Cận Bình và ông Donald Trump ở Argentina. Khi đó, các quan chức Mỹ nói Trung Quốc sẽ mua hàng Mỹ ngay. Nhưng ngoại trừ đậu tương, chưa có đơn hàng lớn nào từ Trung Quốc, cho đến thời điểm này.

Hồi tháng 11/2018, các quan chức Mỹ nói cam kết mua bán từ Trung Quốc lên tới 1.200 tỷ USD nhưng không nói cụ thể cơ cấu hàng hóa cũng như thời điểm thực hiện.

Các vụ mua bán này sẽ đáp ứng được một trong những đòi hỏi cơ bản từ phía ông Trump: là Trung Quốc phải có hành động giảm thâm hụt thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc.

Chi bộn để mua hàng hóa cũng là tín hiệu cho thấy Trung Quốc sẵn sàng làm việc với Mỹ, nhưng việc này không giải quyết được yêu cầu của Washington rằng Bắc Kinh phải có những thay đổi mang tính cấu trúc.

Chưa rõ các vấn đề này đã đạt được tiến bộ gì trong vòng 90 ngày, hay ông Trump muốn các tiến bộ đạt đến mức độ nào để không tiếp tục leo thang cuộc chiến thương mại.

Trong khi đó, Trung Quốc nói họ sẽ không nhượng bộ trước những vấn đề họ cho là cốt lõi. Hôm thứ Tư vừa qua, tờ Trung Quốc nhật báo nói Trung Quốc sẽ không nhượng bộ “vô lý” và bất cứ vấn đề gì cũng cần sự thỏa hiệp từ hai phía.

Từ lâu, các quan chức Mỹ đã phàn nàn rằng Trung Quốc không giữ lời hứa trong thương mại, dẫn ra ví dụ về cam kết nối lại việc nhập thịt bò Mỹ nhưng phải mất cả chục năm mới thực thi.

Derek Scissors, một học giả chuyên về Trung Quốc của Viện nghiên cứu American có trụ sở ở Washington, cho rằng vẫn còn đủ thời gian để đạt được một thỏa thuận, nhưng phần lớn phụ thuộc vào việc Mỹ có chấp nhận những lời hứa hẹn của Trung Quốc trong việc thay đổi mô hình kinh tế, hiện có rất ít dấu hiệu của hành động.

“Vấn đề ở đây là Mỹ sẽ làm gì nếu Trung Quốc không giữ lời”, ông Scissors nói và cho rằng việc này có thể dẫn đến một lời đe dọa áp thuế trở lại với ngày giờ cụ thể.

Trong lúc tiến trình đàm phán Mỹ-Trung diễn ra theo thế giằng co, các doanh nghiệp của cả đôi bên đang phải “chịu đòn” khi tác động tiêu cực ngày càng rõ rệt. Hãng Apple trong tuần trước đã phải giảm doanh số dự kiến của năm nay do nhu cầu từ thị trường Trung Quốc sụt giảm.

Phát biểu sau cuộc đàm phán, Ted McKinney, thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Mỹ nói với các phóng viên tại Bắc Kinh rằng ông ta nghĩ các cuộc đàm phán “diễn ra tốt đẹp”.

Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ-Trung, một nhóm doanh nghiệp Mỹ làm ăn tại Trung Quốc, hoan nghênh các cuộc đàm phán trong ba ngày qua, nhưng vẫn thúc giục hai chính phủ có những tiến bộ cụ thể trong việc đối xử bình đẳng đối với doanh nghiệp đôi bên tại Trung Quốc và những thay đổi trong chính sách liên quan đến chuyển giao công nghệ.

MỚI - NÓNG