Việc ông Guaido trở về nước, chi tiết ra sao vẫn chưa được tiết lộ, có thể trở thành một điểm nóng trong cuộc đấu tay đôi giữa vị chủ tịch quốc hội, “tổng thống tự phong” với tổng thống Maduro, người đang ở thế khó. Vì nếu không bắt giữ ông Guaido, tổng thống Maduro sẽ tự làm suy yếu quyền lực của mình, trong khi thực hiện việc đó có thể dẫn tới nhiều chỉ trích và các lệnh trừng phạt mới từ Mỹ và các nước phương Tây ủng hộ ông Guaido. Giới đối lập cũng lấy cớ này để chỉ trích, cho rằng đó là hành vi đàn áp đối thủ chính trị. Bắt giữ Guaido là nước cờ đầy rủi ro đối với ông Maduro, cho dù việc này ngay lập tức loại bỏ người lãnh đạo chủ chốt của các lực lượng đối lập. Theo Reuters, trong một thời gian dài, ngay trong giới đối lập ở Venezuela cũng tồn tại nhiều bất đồng, cho đến khi chủ tịch Quốc hội Juan Guaido đứng lên thống nhất họ.
Chủ tịch Quốc hội Guaido, 35 tuổi, người được hầu hết các nước phương Tây coi là người đứng đầu nhà nước hợp pháp ở Venezuela dù tự phong, không thông qua bầu cử, nói hôm chủ nhật rằng ông sẽ chấp nhận thực hiện “một thách thức lịch sử” khi trở về đúng lúc để chỉ đạo các cuộc biểu tình phản đối hôm thứ Hai và thứ Ba, được lên kế hoạch diễn ra đúng dịp lễ Carnival ở Venezuela, thời điểm thường không xuất hiện biểu tình.
Ông Guaido bí mật rời Venezuela qua Colombia, vi phạm lệnh của tòa tối cao, để tìm cách đưa dòng hãng “viện trợ nhân đạo” vào Venezuela. Nhưng binh lính trung thành với ông Maduro đã chặn lại các đoàn xe được phái đến từ Colombia và Brazil. Ngoài Colombia, ông Guaido đã tới Argentina, Brazil, Ecuador và Paraguay để vận động họ ủng hộ mình.
Tổng thống Maduro, người coi ông Guaido là con rối của Mỹ, nói việc bắt giữ ông này tùy thuộc vào hệ thống luật pháp. “Ông ta không thể cứ thế mà đi rồi cứ thế mà về. Ông ta sẽ phải đối mặt với công lý và luật cấm ông ta rời đất nước”, ông Maduro nói với ABC News tuần trước.