Lợi ích lớn từ thẻ BHYT điện tử thay thẻ giấy
- Thưa ông, tại sao Chính phủ lại đặt ra yêu cầu với ngành BHXH triển khai và áp dụng thẻ BHYT điện tử cho người tham gia BHYT thay thẻ giấy hiện hành?
Ông Võ Khánh Bình: Triển khai thẻ BHYT điện tử là một phần trong chương trình ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý BHYT, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về BHYT, đang được BHXH Việt Nam triển khai; qua đó góp phân cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân. Do đó, Chính phủ giao BHXH Việt Nam chủ trì xây dựng quy định và triển khai sử dụng thẻ BHYT điện tử. Thẻ BHYT phải gắn chíp với giải pháp công nghệ do Việt Nam làm chủ, bảo đảm kết nối, liên thông, tích hợp an toàn và chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu của các bộ ngành, địa phương liên quan.
- Việc áp dụng thẻ BHYT điện tử tạo thuận lợi ra sao trong việc khám chữa bệnh cũng như thanh toán BHYT?
Ông Võ Khánh Bình: Khi chuyển đổi sang thẻ BHYT điện tử sẽ mang lại nhiều lợi ích cho tất cả các bên. Đối với người tham gia BHYT, khi khám chữa bệnh không cần mang theo giấy tờ tùy thân, thăng bằng xác nhận nhân thân qua vân tay, mống mặt... Toàn bộ lịch sử khám chữa bệnh của người tham gia cũng được lưu trữ trên thẻ tạo thuận lợi cho bác sĩ theo dõi và điều trị bệnh.
Với cơ sở khám chữa bệnh, khâu tiếp nhận bệnh nhân sẽ dễ dàng và chính xác hơn, tiết kiệm thời gian, chi phí… vì thông tin hiển thị được lưu trữ trên chíp, không mất thời gian kiểm tra giấy tờ thủ công. Cơ sở khám chữa bệnh cũng dễ dàng biết được lần khám bệnh gần nhất, tránh sử dụng các dịch vụ cận lâm sàng quá nhiều dẫn tới ảnh hưởng sức khoẻ người bệnh; hay việc cấp các loại thuốc điều trị phù hợp, tránh tình trạng kháng thuốc do sử dụng không hợp lý.
Với cơ quan BHXH, với thẻ BHYT điện tử sẽ ngăn chặn được tình trạng đi khám bệnh nhiều lần, nhiều nơi để trục lợi Quỹ BHYT, hay cho mượn thẻ. Rút ngắn thời gian, thủ tục thanh toán chi phí khám chữa bệnh. Đặc biệt, mục tiêu là tích hợp thông tin BHXH trên thẻ dùng chung để thay thế cho sổ BHXH giấy hiện hành. Đồng thời, cắt giảm thủ tục, đơn giản hoá in ấn do không phải in lại thẻ khi sai thông tin, đổi nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu…
- Chính phủ giao BHXH Việt Nam phải phát hành thẻ BHYT điện tử từ năm 2020, vậy tới nay công tác chuẩn bị ra sao khi chỉ còn nửa năm là tới hạn?
Ông Võ Khánh Bình: BHXH Việt Nam đã nghiên cứu và xây dựng Dự thảo Quyết định của Thủ tướng về việc thực hiện thẻ BHYT điện tử, các thành viên Chính phủ đã họp và cho ý kiến. Khi Thủ tướng ký ban hành, BHXH sẽ khẩn trương tổ chức thực hiện để cấp chuyển đổi từ thẻ BHYT giấy sang thẻ điện tử. Hiện các điều kiện về cơ sở hạ tầng công nghệ trong quản lý và phục vụ sử dụng thẻ BHYT điện tử đã cơ bản hoàn thiện, BHXH Việt Nam đã có cơ sở dữ liệu tập trung về BHXH, BHYT. Như vậy, việc triển khai thẻ BHYT điện tử trong thời gian tới rất thuận lợi. Tuy vậy, điều cần hiện nay là các chính sách phải được ban hành trong năm 2019, để đủ cơ sở thực hiện từ 2020. Đặc biệt, cần kết nối thống nhất với dũ liệu của ngành lao động, y tế, công án, tránh đầu tư cấp thẻ điện tử nhiều nơi gây lãng phí ngân sách. - Với việc sử dụng thẻ BHYT điện tử, theo tính toán, sẽ tiết kiệm cho ngân sách và việc Quỹ BHYT ra sao?
Ông Võ Khánh Bình: Khi dùng thẻ BHYT điện tử sẽ giảm chi phí in ấn, cấp đổi thẻ BHYT giấy như hiện nay; giảm chi phí giao dịch, khi người tham gia BHYT có thể nộp tiền trực tiếp từ tài khoản ngân hàng, tra cứu thông tin dễ dàng; rút ngắn thời gian, chi phí kiểm tra thủ tục khi khám chữa bệnh, đảm bảo nhanh, chính xác. Đặc biệt, sẽ ngăn chặn kịp thời các hành vi lạm dụng, trục lợi BHYT, như mượn thẻ, gian lận BHYT... - Xin cảm ơn ông!
Theo BHXH Việt Nam, tính tới hết tháng 5/2019, cả nước có 84 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 89% dân số. Tổng số thu BHYT ước đạt 37.350 tỷ đồng. Trong cùng thời gian, cả nước có có 72,56 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT, với số tiền ước chi từ quỹ khoảng 39.722 tỷ đồng.