'Thay vì hoãn tăng lương, nên cắt các khoản chi không cần thiết'

'Thay vì hoãn tăng lương, nên cắt các khoản chi không cần thiết'
Có quan điểm khá căn cơ, đòi hỏi lương phải đi đôi với hiệu quả công việc, nhưng đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch đề xuất không trì hoãn lộ trình tăng lương, thay vào đó phải cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cấp bách.

'Thay vì hoãn tăng lương, nên cắt các khoản chi không cần thiết'

> Tháng 5-2013 mới chốt việc tăng lương
> Cần tăng lương theo đúng lộ trình

Có quan điểm khá căn cơ, đòi hỏi lương phải đi đôi với hiệu quả công việc, nhưng đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch đề xuất không trì hoãn lộ trình tăng lương, thay vào đó phải cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cấp bách.

Tiến sĩ kinh tế Trần Du Lịch là đại biểu Quốc hội đoàn TP HCM, đại biểu chuyên trách của Ủy ban Kinh tế Quốc hội. Ảnh: Hoàng Hà
Tiến sĩ kinh tế Trần Du Lịch là đại biểu Quốc hội đoàn TP HCM, đại biểu chuyên trách của Ủy ban Kinh tế Quốc hội. Ảnh: Hoàng Hà.

Ông Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội trao đổi với báo chí chiều 22-10, sau khi Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ báo cáo tại hội trường về nguy cơ ngân sách nhà nước không thể trang trải cho kế hoạch tăng lương tối thiểu lên 1,3 triệu đồng từ 1-5-2013.

- Xin cho biết quan điểm của ông khi Chính phủ báo cáo khả năng không thể tăng lương như lộ trình đã định?

- Tăng lương là xu hướng cần thiết để bảm bảo cuộc sống của công chức cũng như bộ máy chính trị. Để đảm bảo tăng lương đúng lộ trình, tôi đề xuất cắt giảm các khoản chi thường xuyên khác ngoài lương và trợ cấp xã hội, ít nhất 10% so với thực chi của năm 2012. Vì tôi thấy rằng, chi ngoài lương còn nhiều khoản vô tội vạ.

Tất nhiên, đồng thời với tăng lương là nâng hiệu quả hoạt động, tinh giản bộ máy, xem lại những chức năng không cần thiết. Từ đầu nhiệm kỳ khóa XII, chúng ta đã sáp nhập các bộ, tổng cục, nhưng thực tế nhiều nơi bộ máy vẫn phình to ra, vẫn có những trường hợp không làm gì vẫn được hưởng lương và tăng lương đều đặn. Nếu cứ như vậy thì rõ ràng tăng lương không hiệu quả, sẽ gây ra những tác dụng tiêu cực.

Riêng với khu vực doanh nghiệp, lộ trình tăng lương cần cân nhắc kỹ lưỡng. Bây giờ doanh nghiệp đang khó khăn, coi chừng tăng lương có thể khiến họ càng khó khăn hơn và mất khả năng cạnh tranh. Doanh nghiệp Việt Nam vốn dĩ chủ yếu là gia công và lương thấp, không thể đòi hỏi một sớm một chiều thoát ly khỏi đặc điểm này để có lương cao ngay lập tức. Tôi đã tiếp nhận kiến nghị của hiệp hội các ngành hàng với hơn 4 triệu người lao động, họ đề nghị có lộ trình tăng lương phù hợp để họ còn xoay sở.

- Ngân sách nguy cơ không bố trí đủ cho việc tăng lương nhưng vốn xây bảo tàng vẫn được duyệt, trong khi nhiều bảo tàng đã xây chưa hoạt động hết công suất. Theo ông cần rà soát các khoản mục đầu tư này thế nào, bên cạnh việc cắt giảm các khoản chi thường xuyên?

- Chi cho đầu tư phát triển, những hạng mục nào cần thiết thì vẫn phải duy trì, nếu bội chi ngân sách đạt yêu cầu đề ra. Nhưng tôi đề nghị nín lại những gì chưa cần đầu tư gấp, kể cả trụ sở cơ quan. Thay vào đó, vốn đầu tư cần dồn cho những nhu cầu bức xúc như trường học, giao thông nông thôn, bệnh viện. Nén lại những khoản chi không cần thiết để tập trung cho những vấn đề bức bách, như vậy mới có trách nhiệm với dân.

- Các báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội kỳ này cho thấy kinh tế xã hội cũng như thu chi ngân sách đang rất khó khăn. Vậy cảm nhận của ông về tình hình hiện nay thế nào?

- Báo cáo của Chính phủ cũng như cơ quan thẩm tra của Quốc hội đều cho thấy về hình thức thì tăng trưởng quý sau vẫn cao hơn quý trước, nhưng chất lượng tăng trưởng và đặc biệt là niềm tin thị trường vẫn là vấn đề rất lớn cần giải quyết.

Nhưng nên nhớ rằng thực trạng kinh tế Việt Nam hiện nay bắt nguồn từ nhiều năm trước. Những khó khăn từ khủng hoảng kinh tế thế giới và suy thoái 2008 vẫn chưa giải quyết triệt để, chúng ta lại phải đối mặt với những bất ổn mới. Thế giới hiện nay cực kỳ bất ổn, chưa bao giờ tôi thấy dự báo của các định chế thế giới lại thay đổi hàng tuần như thế này. Chúng ta cũng không tài cán gì hơn để dự báo hơn họ, vì vậy cũng không nên tự trói buộc mình vào các chỉ tiêu quá cứng nhắc.

Theo tôi lúc này chúng ta cần đánh giá cả 3 năm còn lại của kế hoạch 5 năm, để từ đó có giải pháp tổng thể hơn. Từ năm 2008 tới giờ, chúng ta liên tục thay đổi chính sách để ứng phó với bất ổn, nhưng lại chậm lồng ghép các biện pháp căn cơ mang tính trung dài hạn để có những thay đổi về chất. Chúng ta chỉ giải quyết triệu chứng bệnh bên ngoài, trong khi cơ thể rất thiếu sức đề kháng. Vì vậy cần tính toán để kiên quyết thực hiện tái cơ cấu toàn diện, nếu không chúng ta cứ loay hoay hoài, mỗi ngày khó khăn chồng chất khó khăn.

- Riêng với những khó khăn của doanh nghiệp, theo ông Nhà nước cần làm gì thêm?

- Khó khăn của doanh nghiệp đã được nêu ra từ kỳ họp Quốc hội giữa năm. Nhưng như tôi đã nói, Nhà nước chỉ hỗ trợ có mức độ được thôi và với tình hình hiện nay, nhà nước không thể làm gì thêm mà nên để thị trường điều tiết.

Đúng là một loạt doanh nghiệp khó khăn, nhưng thử đặt câu hỏi ngược lại với doanh nghiệp là tại sao trong bối cảnh đó khối đầu tư nước ngoài vẫn hoạt động tốt, tăng trưởng xuất khẩu chủ yếu nhờ khối này? Đó là vì họ làm ăn cơ hơn, bài bản hơn, dựa vào vốn chủ sở hữu nhiều hơn còn ta lại thiếu căn cơ và phụ thuộc nhiều vào vốn đi vay. Phải chấp nhận một bộ phận doanh nghiệp để cho thị trường điều tiết và thanh lọc, chứ không thể dang tay bảo bọc hết được.

- Bộ phận doanh nghiệp cần phải thanh lọc đã hết chưa, thưa ông?

- Tôi nghĩ là chưa. Vấn đề quan trọng lúc này là làm gì thì làm, đừng để những doanh nghiệp có khả năng phát triển lại bị vạ lây. Với những doanh nghiệp đó, vốn là câu chuyện khó nhất. Vì cục máu đông nợ xấu mà ngân hàng không dám cho doanh nghiệp vay, doanh nghiệp thì không có vốn để sản xuất kinh doanh. Tôi đề nghị mạnh dạn cho khoanh nợ với những doanh nghiệp có thị trường, có tiềm năng, để họ được tiếp tục vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh.

- Ông dự báo những khó khăn hiện nay còn kéo dài tới bao giờ?

- Tôi cho là những khó khăn hiện nay đã bộc lộ hết rồi, giải quyết nó thế nào phụ thuộc vào nỗ lực của cả hai phía, doanh nghiệp và chính sách nhà nước. Nhưng lưu ý bất cứ chính sách gì triển khai từ nay tới cuối năm phải cân nhắc cho kỹ, làm sao tránh tác động xấu tới tâm lý cũng như niềm tin của thị trường. Ví dụ giá các mặt hàng thiết yếu phải kiên quyết theo định hướng thị trường, nhưng trong bối cảnh khó khăn này, lộ trình thực hiện có thể chậm lại một chút.

Theo VnExpress

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG