Cách đây gần 20 năm, toàn bộ mảnh đất 10ha trên đồi Sẻ (thôn Khả Lễ, Võ Cường, TP Bắc Ninh) bạt ngàn cỏ lau.
Cây đa cổ thụ, rợp bóng mát ở khu vực cổng nghĩa trang Võ Cường do cụ Chã trồng. (Ảnh: Chung Bằng). |
Nhưng vì thiếu cây to giữ đất nên cứ vào mùa mưa, nước chảy xối xả từ trên núi xuống làm trôi hết đất màu, trơ lại những đá và đất chết.
Rồi chùa Khả Lễ của thôn được xây dựng ngay trên đỉnh núi để làm nơi sinh hoạt tâm linh cho bà con. Cây cỏ vốn giữ nước kém nay lại bị chặt phá để bê tông hoá và gạch hoá nền đường để làm chùa, điều này càng làm cho tình hình rửa trôi tăng cao.
Cụ Nguyễn Vĩnh Chã (người khu Khả Lễ) lúc ấy đã trên 70 tuổi, là thầy giáo đã nghỉ hưu xung phong lên canh chùa để đám trẻ vô ý thức luôn thả trâu bò trên đó khỏi nghịch phá. Nhìn thấy cảnh chùa đơn lẻ, chẳng có lấy một bóng cây râm mát, về mùa mưa bà con lại không có nước sạch dùng nên cụ Chã quyết tâm cải tạo thiên nhiên.
Thế là từ đó, người ta thấy hằng ngày cụ Chã hì hụi đào hố trồng cây. Đào được cái hố nào cụ lại đi tìm cây giống về trồng.
Không chỉ trồng cây phủ xanh đồi Sẻ mà cụ Chã còn trồng rất nhiều cây ở trong vùng. Dọc các đường đi, chỗ nào có đất trống là cụ lại trồng cây.
Vợ chồng cụ Nguyễn Vĩnh Chã và bà Diêm Thị Mùi. (Ảnh chụp lại, ảnh: Chung Bằng). |
Từ bàn tay và tinh thần tự nguyện của cụ Chã, đến nay quanh khu đồi Sẻ, khu vực nghĩa trang Võ Cường và dọc lối đi của khu Khả Lễ đã có hàng chục cây đa, cây bồ đề cổ thụ.
Cụ Chã đã mất cách đây 5 năm nhưng người dân khu Khả Lễ vẫn dành những tình cảm quý trọng những việc làm của cụ.
Bác Trương Khắc Thăng, 65 tuổi ở gần khu chùa Khả Lễ vừa dẫn chúng tôi đi dọc lối đi khu đồi Sẻ vừa chỉ cho PV hàng chục gốc cây đa, cây bồ đề tán rộng do cụ Chã trồng và xách nước từ dưới chân đồi lên tưới.
Ông Trương Mạnh Kỳ, trưởng khu Khả Lễ chia sẻ: “Việc làm của cụ Chã tuy nhỏ bé nhưng lại là bài học cho người dân. Học tập cụ hiện quanh khu dân cư của chúng tôi đã có rất nhiều gia đình trồng cây lớn tạo bóng mát xung quanh các đường đi công cộng”.