Dạy đội tuyển HSG quốc gia của trường chuyên
Nguyễn Tiến Trung Kiên (sinh năm 1997, Hoài Đức) là học sinh lớp 12 trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội. Trong 12 năm liền, Kiên đạt danh hiệu HSG toàn diện, giải nhất (2011) và giải khuyến khích (2013) của kỳ thi Tin học trẻ quốc gia.
Đặc biệt, tháng 4/2014, Kiên đạt giải nhì Olympic Tin học quốc gia, huy chương vàng kỳ thi HSG các tỉnh Duyên hải và đồng bằng Bắc bộ và huy chương đồng Olympic Tin học quốc tế (IOI) được tổ chức tại Đài Loan.
Trung Kiên có ước mơ trở thành kỹ sư Tin học.
Sau thành tích tại kỳ thi cấp quốc tế, Trung Kiên được thầy giáo phụ trách HSG quốc gia của trường tin tưởng giao nhiệm vụ giảng dạy 1 buổi/tuần cho đội tuyển. Lớp học đặc biệt này bao gồm 12 "cao thủ" được chọn từ ba khối 10,11,12.
Thông thường, giáo viên đứng lớp đội tuyển HSG quốc gia cần có trình độ uyên bác, kinh nghiệm lâu năm. Tuy nhiên, đối với thầy giáo Phương, việc cho học sinh lớp 12 dạy học đã được thực hiện từ 4 năm trước. Đây là cách giáo viên giúp học sinh có được trải nghiệm thú vị, làm nên sự khác biệt của đội tuyển Tin học.
Trong mỗi buổi, Kiên dạy từ 8h sáng đến 11h trưa, nhận được thù lao là 300.000 đồng. Đối với Kiên, số tiền ít hay nhiều không quan trọng, điều đáng nói là em có được niềm vui khi được thử sức trong một vai trò hoàn toàn mới, rèn luyện tinh thần trách nhiệm.
Kiên tâm sự, khó khăn nhất của thầy giáo 9X là “không biết phải dạy gì giữa biển kiến thức mênh mông".
Kiên trăn trở: “Em luôn cố gắng có bài tập hay, xây dựng nội dung xuyên suốt trong cả quá trình để tạo dấu ấn. Nếu chỉ học những bài rời rạc, bản thân em sẽ có cảm giác học sinh không hấp thụ được lượng kiến thức là bao".
Tuy trẻ tuổi nhưng với sự tự tin, phong thái đĩnh đạc, Kiên luôn tạo ấn tượng trong lớp. Chàng trai này coi giảng dạy là việc có ích của một người bạn, người anh làm cho đội tuyển. Vì vậy, Kiên luôn thực hiện hết mình, đầy đam mê, không đặt nặng áp lực hay đòi hỏi lợi ích cá nhân.
Thầy giáo hiếm hoi 17 tuổi.
Tự học pascal từ năm lớp 4
Ít ai biết được rằng, thầy giáo sinh năm 1997 có ước mơ trở thành kỹ sư Tin học từ ngày là học sinh cấp 1.
Trung Kiên sinh ra trong gia đình mẹ bán hàng tại chợ, bố làm việc ở xã. Năm 2000, gia đình cậu mua được một chiếc máy tính để bàn. Cậu bé 3 tuổi thích thú ngay với đồ vật kỳ diệu này. Lên lớp 4, Kiên được bố mua tặng cuốn sách lập trình Pascal rồi mày mò tự làm những phép tính đơn giản.
Trung Kiên tại Đài Loan khi tham dự kỳ thi quốc tế.
Chưa từng theo lớp Tin học nào nhưng học lớp 7 Kiên đã sáng tạo ra loạt trò chơi như xếp hình, hứng trứng, vượt chướng ngại vật... được nhiều người sử dụng. Kiên nhớ lại: “Ngày đó em làm game cho vui, cảm giác khi hoàn thành xong một sản phẩm thật hạnh phúc. Thời gian đầu, mỗi trò chơi em hoàn thiện mất một tuần thì sau đó chỉ cần vài giờ".
Thi đỗ khoa Tin học trường ĐH Quốc gia Hà Nội với 24 điểm, Kiên có điều kiện học chuyên sâu. Chàng trai 9X tâm sự: "Em từng gặp nhiều thất bại khi lập phần mềm bởi từ ý tưởng dẫn đến sản phẩm là quá trình dài".
Tuy nhiên, nhờ sự kiên trì, mày mò nên Kiên dần có những sản phẩm đầu tiên được ghi nhận. Năm học lớp 10, Kiên tạo ra phần mềm hỗ trợ chấm điểm cho giáo viên khi loại bỏ được những cặp bài chép code. Trong suốt gần 2 năm qua, phần mềm này đã được thầy giáo của Kiên sử dụng để hạn chế việc gian lận thi cử.
Ngoài ra, Trung Kiên còn có một blog chia sẻ những kiến thức về lập trình, thuật toán theo các chủ đề như đồ thị, số học và hình học, kiểu dữ liệu... Blog KC97BLE - được ví như trang từ điển Wikipedia cung cấp kiến thức Tin học được các học sinh khối chuyên, nhiều người quan tâm sử dụng. Trên Facebook, Kiên lập nên một fanpage chuyên giải đáp những thắc mắc về Tin học cho các bạn trẻ. Như vậy, ngoài việc lên lớp cho đội tuyển HSG quốc gia, Kiên đang thực hiện nhiệm vụ truyền đạt kiến thức online.
Mỗi ngày Kiên dành thời gian ngồi bên máy tính hơn 10 tiếng đồng hồ. Chàng trai này quan niệm, Tin học không phải chỉ gắn bó với máy móc rồi mơ mộng hay tưởng tượng. Đây là môn học đòi hỏi sự hiểu biết, phải sống một cuộc sống thực mới có thể tạo được phần mềm có ứng dụng. Chính vì vậy, những sản phẩm Kiên làm đều rất cần thiết và gần gũi.
Thời gian này, Kiên tập trung học tiếng Anh để nỗ lực đạt học bổng. Ngôi trường chàng trai này mơ ước là ĐH MIT (Viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ).