Thời gian trước đây, trong khi các bạn cùng trang lứa ở thành phố được làm quen với tiếng lách cách trên bàn phím máy vi tính từ rất sớm thì với những học sinh và người dân ở hai xã đảo Thạnh An và Long Hòa thuộc huyện Cần Giờ, điều này giống như một thứ đồ chơi xa xỉ chỉ có trên phim ảnh.
Từ ý tưởng nặng nghĩa đồng bào sau một chuyến đi thực tế và tình nguyện của một nhóm bạn trẻ trong Câu lạc bộ sinh viên tình nguyện ở Đại học Công nghệ thông tin, những người lính quân hàm xanh ở hai Đồn biên phòng Long Hòa và Thạnh An đã cùng các bạn sinh viên lập kế hoạch “xóa mù tin học”, với mong muốn mang lại tương lai tươi sáng cho người dân nơi đây.
Năm 2014, chương trình “Máy tính cũ - Tri thức mới” (trong đó có việc trao tặng phòng máy và phổ cập tin học ở ấp Thiềng Liềng) của Trường Đại học Công nghệ thông tin - Đại học Quốc gia TPHCM là một trong 6 chương trình, mô hình được vinh dự nhận giải thưởng Hồ Hảo Hớn do Thành Đoàn TPHCM trao tặng.
Theo thiếu tá Nguyễn Ngọc Hùng, Phó Đội trưởng Đội Vận động quần chúng thuộc Đồn biên phòng Long Hòa, thực hiện công tác xây dựng địa bàn biên phòng vững mạnh góp phần cùng địa phương chung tay xây dựng nông thôn mới, năm 2015 đơn vị phối hợp trường Đại học Công nghệ thông tin lắp một phòng vi tính (phòng máy Thanh niên) với 10 bộ máy tính phục vụ cho nhân dân địa phương học vi tính căn bản tại nhà văn hóa thể thao ấp Đồng Hòa. Cuối tháng 10, gần 30 học viên là cán bộ cơ sở và người dân trên địa bàn đã bắt đầu tham gia lớp học này.
Nhập ngũ tháng 3 năm nay, Nguyễn Văn Cường hiện là chiến sĩ thuộc Đội vũ trang Đồn biên phòng Long Hòa thấy mình may mắn khi được tham gia lớp học này. Cường tâm sự: “Những kiến thức từ lớp học sẽ giúp tôi nắm bắt được nhiều thông tin bổ ích từ cộng đồng. Đây cũng là một trong những yếu tố thuận lợi để tôi tìm kiếm được công việc thích hợp sau ngày ra quân”.
Học để thoát nghèo
Với Bí thư Chi đoàn ấp Đồng Tranh (xã Long Hòa) Lâm Hoài Phúc, việc triển khai lớp học giúp anh và đội ngũ cán bộ Đoàn cơ sở có cơ hội tiếp cận và nâng cao kỹ năng tổ chức các hoạt động thiết thực cho thanh niên địa phương. Đặc biệt, những cán bộ cơ sở và các bạn trẻ được làm quen với tin học sẽ thêm phần tự tin khi tham gia phát triển kinh tế gia đình và địa phương theo cách khoa học hơn để thoát nghèo bền vững.
Tại ấp đảo Thiềng Liềng (xã Thạnh An), dù chưa có điện lưới, nhưng lớp học vi tính cộng đồng đã được triển khai từ mùa hè năm 2013. Việc “đứng lớp” được các bạn sinh viên và cán bộ Trạm biên phòng Thiềng Liềng (thuộc Đồn biên phòng Thạnh An) đảm nhiệm. Mỗi tuần 2 buổi vào chiều thứ 7 và sáng chủ nhật, những bóng áo xanh tình nguyện và áo lính biên phòng lại sát cánh bên nhau để truyền đạt kiến thức cho các em học sinh và người dân nơi đây.
Trò chuyện với trung tá Trịnh Văn Hoán, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Thạnh An, chúng tôi cảm nhận được những đóng góp thầm lặng của các anh cùng các bạn sinh viên dành cho bà con nơi đây. Từ 10 bộ máy tính do Trường Đại học Công nghệ thông tin trao tặng từ những ngày đầu, Đồn biên phòng Thạnh An tiếp tục vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm tặng thêm 5 bộ máy tính và hỗ trợ kinh phí xăng dầu chạy máy phát điện phục vụ lớp học.
“Chúng tôi đã phối hợp với Đoàn trường Đại học Công nghệ thông tin mở được 3 lớp học vi tính vào mỗi dịp hè. Vui và mừng nhất là lớp học luôn được bà con và chính quyền địa phương ủng hộ, tham gia từ những ngày đầu. Mong rằng ấp Thiềng Liềng sớm có điện lưới, để bà con và các cháu học sinh có thêm điều kiện học tập”, trung tá Trịnh Văn Hoán nói.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, anh Lê Đức Thịnh, Bí thư Đoàn trường Đại học Công nghệ thông tin cho biết, để kịp giờ cùng các anh bộ đội biên phòng “đứng lớp”, các bạn sinh viên tình nguyện phải rời thành phố từ chiều thứ 6, vì quãng đường từ thành phố tới ấp đảo Thiềng Liềng mất nhiều thời gian di chuyển bằng đường bộ, cộng thêm một chuyến phà và hai chuyến đò.
“Các anh bộ đội biên phòng vừa lo bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh cuộc sống cho bà con mà còn nhiệt tình tham gia học hỏi và truyền đạt kiến thức cho người dân nên chúng tôi thấy mình có thêm động lực và trách nhiệm đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng. Qua hoạt động này, các bạn sinh viên sẽ trưởng thành hơn và hiểu rõ hơn về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, giúp dân phát triển kinh tế, tri thức của lực lượng biên phòng”, anh Thịnh nói.
Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TPHCM, tuyến biên phòng biển Cần Giờ gồm 3 xã, 1 thị trấn với 8.512 hộ/33.429 nhân khẩu. Người dân sinh sống bằng một số ngành nghề chủ yếu như nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, làm muối và làm nông nghiệp. Đời sống người dân ở đây còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp so với mặt bằng chung của thành phố.