Trần Anh Khoa vừa đạt 9.0 IELTS. (Ảnh: NVCC) |
Trần Anh Khoa, giáo viên tại một trung tâm tiếng Anh ở TPHCM, vừa đạt 9.0 IELTS vào cuối tháng 12 vừa qua, trong đó kỹ năng Nghe và Đọc đạt 9.0, Nói và Viết đạt 8.5. Khoa cho biết bản thân tiếp xúc với học tiếng Anh từ sớm khi may mắn thi đậu vào lớp tăng cường tiếng Anh của trường.
“Quá trình đạt 9.0 theo em là có sự khó khăn dù em có nền chuyên Anh. Trong đó khó khăn chủ yếu nằm ở kĩ năng Writing & Speaking khi tiêu chí để điểm cao của 2 kĩ năng này đều khá gắt gao”- Khoa chia sẻ.
Kinh nghiệm đạt điểm cao của Khoa là việc kết hợp giữa sự kiên trì và luyện tập đúng phương pháp. Em nghĩ nếu chỉ 1 trong 2 thì sẽ khó đạt được điểm cao này.
Em may mắn được tiếp xúc với tiếng Anh từ sớm và có thể là có khiếu nên đậu vào lớp tăng cường tiếng Anh, lớp chuyên Anh, được tuyển thẳng vào ngành ngôn ngữ Anh nhờ giải Quốc gia.
Tuy nhiên, theo Khoa không phải ai cũng cần có năng khiếu hay học từ sớm mới có thể giỏi tiếng Anh. Nếu có phương pháp đủ thông minh, thì dù xuất phát điểm của mình sau người khác, mình vẫn có thể giỏi tiếng Anh nhanh được.
Lên cấp 3, Khoa theo học lớp chuyên Anh của Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM) và từng đạt giải Ba học sinh giỏi quốc gia. Chính cũng nhờ vào thành tích này, anh được tuyển thẳng vào ngành Ngôn ngữ Anh của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM).
“Phương pháp em muốn chia sẻ ở đây là phương pháp Linearthinking, bao gồm những tư duy khác nhau giúp ích cho những kĩ năng khác nhau”, Khoa nói.
Trước khi thi IELTS, Khoa từng thi các bài thi chuẩn quốc tế khác như Flyers, TOEIC Bridge, TOEFL iBT và đều đạt kết quả tốt. Đến khi đi gia sư thời đại học, Khoa quyết định thi IELTS để tự đánh giá quá trình học tiếng Anh của bản thân và biết mình đang ở trình độ nào.
Tính đến hiện tại, Khoa đã thi IELTS 4 lần, trong đó lần thi gần đây nhất đạt 9.0.
Khoa chia sẻ, đối với kĩ năng Reading, thay vì đọc từng chữ một trong bài, sẽ khiến việc đọc trở nên khó và tốn thời gian, ta có thể áp dụng tư duy Simplification trong phương pháp Linearthinking, giúp đơn giản hoá các câu dài và khó, biến chúng thành những câu dễ hiểu hơn.
“Em nghĩ phương pháp này càng giúp ích cho những bạn không có nền từ vựng tốt, vì khi đơn giản hoá được câu, các bạn có thể hiểu được ý chính của câu dù không biết hết từ vựng”, Khoa nói.
Đối với kĩ năng Writing & Speaking, Khoa cho rằng tư duy Specify (tư duy cụ thể hoá vấn đề) là 1 vũ khí tốt để đối mặt với nỗi sợ là về suy nghĩ và triển khai ý tưởng. Thay vì suy nghĩ về vấn đề 1 cách chung chung, ta nên làm vấn đề trở nên cụ thể hơn, từ đó sẽ có nhiều ý tưởng để nói hơn.
Khoa cũng đưa ra ví dụ, trong kì thi gần đây giám khảo có hỏi “Theo bạn khoa học có giúp giải quyết được các vấn đề của thế giới không”. Thì thay vì khẳng định chắc nịch là có hoặc không, cách trả lời tinh tế hơn sẽ là: tuỳ vào vấn đề cụ thể, những vấn đề về sức khoẻ hay dinh dưỡng thì khoa học có thể giúp giải quyết, còn những vấn đề như chiến tranh thì khoa học có thể sẽ không đủ để giải quyết, thậm chí còn làm vấn đề tồi tệ thêm khi khoa học bị lạm dụng để chế tạo vũ khí hạt nhân tăng sức tàn phá,…
Đổi với kĩ năng Listening, Khoa nói, ngoài yếu tố chiến lược như tranh thủ thời gian để đọc trước câu hỏi và các lựa chọn trước khi nghe, thì kĩ năng này đòi hỏi sự kiên trì luyện tập để có thể nghe nhạy hơn. Quá trình này nếu không kiên trì sẽ không thấy kết quả.
“Vì vậy từ cấp 3 em đã tạo cho bản thân thói quen nghe nhiều hơn thông qua những nguồn như podcast hay video trên Youtube. Hồi đại học, em đi xe buýt khoảng 4 tiếng hằng ngày để đi và về, trên xe em mở nghe những podcast mà đã tải về trước đó (vì lúc đó em chưa dùng 3G hay 4G nên phải tải trước)”- Khoa chia sẻ.
Sau này em thấy podcast càng phổ biến, nghĩa là các bạn càng có nhiều lựa chọn cho bản thân mình, nên chọn podcast mà cá nhân mình thích thì sẽ muốn nghe nhiều hơn.
Dù được “đắm chìm” với tiếng Anh từ nhỏ, nhưng Khoa cho rằng, thí sinh không nên kỳ vọng việc chuẩn bị cho kỳ thi IELTS sẽ nhanh và dễ dàng như thi lấy bằng lái.
“Cần phải luyện tập đủ nhiều, đúng phương pháp mới thấy sự tiến bộ rõ rệt. Mặt khác, hãy cố gắng nghiên cứu để tìm được phương pháp học tốt như phương pháp Linearthinking em đã giới thiệu, chọn nguồn học tiếng Anh tốt, và phải kiên trì với nó để có thể thấy kết quả”, Khoa nói.
Hiện, Khoa đang làm giáo viên IELTS cũng như quản lí học thuật cùng những đồng nghiệp xây dựng chương trình giảng dạy. Dự định sắp tới của thầy giáo Khoa là tiếp tục cố gắng trong công tác giảng dạy, thiết kế chương trình để các học viên khác cũng có thể đạt được điểm IELTS mong muốn.