Theo đó, VCB sẽ hỗ trợ nguồn vốn cho VNCB trên cơ sở phù hợp với quy định của pháp luật và quy định nội bộ của mỗi bên nhằm chi trả kịp thời tiền gửi hợp pháp của người gửi tiền.
Hai bên thống nhất hỗ trợ lẫn nhau trong việc thực hiện các giao dịch về vốn và kinh doanh tiền tệ khi có nhu cầu và trên cơ sở các điều khoản thoả thuận trong các hợp đồng giao dịch cụ thể.
Về hợp tác phát triển dịch vụ ngân hàng và cơ sở khách hàng, hai bên thống nhất trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm về nghiên cứu, phát triển sản phẩm, dịch vụ mới và xây dựng cơ sở khách hàng bền vững trên cơ sở quy định của pháp luật và chính sách, quy định nội bộ của mỗi bên.
Về hợp tác trong quản trị, điều hành, VCB sẵn sàng cử cán bộ có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn tốt để hỗ trợ và chia sẻ với VNCB các kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả quản trị, điều hành, quản trị rủi ro, kiểm toán, kiểm soát nội bộ, phát triển hệ thống công nghệ thông tin của VNCB.
Bên cạnh đó, Vietcombank sẽ cử người sang hỗ trợ VNCB những việc thanh toán và các nghiệp vụ tài chính để ổn định hoạt động. Tiếp sau đó sẽ có lộ trình tái cơ cấu theo Đề án NHNN phê duyệt ở VNCB. Trước đó, Vietcombank đã cử 1 phó giám đốc chi nhánh TP. Hồ Chí Minh và 3 cán bộ ngân hàng này sang VNCB để hỗ trợ các hoạt động nghiệp vụ.
Đánh giá về sự kiện này, ông Nguyễn Phước Thanh, Phó thống đốc Ngân hàng nhà nước cho biết, lần hỗ trợ khá toàn diện và chặt chẽ này sẽ giúp VNCB phát triển. Giúp VNCB xử lý được khó khăn hiện tại khi vừa qua VNCB liên quan một số cá nhân khởi tố vụ án, tạo ra một số cú sốc cho ngân hàng.
“Mấy ngày nay thanh khoản của VNCB đã trở lại bình thường, NHNN chưa cần hỗ trợ gì, tự VNCB chống đỡ được. Tiềm lực và khả năng của VNCB được củng cố, chấn chỉnh”, ông Thanh cho biết.
Sự kiện ba nhân sự cao cấp của Tập đoàn Thiên Thanh có tham gia VNCB bị tạm giữ đầu tuần này đã gây ra những hiệu ứng tiêu cực lên người gửi tiền tại ngân hàng này. Trong ngày đầu tiên cơ quan cảnh sát điều tra đưa thông tin này ra, lượng tiền lớn từ VNBC đã được rút, ngày kế tiếp lượng rút tiền đã giảm xuống 50% so với ngày trước đó.
Hiện, theo tìm hiểu khách hàng có tiền gửi tại VNCB đã bình tâm trở lại sau động thái trấn an của lãnh đạo NHNN vào tối 31/7 khi đăng đàn thông tin một ngân hàng hàng đầu Việt Nam sẽ ký kết hỗ trợ VNCB vào chiều 1/8.
Trước đó, tại buổi họp báo Chính phủ, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc NHNN có biết hay không những yếu kém tồn tại của Ngân hàng Xây dựng, phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến cho hay dấu hiệu vi phạm pháp luật đã được cơ quan thanh tra NHNN phát hiện và xây dựng biện pháp xử lý. NHNN đã và đang giám sát để đảm bảo hoạt động của VNCB không bị ảnh hưởng bất lợi bởi sự kiện này.
“Vừa qua cơ quan pháp luật vào cuộc, chúng tôi đã chỉ đạo NHNN địa phương phối hợp chính quyền để thông tin đến người gửi tiền để họ yên tâm, dự phòng các giải pháp hỗ trợ trong đó có hỗ trợ thanh khoản” – ông Tiến nói.
Thoả thuận hợp tác toàn diện giữa VCB và VNCB là cơ hội quan trọng góp phần giúp VNCB thực hiện cơ cấu lại thành công và phát triển an toàn, bền vững, đồng thời cũng tạo điều kiện cho VCB có thêm cơ hội hợp tác kinh doanh với một đối tác trong nước.
Việc một ngân hàng lớn như Vietcombank lập tức tham gia vào quá trình tái cơ cấu lại Ngân hàng Xây dựng ngay trong cơn khủng hoảng đã kịp thời tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp có tiền gửi tại ngân hàng này, tránh hiệu ứng dây chuyền ồ ạt rút tiền.
Điều đáng lo sợ nhất và là "đám cháy" âm ỷ nhưng lại nguy hiểm nhất chính là tâm lý đám đông. Sự mất niềm tin và tâm lý đám đông là mối đe dọa đối với sự ổn định, an toàn của hệ thống ngân hàng trong bối cảnh hiện nay.
Sự việc này khiến người ta nhớ lại câu chuyện từng xảy ra trước đây với ngân hàng ACB vào năm 2003, chỉ khi thống đốc thời đó-ông Lê Đức Thúy đứng ra "bảo lãnh" cho ACB trước tin đồn NH này mất khả năng thanh khoản, mới có thể làm yên lòng người gửi tiền.
Bài học ấy vẫn còn nguyên giá trị! Và vì thế với lần ứng xử này, đây được xem là cách làm xử lý khôn ngoan của cơ quan quản lý- Ngân hàng Nhà nước.
Ngay sau khi nguyên Chủ tịch, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) từ nhiệm ngày 28/7, Ngân hàng Nhà nước đã phê chuẩn lãnh đạo mới của ngân hàng này.
Theo đó, bà Vũ Bạch Yến - thành viên Hội đồng quản trị của Ngân hàng Xây dựng từ tháng 2/2012 - được bổ nhiệm làm chủ tịch HĐQT. Tổng giám đốc mới thay thế cho ông Phan Thành Mai (cũng bị khởi tố và tạm giam) là ông Đàm Minh Đức, trước đó ông Đức là Phó tổng giám đốc.
Đánh giá về sự hỗ trợ của Vietcombank, theo ông Đức đây là điểm tựa lớn trong quá trình tái cơ cấu lại VNCB. “Hiện Ngân hàng nhà nước đang chỉ đạo VNCB hoàn chỉnh lại phương án tái cơ cấu.
Trong tháng 8 này VNCB sẽ trình phương án tái cơ cấu điều chỉnh theo hướng tiếp tục tập trung vào lĩnh vực xây dựng”, ông Đức cho biết.