Nhiều dự án công nghệ cao
Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 6 tháng đầu năm nay, vốn FDI thực hiện tại nước ta ước đạt 10,84 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 6 tháng đầu năm trong 5 năm qua.
Tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 15,2 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2023.
“Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục coi Việt Nam là điểm đến đầu tư quan trọng trong trung và dài hạn, trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang diễn ra quá trình tái cấu trúc. Chất lượng các dự án đầu tư có sự cải thiện đáng kể. Nhiều dự án lớn ở các lĩnh vực bán dẫn, năng lượng (sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic), sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm nhiều giá trị gia tăng được đầu tư mới và mở rộng vốn”, thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Vốn FDI tập trung nhiều vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế về cơ sở hạ tầng, nhân lực ổn định, thủ tục hành chính, xúc tiến đầu tư năng động. Đối tác truyền thống của Việt Nam chủ yếu thuộc châu Á như Singapore, Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc), Hàn Quốc, Trung Quốc…
Bắc Ninh dẫn đầu về thu hút FDI. |
Bắc Ninh vượt lên dẫn đầu do có dự án điều chỉnh vốn lớn 1,07 tỷ USD, nâng tổng vốn đầu tư đăng ký lên gần 2,58 tỷ USD, chiếm 17% tổng vốn đầu tư cả nước. Đây là dự án nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn của nhà đầu tư Singapore.
Bà Rịa - Vũng Tàu ở vị trí thứ hai với gần 1,54 tỷ USD. Quảng Ninh đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1,36 tỷ USD. Hà Nội, Hải Phòng, TPHCM lần lượt ở vị trí tiếp theo.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm nhận định, số vốn FDI giải ngân tăng cao nhất so với cùng kỳ năm trước trong 5 năm gần đây phản ánh nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đúng cam kết tại thị trường Việt Nam và năng lực hấp thu, giải ngân vốn đầu tư của nền kinh tế.
Điểm đáng chú ý, số dự án mới và số vốn mới đăng ký rất cao. “Đây là tín hiệu tốt, chúng ta kỳ vọng lượng vốn đăng ký mới này sẽ sớm được giải ngân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm nay và các năm tiếp theo”, ông Lâm nói.
Chuẩn bị nhân lực, khắc phục thiếu điện
Cơ hội đón vốn FDI từ các "đại bàng" công nghệ cao được mở rộng sau chuyến làm việc tại Việt của CEO Apple Tim Cook, Phó Chủ tịch hãng công nghệ Nvidia của Mỹ. Apple muốn đẩy mạnh hoạt động đầu tư tại Việt Nam, Nvidia đã thảo luận hợp tác về hệ sinh thái bán dẫn và AI.
Trong khuôn khổ chương trình thăm chính thức Hàn Quốc vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp một số lãnh đạo của các tập đoàn lớn của Hàn Quốc như Hyundai Motor, Lotte, Doosan Enerbility, Hyosung... Các doanh nghiệp cam kết tiếp tục đầu tư vào Việt Nam. Samsung dự kiến đầu tư thêm 1 tỷ USD mỗi năm tại Việt Nam, hay Alibaba dự định xây trung tâm dữ liệu tại Việt Nam.
Việt Nam cần khẩn trương chuẩn bị nguồn nhân lực có tay nghề, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử bán dẫn. |
Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, xu hướng dịch chuyển FDI thời gian tới sẽ chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Trong đó có các tiêu chuẩn mới và thậm chí là biện pháp can thiệp của một số chính phủ để định hướng hoạt động đầu tư. Dòng vốn FDI được dự báo tăng chậm và ngày càng tập trung vào các quốc gia có liên kết địa chính trị, đặc biệt trong lĩnh vực chiến lược.
Dù vậy, đánh giá hiện tại của nhiều tổ chức tài chính trong và ngoài nước cho thấy, triển vọng thu hút vốn FDI năm nay của Việt Nam sẽ giữ nhịp độ tích cực. Việt Nam có vai trò quan trọng và ngày càng được củng cố trong chiến lược đa dạng hoá chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất đa quốc gia. Tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực hơn, vĩ mô ổn định.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam cần tích cực khắc phục một số điểm nghẽn hiện nay. Trước hết là khẩn trương chuẩn bị nguồn nhân lực có tay nghề, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử bán dẫn. Tình trạng thiếu điện cục bộ tại một số địa phương tập trung nhiều dự án công nghiệp điện tử cũng cần khắc phục.
"Rà soát các thủ tục để đơn giản hóa hơn và rút ngắn thời gian xử lý, nhất là các thủ tục sau cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư như giấy phép xây dựng, giấy phép phòng cháy, chữa cháy…", bộ này đề nghị.