Thực hiện Đề án thu hút nhà đầu tư chiến lược đến năm 2030, từ đầu năm đến nay, Vĩnh phúc tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng và cơ hội đầu tư của tỉnh...
Kết quả thu hút vốn đầu tư đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 6 tháng đầu năm của Vĩnh Phúc ước đạt hơn 430 triệu USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2023, vượt gần 9% kế hoạch năm (mục tiêu năm 2024 thu hút 400 triệu USD); trong đó có gần 210 triệu USD vốn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học.
Trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh này ghi nhận gần 750 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp dân doanh trên địa bàn lên hơn 15.000 doanh nghiệp, trong đó, khoảng 70% doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh.
Công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Bình Xuyên II, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh minh họa. |
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 19 khu công nghiệp được Thủ tướng phê duyệt, trong đó 16 khu công nghiệp đã có quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng diện tích đất quy hoạch gần 3.160 ha; 8 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động.
Một số khu công nghiệp đã lấp đầy 100% như Kim Hoa, Bá Thiện II, Bình Xuyên II giai đoạn 1, Bá Thiện phân khu II.
Một số khu công nghiệp có tỷ lệ lấp đầy cao như khu công nghiệp Khai Quang đạt 98%, khu công nghiệp Bình Xuyên đạt 97%, khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc đạt 86%…
Theo quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2030, địa phương sẽ đầu tư thêm 5 khu công nghiệp mới, nâng tổng số khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh lên 24 khu với tổng quỹ đất là 7.000 ha, đến năm 2050 là 10.000 ha.
Các dự án khu công nghiệp mới sẽ được bố trí tập trung gần các đô thị lớn, có vị trí tiếp giáp với thủ đô Hà Nội, gần các trục giao thông huyết mạch như cao tốc Hà Nội - Lào Cai, đường vành đai 4, vành đai 5...