Thay đổi tư duy về phát triển du lịch
Phát biểu tại hội thảo "Du lịch Hải Phòng-Cơ hội vàng bứt phá" do báo Tiền Phong và Sở Du lịch thành phố Hải Phòng tổ chức tại khu nghỉ dưỡng Flamingo, thị trấn Cát Bà (huyện Cát Hải), TS. Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, để du lịch Hải Phòng có thể bứt phá, phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có, đầu tiên cần có sự đổi mới mạnh mẽ hơn nữa về tư duy và quyết tâm của cả hệ thống chính trị để đưa ra những quyết sách quan trọng, táo bạo để tạo được môi trường đầu tư du lịch đặc biệt hấp dẫn, huy động hiệu quả nguồn lực cho đầu tư phát triển du lịch.
Ông Nguyễn Anh Tuấn nhắc tới việc xây dựng cơ chế ưu đãi đặc thù, phù hợp với quy định của pháp luật và điều kiện thực tế của Hải Phòng để thu hút mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển du lịch, đặc biệt thu hút đầu tư cho các dự án du lịch có quy mô lớn, đẳng cấp, chất lượng cao để tạo nền tảng xây dựng và khẳng định thương hiệu du lịch Hải Phòng. Tập trung nguồn lực đầu tư, trong đó ưu tiên ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch; xúc tiến quảng bá, bảo vệ tài nguyên và môi trường.
TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho rằng, để du lịch Hải Phòng có thể bứt phá, phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có cần có sự đổi mới mạnh mẽ hơn nữa về tư duy và quyết tâm của cả hệ thống chính trị |
Lãnh đạo thành phố cần chỉ đạo ngành du lịch thành phố đẩy mạnh liên kết với ngành du lịch các tỉnh, thành phố trong vùng, trong cả nước và quốc tế để phát triển du lịch. Chỉ đạo xây dựng Chiến lược (đề án) phát triển du lịch Thành phố đến năm 2030 với danh mục các khu, điểm du lịch trọng điểm và các dự án đầu tư ưu tiên.
Thứ hai là hoàn thiện cơ chế hỗ trợ phát triển du lịch thực chất, hiệu quả. Theo đó, ban hành các cơ chế hỗ trợ phát triển du lịch Hải Phòng, trong đó tập trung vào các nhóm ưu tiên. Tạo môi trường đầu tư ổn định, thông thoáng, bình đẳng và đảm bảo lợi ích cho các nhà đầu tư, đặc biệt là đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất và phát triển sản phẩm.
Ưu tiên, bố trí nguồn vốn đầu tư cho phát triển hạ tầng du lịch tại các địa bàn có tiềm năng; đầu tư hạ tầng giao thông kết nối các khu, điểm du lịch; đầu tư cảng thủy nội địa chuyên phục vụ khách du lịch. Ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng tại các khu du lịch trọng điểm; đầu tư bảo vệ, tôn tạo tài nguyên, môi trường; đầu tư cho công tác xúc tiến quảng bá và phát triển nguồn nhân lực du lịch. Đẩy mạnh đầu tư bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phục vụ phát triển du lịch.
Chú trọng phát triển hệ thống cơ sở lưu trú, đặc biệt là hệ thống khu nghỉ dưỡng 4-5 sao tại Cát Bà và Đồ Sơn. Đẩy mạnh triển khai hệ thống thông tin trong quản lý và phát triển du lịch bao gồm: phát triển hệ thống thông tin, dữ liệu về tài nguyên du lịch, dịch vụ lưu trú, lữ hành; các ứng dụng tiện ích…
Phát triển sản phẩm du lịch khác biệt, đẳng cấp
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho rằng, để đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch khác biệt, đẳng cấp, Hải Phòng cần tập trung phát triển đa dạng sản phẩm du lịch, trong đó chú trọng phát triển sản phẩm khác biệt, đẳng cấp, có khả năng cạnh tranh cao; đẩy mạnh các sản phẩm du lịch chủ đạo, có khả năng thu hút khách du lịch đến Hải Phòng bao gồm: Du lịch sinh thái, thể thao, giải trí, nghỉ dưỡng biển cao cấp tại quần đảo Cát Bà; du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, thể thao (golf), dịch vụ casino tại bán đảo Đồ Sơn;
Đẩy mạnh loại hình du lịch MICE, mua sắm tại khu vực trung tâm thành phố Hải Phòng; du lịch văn hóa-lịch sử, du lịch cộng đồng và du lịch nông nghiệp tại khu vực ngoại thành… Bởi đây là những sản phẩm cần ưu tiên phát triển và đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm để tạo thành các sản phẩm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp, có khả năng dẫn dắt, phát triển các sản phẩm du lịch khác.
TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho rằng, để đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch khác biệt, đẳng cấp, Hải Phòng cần tập trung phát triển đa dạng sản phẩm du lịch, trong đó chú trọng phát triển sản phẩm khác biệt, đẳng cấp, có khả năng cạnh tranh cao. (Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng) |
Xây dựng và khẳng định thương hiệu du lịch Hải Phòng trên cơ sở phát triển các sản phẩm ưu tiên nêu trên với một số định hướng cụ thể sau: Phát triển khu du lịch Cát Bà, Đồ Sơn thành trung tâm du lịch biển đảo chất lượng cao, cơ sở vật chất hiện đại, sản phẩm du lịch khác biệt… Đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch thể thao (golf, đua xe đạp, chạy marathon…).
Mở rộng phát triển du lịch cộng đồng, nông nghiệp, nông thôn tại các huyện Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, An Dương, Kiến Thụy, du lịch cộng đồng tại huyện Cát Hải.
Phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao
Để du lịch có thể vươn cánh, Hải Phòng cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, có cơ chế đãi ngộ phù hợp trong việc thu hút nhân lực du lịch có chất lượng chuyên môn và nghiệp vụ cao làm việc tại Hải Phòng.
Song song đó là nâng cao hiệu quả công tác tổ chức quản lý nhà nước về du lịch. Hoàn thiện hệ thống tổ chức, quản lý ngành du lịch ở địa phương nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp, các ngành, hệ thống chính trị, các đơn vị kinh doanh du lịch về vị trí, vai trò du lịch đối với phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Nâng cao hiệu quả sự hợp tác, phối hợp giữa các cấp, các ngành, doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển du lịch. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra các hoạt động kinh doanh du lịch, đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng.
Cuối cùng, mặc dù đẩy mạnh phát triển nhưng ngành du lịch Hải Phòng vẫn phải luôn đảm bảo việc bảo vệ tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.