“Thay” đội ngũ công chức: Chỉ cần 1 tỷ USD!

Làm thủ tục hành chính một cửa ở quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh
Làm thủ tục hành chính một cửa ở quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Chỉ cần bỏ ra 1 tỷ USD là có thể biến hệ thống công chức làm quá nhiều việc ban phát, xin cho thành đội ngũ có tư duy để hoạch định chính sách, chủ nhiệm đề tài 'Tầm nhìn chiến lược thể chế chính phủ và lộ trình thực hiện', nhận định.

> Muốn thành công phải có ý tưởng lạ
> Lương công chức, viên chức: Chỉ đủ sống nửa tháng

Làm thủ tục hành chính một cửa ở quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh
Làm thủ tục hành chính một cửa ở quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Ảnh: Hồng Vĩnh.
 

Nhóm chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng nguyên nhân cơ bản khiến bộ máy hành chính cồng kềnh, kém hiệu quả là do ôm việc. “Cái gì cũng sợ bỏ sót, sợ không lo được cho dân, nhưng thực tế không lo được gì nhiều”, ông Lê Viết Thái, Trưởng ban Thể chế Kinh tế (CIEM), chủ nhiệm đề tài, nói.

Ông Thái cho biết, đây là đề tài do nhóm tự nghiên cứu, sau đó được Thủ tướng giao nghiên
cứu sâu hơn.

Ôm hàng vạn chức năng, nhiệm vụ

Qua nghiên cứu ban đầu về bộ máy Chính phủ, nhóm phát hiện được những gì?

Chúng tôi tìm hiểu thực tế ở các bộ. Mỗi bộ đều có nghị định về chức năng, nhiệm vụ, và cơ cấu tổ chức. Chỉ riêng điều về chức năng, nhiệm vụ của 19 bộ (nhóm không nghiên cứu ba Bộ Công an, Quốc phòng và Ngoại giao) đã lên tới hàng trăm trang giấy. Như với Bộ NN&PTNT, riêng chức năng nhiệm vụ của tất cả các vụ, cục, trung tâm trực thuộc, viện nghiên cứu... khi in ra đã hơn 100
trang giấy.

Việc sáp nhập các bộ vừa qua gần như không đạt được mục tiêu, khi nó chỉ mang tính chất lắp ghép cơ học, chỉ giảm được ghế vài ông bộ trưởng, nhưng lại phình ghế các tổng cục trưởng. Chưa kể, chức năng, nhiệm vụ cũng gần như không có sự thay đổi, vì nó cũng được lắp ghép rất cơ học.

Ngoài ra, còn khá nhiều chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ chồng chéo, giẫm chân nhau. Chưa kể, trong các chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan này, còn khá nhiều chức năng, nhiệm vụ chỉ phù hợp với thời bao cấp, nhưng nay vẫn ôm, gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp...

Ông có thể nói một vài ví dụ cụ thể?

Ngoài việc trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, như việc quản lý vốn đầu tư, vốn ODA..., thì ở rất nhiều bộ, vẫn còn duy trì một số nhiệm vụ không cần thiết đối với công việc quản lý nhà nước trong nền kinh tế thị trường, như hiện tượng về các loại giấy phép kinh doanh cũng như các dạng giấy phép con là minh chứng điển hình về những nhịêm vụ không cần thiết.

Hiện có hàng chục ngành, sản phẩm mang tính thương mại nhưng lại được phê duyệt quy hoạch phát triển theo tư duy kế hoạch hóa tập trung. Đối với chiến lược hoặc quy hoạch phát triển ngành hoặc sản phẩm, Nhà nước chỉ nên quan tâm những ngành, sản phẩm mang tính mạng (ví dụ hệ thống giao thông, hệ thống truyền tải điện, hệ thống cảng,…) hoặc những ngành có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế (ngành dầu khí) thôi.

Theo ông, vì sao vẫn còn những tồn tại trên, dù Chính phủ đã nỗ lực cải cách hành chính?

Lâu nay, chúng ta mới chỉ cải cách phần thủ tục hành chính, phần hình thức chứ không đi vào cải cách nội dung. Ví dụ thủ tục đăng ký kinh doanh trước đây mất cả tháng, thì nay còn vài ngày. Tại sao chúng ta không bỏ luôn thủ tục xin giấy phép đăng ký kinh doanh? Đó mới là cải cách nội dung.

Chừng nào mà phạm vi nhiệm vụ và chức năng của bộ máy hành chính chưa được điều chỉnh theo hướng cắt giảm những nhiệm vụ không cần thiết, không phù hợp thì chừng đó không thể có tiền đề để thực hiện cải cách hành chính một cách cơ bản và hiệu quả. Điều này đã dẫn đến hiện tượng ôm đồm trong hệ thống hành chính. Đây cũng chính là nguyên nhân quan trọng và cơ bản nhất cho sự tồn tại một Nhà nước cồng kềnh, hiệu lực yếu, hiệu quả thấp.

Chế độ làm việc tập thể kéo dài từ hệ thống cũ, khiến cho bộ máy, các qui trình ra quyết định và việc điều hành, thực thi các quyết định của nhà nước rất khó cải thiện được tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. Quyền lực, trách nhiệm, lợi ích được chia rải ra giữa nhiều cơ quan, nhiều cấp, nhiều cá nhân trong hệ thống, nên hay trùng lắp, chồng chéo, dẫn đến có thể ai cũng có quyền, có lợi, nhưng không ai chịu trách nhiệm rõ ràng trước người dân về công việc của chính quyền.

Chế độ này cũng không khuyến khích những bộ máy tinh thông, những con người tài giỏi, mà lại còn dung dưỡng cho những bộ máy và con người kém cỏi ở các vị trí khác nhau trong bộ máy, khiến cho bộ máy nhà nước nhìn chung vẫn kém hiệu quả và hiệu lực sau nhiều lần cải cách.

Ông Lê Viết Thái
Ông Lê Viết Thái.
 

Phải thay máu

Nhưng với quan điểm cải cách nội dung như ông nói, nhà nước sợ mất công cụ để quản lý?

Ở đây cần xác định việc đó nhà nước có cần gánh hay không. Như vậy sẽ gạt đi được khá nhiều. Còn nếu xác định nhiệm vụ này nếu nhà nước phải gánh thì có bắt buộc phải có một bộ máy để làm chuyện này hay không. Cách tiếp cận của tôi là như vậy.

Nhà nước có cần làm không. Không cần làm thì dứt khoát bỏ. Nếu nhà nước phải làm thì có đủ nguồn lực làm không. Nếu chưa đủ nguồn lực, phải tạm gác lại. Còn nếu có đủ nguồn lực mà việc đó phải làm thì cần đặt ra câu hỏi nhà nước có nhất thiết phải có một tổ chức đứng ra làm chuyện đó hay không. Nếu không cần thì để các tổ chức dân sự, doanh nghiệp họ làm. Việc gì phải sinh ra cả bộ máy
công chức.

Nếu xác định được rõ ràng như vậy thì bộ máy nhà nước mới gọn nhẹ được. Nhà nước chỉ giữ lại những bộ phận cốt lõi nhất, chủ yếu là những người hoạch định chính sách. Khi đó anh mới xử lý được vấn đề tiền lương cho công chức.

Làm sao để có thể cải cách được như vậy, theo ông?

Để làm được, đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị rất cao và phải cần một thời gian để thay máu cơ bản đội ngũ công chức hiện nay. Một hệ thống công chức đang chăm chú làm quá nhiều việc cấp phép, ban phát, xin cho, giờ chuyển sang hệ thống công chức có tư duy để hoạch định chính sách là việc không đơn giản.

Có lần tôi nói đùa, nếu quyết tâm thay máu đội ngũ công chức như vậy thì có thể cải cách được với giá rẻ. Chỉ cần bỏ ra khoảng 1 tỷ USD thôi. Một anh công chức 50 tuổi, tôi trả lương đến 60 tuổi luôn, rồi mời anh ở nhà hưởng lương. Tôi sẽ tuyển đội mới vào. Nhưng để làm thật không dễ, bởi đây là vấn đề lợi ích. Nên có mấy bộ, mỗi lần cải cách tự mình xin rút, thu gọn đơn vị đầu mối đâu, mà chỉ muốn phình ra.

Cơ hội khi sửa Hiến pháp

Nhóm có những đề xuất gì trong báo cáo gửi Chính phủ?

Báo cáo này của chúng tôi như một bức ảnh chụp theo công nghệ 3D để nhìn được nhiều góc cạnh. Từ bức ảnh này, chúng tôi báo cáo lên Chính phủ có những vấn đề như thế. Những vấn đề này chúng tôi không nói vu vơ mà có chứng cứ. Nếu Chính phủ chấp thuận gạt những chỗ tòi lên, tụt xuống này thì cần phải có những bước tiếp theo sau.

Vậy những bước tiếp sau sẽ là gì?

Đây là dịp rất thuận lợi để chúng tôi nghiên cứu sâu hơn, đi vào những vấn đề liên quan thể chế, bộ máy Chính phủ, mối quan hệ giữa cơ quan hành pháp với sự lãnh đạo của Đảng và với Quốc hội. Từ đó đề xuất những giải pháp để hoạt động của bộ máy nhà nước hiệu quả hơn.

Đặc biệt, đây là cơ hội thuận lợi, khi mà Quốc hội đang nghiên cứu để sửa đổi Hiến pháp. Hiến pháp hiện hành có rất nhiều quy định đã được áp dụng hơn 20 năm rồi, nay đã lỗi thời cần sửa. Nếu không sửa Hiến pháp, mà chỉ sửa luật thì những vấn đề chúng tôi đề xuất sẽ trở thành vi hiến.

Ví dụ, Hiến pháp khẳng định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong khi luật bảo kinh tế nhà nước như kinh tế tư nhân, thế là vi hiến. Trong Hiến pháp cũng có rất nhiều quy định nhà nước phải làm thế này, phải làm thế kia. Rõ ràng, sau 20 năm đến giai đoạn phát triển này, nhà nước không cần phải làm những điều đó nữa. Nếu không sửa Hiến pháp sẽ không có cơ hội sửa những luật này và không có cơ hội cải cách toàn bộ bộ máy Chính phủ.

Cảm ơn ông.

Tăng 18 tổng cục

Trong 10 năm thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010, tổng số đầu mối của Chính phủ giảm từ 48 xuống còn 30, trong đó có 22 cơ quan bộ và ngang bộ (trước tháng 7-2007 là 26 bộ và cơ quan ngang bộ). Trong quá trình sắp xếp, số vụ và đơn vị tương đương giảm 28, nhưng lượng tổng cục và tương đương tăng 18 đơn vị, nhóm các cục và tương đương tăng 22 đơn vị.

Báo chí đóng góp 50% thành công trong cải cách thủ tục hành chính

Ngày 29-9, tại Hà Nội, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (KSTTHC) thuộc Văn phòng Chính phủ tổ chức buổi tọa đàm Báo chí và công tác cải cách thủ tục hành chính.

Theo Cục trưởng Ngô Hải Phan, tới quý III-2011, tổng số thủ tục hành chính được đơn giản hóa là 3.248, chiếm 68% khối lượng thủ tục hành chính cần cải cách năm 2011. Đánh giá vai trò của báo chí, Cục trưởng Ngô Hải Phan cho rằng, báo chí đã đóng góp 50% thành công trong công cuộc cải cách hành chính.

Tại buổi tọa đàm, Cục KSTTHC mong muốn các cơ quan báo chí phối hợp chuyển những thắc mắc của bạn đọc về vướng vắc trong việc tiếp cận thủ tục hành chính hoặc Cục sẽ tiếp nhận trực tiếp thông tin của người dân về vấn đề này qua cổng thông tin www.thutuchanhchinh.vn.

   

Bá Kiên - Phạm Tuyên (thực hiện)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Vang mãi khúc quân hành
Vang mãi khúc quân hành
TPO - Ngày 14/12, Học viện Kỹ thuật Quân sự tổ chức Ngày hội văn hóa và chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc quân hành” thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.