Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để cho ý kiến vào Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) “nóng” lên ngay từ đầu khi các đại biểu mổ xẻ về những vụ việc tiêu cực xảy ra trong thời gian qua. Theo Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua để lại nhiều dư âm mà các cơ quan chức năng phải giải quyết, xử lý, kể cả về pháp luật.
Nhiều “dư âm” tiêu cực
“Qua tiếp xúc cử tri, có ý kiến đặt vấn đề có nên tiếp tục tổ chức thi không, hay chỉ cấp chứng chỉ cho học sinh học tiếp lên hoặc chuyển sang học nghề. Cũng có ý kiến nói rằng, việc tổ chức thi giao cho địa phương như vừa qua nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Đây là vấn đề liên quan đến nhiều đối tượng, cần có sự thận trọng, xin ý kiến cử tri, nhân dân, ý kiến các chuyên gia và cần thêm nhiều thời gian để chọn và đưa ra quyết sách cho trúng, cho đúng”, ông Phúc nói.
Ông Phúc cho rằng nếu Quốc hội quyết thông qua Luật Giáo dục sửa đổi vào kỳ họp thứ sáu (diễn ra cuối năm nay) là “hơi sớm, chưa chín lắm”. “Cần lùi thời gian xem xét thông qua để Chính phủ nghiên cứu, bổ sung và xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 7 cho “chín hơn”. Điều này cũng thể hiện sự thận trọng của Quốc hội trước một vấn đề lớn, được cử tri rất quan tâm”, ông Phúc kiến nghị.
Cho rằng, đây là vấn đề tác động đến xã hội rất lớn, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến đề nghị cần lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân về vấn đề trên. “Việc này cũng phù hợp với Luật Trưng cầu ý dân. Do đó, Luật Giáo dục (sửa đổi) cần được lấy ý kiến rộng rãi để khi các đại biểu quyết sẽ hợp với ý kiến nhân dân, nhân dân sẽ đánh giá cao quyết định của Quốc hội”, ông Chiến bày tỏ. Đồng tình với quan điểm này, bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội nói: Ngày trước thi đại học rất nghiêm túc. Vì thế làm sao để áp dụng cách thức thi nghiêm túc ngày xưa vào ngày nay. Nên cần có thêm thời gian để lấy ý kiến nhân dân về vấn đề thi cử.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến.
Thay đổi liên tục khiến cả xã hội vất vả
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng đồng tình với phương án xem xét thông qua dự án luật theo 3 kỳ họp để lấy thêm ý kiến nhân dân. “Đây là dự án luật rất quan trọng, tác động đến mọi đối tượng, toàn xã hội và được nhân dân rất quan tâm. Vì thế cần có thời gian để Chính phủ, Bộ tổng kết, phân tích, sửa đổi các quy định bảo đảm tính khả thi, phù hợp”, ông Lưu nói.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu.
Đề cập thi tốt nghiệp THPT, ông Lưu nói trước đây, tổ chức thi theo 2 kỳ, gồm thi THPT và Đại học, kết quả rất tốt, cả đầu vào và đầu ra. “Khi đó có rất nhiều khó khăn, trình độ năng lực quản lý, các điều kiện khác cũng còn hạn chế, tại sao chúng ta làm tốt thế. Còn bây giờ mọi thứ đều tốt lên mà sao lại xảy ra nhiều hạn chế đến vậy. Rồi giáo dục cứ đổi mới liên tục, thay đổi liên tục khiến học sinh, phụ huynh rất vất vả. Cái này phải ổn định, chứ cứ năm nào cũng thay đổi thì vất vả lắm. Sách giáo khoa cũng thế, cứ thay đổi liên tục”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Theo Chủ tịch Quốc hội, vấn đề giáo dục “đụng tới từng nhà, nhà nào cũng có người đi học”, hơn nữa sau khi xảy ra các vụ việc tiêu cực, nhân dân rất quan tâm do đó nên xem xét thông qua dự Luật Giáo dục (sửa đổi) thông qua quy trình 3 kỳ họp để lấy ý kiến rộng rãi. “Đổi mới nhưng cần ổn định, đừng để tình trạng năm nay đổi mới thế này, sang năm lại thế khác, là không nên”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Khẳng định những thành quả của nền giáo dục Việt Nam đạt được trong thời gian qua là rất lớn, tuy nhiên Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho hay, khi đi tiếp xúc cử tri, các cử tri nói rằng họ cần nền giáo dục có tính ổn định. Trong khi đó, năm nào cũng thay đổi liên tục khiến phụ huynh, học sinh rất lo lắng. “Sách vở ngày xưa tôi học, mấy người em sau tôi vẫn tiếp tục học, giờ sách vở quá trời luôn, mỗi năm mỗi khác, tốn tiền nhân dân lắm!”, Chủ tịch Quốc hội nói.