Tại phiên họp chiều 8/8, Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng trình xin ý kiến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), trong đó có vấn đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Hai ý kiến được ủy ban thẩm tra trình xin ý kiến là: tiếp tục tổ chức thi và không tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Cho ý kiến đầu tiên về dự án luật, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, dự án này liên quan đến nhiều đối tượng, nên cần phải rất thận trọng. Đặc biệt trước những sai phạm trong thi tốt nghiệp vừa qua, đã để lại nhiều dư âm, đang phải xử lý, kể cả về pháp luật.
Qua các ý kiến đóng góp cũng như qua tiếp xúc cử tri, hiện vẫn đang có hai luồng ý kiến khác nhau về kỳ thi “2 trong 1”. Loại ý kiến thứ nhất, đặt vấn đề có nên tiếp tục tổ chức thi tốt nghiệp không, hay cấp chứng chỉ? Và luồng ý kiến thứ 2 là đã học phải tổ chức thi.
Do còn nhiều ý kiến khác nhau, nên ông Phúc đề nghị phải hết sức thận trọng, tiếp tục xin ý kiến tiếp chuyên gia, cử tri để đưa ra quyết sách cho đúng, trúng. Ông cũng cho rằng, nếu thông qua dự thảo luật trong kỳ họp 6 diễn ra vào tháng 10 tới là hơi sớm, chưa đủ độ chín. Dự án luật này cần thời gian xem xét, lắng nghe thêm một kỳ họp nữa, để sang kỳ thứ 7 thông qua.
Là người đã từng 15 năm giảng dạy tại Đại học Bách Khoa, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, kỳ thi đại học trước đây được chấm thi bằng tay, rất nghiêm túc, đảm bảo lọc lựa học sinh rất tốt với hai giáo viên chấm thi.
Nghiêng về phương án 1 là tiếp tục duy trì kỳ thi tốt nghiệp, theo bà Hải, việc tổ chức kỳ thi “2 trong 1” là tốt, với mục đích là kế thừa được sự nghiêm túc trong kỳ thi đại học trước đây, nhưng bà rất băn khoăn về khâu tổ chức thi.
Ngoài hai phương án trên, theo bà Hải, vẫn còn phương án 3, là vẫn tổ chức thi “2 trong 1” hiện nay, nhưng vẫn để các trường đại học được tự chủ trong tổ chức tuyển sinh. Bà cũng đề nghị phải thẩn trọng, cân nhắc, có thời gian thêm để lấy ý kến rộng rãi cử tri, nhân dân, đặc biệt là việc tổ chức kỳ thi trong thời gian tới.
Do vấn đề này tác động trực tiếp đến mọi người dân, lại còn nhiều ý kiến khác nhau, nên nhiều đại biểu đề nghị lấy ý kiến rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân, như vậy nhân dân sẽ đánh giá cao quyết sách của Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng đề nghị dự án này rất quan trọng, được nhiều người quan tâm với nhiều quy định mới, nên cần thông qua tại 3 kỳ họp. Trên cơ sở đó, tại kỳ họp 6 vẫn cho ý kiến và sẽ thông qua vào kỳ 7, năm 2019 để đảm bảo độ chín, đồng thời giải quyết được những vấn đề còn ý kiến khác nhau.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, vào kỳ họp thứ 6 tới vẫn đưa dự án ra thảo luận. Nhưng đây là một dự án luật sửa đổi toàn diện, nên bà Ngân đề nghị giao Chính phủ tổ chức lấy ý kiến nhân dân giống như Luật Đất đai trước đây. Sau đó tổng hợp lại, tiếp tục hoàn thiện để thông qua tại kỳ họp 7 cho chắc chắn.
Trước khi kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tiếp thu hết các ý kiến để tiếp tục hoàn thiện cho dự thảo luật. Ông cũng nêu nguyện vọng, tới đây sẽ lấy ý kiến rộng rãi, kể cả về kỳ thi tốt nghiệp. Dự kiến bộ sẽ tổ chức cuộc hội thảo lớn để tạo sự đồng thuận cao, làm sao để luật thật chất lượng.
Đặc biệt, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, từ nay đến kỳ họp thứ 6, do thời gian còn rất ít, nên ông xin lùi sang kỳ họp thứ 7, không trình Quốc hội ra kỳ họp thứ 6 tới.
Về việc này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị ban soạn thảo phải nghiêm túc tiếp thu, có thể lùi, thậm chí nếu dự án không đảm bảo chất lượng, cũng có thể còn phải lùi sang kỳ họp thứ 8 mới thông qua.