Không thể dự đoán những bước ngoặt quan trong chương trình hạt nhân Triều Tiên, tình báo Mỹ mất mặt khi bất ngờ và lúng túng trước những tiến bộ nhanh chóng của Bình Nhưỡng.
Khi Donald Trump bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống, các cơ quan tình báo Mỹ nói với chính quyền mới rằng dù Triều Tiên đã chế tạo bom nhưng vẫn còn rất nhiều thời gian để làm chậm hoặc ngăn nước này phát triển tên lửa hạt nhân có khả năng đánh vào một thành phố của Mỹ, nhiều nhất là tới 4 năm. Họ đảm bảo rằng lãnh đạo trẻ của Triều Tiên, Kim Jong Un, phải đối mặt với nhiều khó khăn và cho ông Trump thời gian để thăm dò các cuộc đàm phán hoặc theo đuổi biện pháp đối phó. Một quan chức tham gia đánh giá chính sách ban đầu từng cho rằng ông Kim sẽ không thể tấn công lục địa Mỹ cho đến năm 2020, thậm chí là năm 2022. Ông Kim đã thử nghiệm 8 tên lửa tầm trung vào năm 2016 nhưng 7 tên lửa đã nổ tung khi rời bệ phóng hoặc vỡ vụn trên đường bay. Một số quan chức cho rằng kết quả này một phần là nhờ chương trình phá hoại từng được Tổng thống Barack Obama thúc đẩy. Trong khi Triều Tiên đã thực hiện 5 cuộc thử nghiệm nguyên tử dưới lòng đất, cộng đồng tình báo ước tính nước này còn lâu mới phát triển được loại vũ khí mạnh hơn được gọi là bom hydro.
Đánh giá sai liên tiếp Chỉ trong vài tháng, những đánh giá tốt lành này không còn giá trị. Trong khi các quan chức tình báo Mỹ mất cảnh giác, ông Kim đã tung ra công nghệ mới dựa trên thiết kế động cơ hàng thập kỷ trước của Liên Xô và nhanh chóng chứng minh tầm bắn của tên lửa có thể vươn tới Guam, sau đó là Bờ Tây và Washington DC của Mỹ. Ngày 3/9/2017, ông Kim đã cho nổ quả bom hạt nhân thứ 6. Sau phút lúng túng ban đầu, các nhà phân tích dường như đều đồng thuận rằng đây là cuộc thử nghiệm bom hydro thành công đầu tiên của Triều Tiên với sức mạnh lớn gấp 15 lần so với quả bom nguyên tử từng san phẳng Hiroshima. Cục Tình báo Trung ương CIA và các cơ quan tình báo Mỹ khác từng dự đoán thời khắc này sẽ đến. Trong nhiều thập kỷ, họ đã dự đoán chính xác biên độ quỹ đạo trong chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Tuy nhiên, trong các cuộc phỏng vấn gần đây với New York Times, các quan chức thừa nhận việc không thể dự đoán những bước tiến nhanh chóng của Triều Tiên trong vài tháng qua là một trong những thất bại lớn nhất của tình báo Mỹ. Những dự đoán thiếu chính xác đã giúp giải thích sự nhầm lẫn, thiếu nhất quán và hoảng hốt trong cách phản ứng của đội ngũ an ninh quốc gia chưa qua thử thách của ông Trump với cuộc khủng hoảng hạt nhân. Tướng HR McMaster, cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump, thừa nhận cuộc chạy đua của ông Kim nhằm biến Triều Tiên thành cường quốc hạt nhân đang đến gần vạch đích nhanh hơn dự đoán.
Đánh giá sai liên tiếp Chỉ trong vài tháng, những đánh giá tốt lành này không còn giá trị. Trong khi các quan chức tình báo Mỹ mất cảnh giác, ông Kim đã tung ra công nghệ mới dựa trên thiết kế động cơ hàng thập kỷ trước của Liên Xô và nhanh chóng chứng minh tầm bắn của tên lửa có thể vươn tới Guam, sau đó là Bờ Tây và Washington DC của Mỹ. Ngày 3/9/2017, ông Kim đã cho nổ quả bom hạt nhân thứ 6. Sau phút lúng túng ban đầu, các nhà phân tích dường như đều đồng thuận rằng đây là cuộc thử nghiệm bom hydro thành công đầu tiên của Triều Tiên với sức mạnh lớn gấp 15 lần so với quả bom nguyên tử từng san phẳng Hiroshima. Cục Tình báo Trung ương CIA và các cơ quan tình báo Mỹ khác từng dự đoán thời khắc này sẽ đến. Trong nhiều thập kỷ, họ đã dự đoán chính xác biên độ quỹ đạo trong chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Tuy nhiên, trong các cuộc phỏng vấn gần đây với New York Times, các quan chức thừa nhận việc không thể dự đoán những bước tiến nhanh chóng của Triều Tiên trong vài tháng qua là một trong những thất bại lớn nhất của tình báo Mỹ. Những dự đoán thiếu chính xác đã giúp giải thích sự nhầm lẫn, thiếu nhất quán và hoảng hốt trong cách phản ứng của đội ngũ an ninh quốc gia chưa qua thử thách của ông Trump với cuộc khủng hoảng hạt nhân. Tướng HR McMaster, cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump, thừa nhận cuộc chạy đua của ông Kim nhằm biến Triều Tiên thành cường quốc hạt nhân đang đến gần vạch đích nhanh hơn dự đoán.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) ngồi cạnh cố vấn an ninh quốc gia HR McMaster (thứ 2 bên trái) trong cuộc hội đàm với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In tại phủ tổng thống ở Seoul ngày 7/11/2017. Ảnh: AFP/Getty.
Sai lầm từ suy luận "Chiến tranh Lạnh" Các quan chức tình báo cấp cao cho biết họ bắt đầu đầu tư nhiều hơn vào việc thu thập thông tin về chương trình vũ khí của Triều Tiên vào năm 2012 và thu được kết quả trong 2 năm qua. Tuy nhiên, hai giả thuyết quan trọng của họ đã được chứng minh là sai lầm. Họ cho rằng để nắm được lời giải của ngành khoa học tên lửa, Triều Tiên cần thời gian như các quốc gia khác trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh mà bỏ qua khả năng Bình Nhưỡng tiếp cận công nghệ máy tính tiên tiến và học hỏi từ nước ngoài. Họ cũng đánh giá sai về ông Kim, lãnh đạo 33 tuổi lên nắm quyền vào cuối năm 2011 và dồn lực phát triển chương trình vũ khí nhiều hơn cả cha và ông nội mình. Trong thời gian chuyển giao quyền lực một năm trước, ông Obama từng cảnh báo ông Trump rằng Triều Tiên sẽ gây ra mối đe dọa an ninh nghiêm trọng nhất. Theo các cách công khai hoặc kín đáo, những tổng thống Mỹ mới nhậm chức đều gần như ngay lập tức phàn nàn về "mớ hỗn độn" Triều Tiên vì người tiền nhiệm không đủ mạnh tay. Trong nhiều năm, Triều Tiên đã vượt mặt một số tổng thống Mỹ, cả đảng Dân chủ và Cộng hòa, với những tiến bộ công nghệ dường như có tính đe dọa cao nhưng không đến mức gây nguy cơ chiến tranh. Củng cố hiện diện quân sự ở bờ biển Triều Tiên, tấn công mạng, nỗ lực phá hoại vật liệu nhập khẩu và các cuộc thử nghiệm vũ khí có thể làm chậm nhưng không thể ngăn chặn chương trình hạt nhân của nước này. Hiện tại, khi đối mặt với tiến bộ lớn nhất của Bình Nhưỡng, ông Trump rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan mà những người tiền nhiệm từng gặp phải nhưng có ít thời gian để phản ứng hơn. Tầm bắn ước tính của các tên lửa được Triều Tiên phóng lên trong năm 2017. Đồ họa: Union of Concerned Scientists.
Sự thiếu chắc chắn trong thông tin tình báo về Triều Tiên, bao gồm cả những câu hỏi cơ bản như ông Kim sở hữu bao nhiêu vũ khí hạt nhân, càng khiến ông Trump khó đưa ra lựa chọn. Nhiều quan chức ở Bộ Quốc phòng lo ngại giải pháp tấn công phủ đầu mà ông Trump nhiều lần nêu ra sẽ là sai lầm lớn dẫn đến xung đột tàn phá trên diện rộng vì phương án này đòi hỏi thông tin chính xác về vị trí của các cơ sở sản xuất, nhà máy hạt nhân và các khu vực hậu cần cùng khả năng tấn công tin học điện tử để ngăn chặn trả đũa. Tuy nhiên, tướng McMaster cho biết ông Trump cảm thấy việc thiếu thông tin tình báo không phải là vấn đề nghiêm trọng. "Ông ấy không kỳ vọng nhận được thông tin tình báo hoàn hảo về bất cứ vấn đề gì. Ông ấy vẫn an tâm với sự mơ hồ này. Ông ấy hiểu bản chất con người và nhận thức được rằng không bao giờ có thông tin tình báo hoàn hảo", ông nói. Trong buổi trao đổi cuối năm ngoái, tướng John E. Hyten, người đứng đầu Bộ Chỉ huy Chiến lược và nắm quyền kiểm soát kho vũ khí hạt nhân của Mỹ, thừa nhận ông không rõ khi nào Triều Tiên vượt qua rào cản kỹ thuật cuối cùng: đầu đạn hạt nhân có khả năng hồi quyển để tấn công Mỹ. "Họ sẽ đạt được vào năm 2017, 2018 hay 2019? Thành thật mà nói, tôi không biết câu trả lời", ông thừa nhận. Lỡ những bước ngoặt quan trọng Kể từ khi bắt đầu theo dõi chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, các cơ quan tình báo Mỹ thường tỏ ra xuất sắc trong dự báo hướng đi và tổng thể của chương trình nhưng lại nhiều lần bỏ lỡ những bước ngoặt quan trọng. Các tài liệu giải mật gần đây cho thấy CIA đã nhận ra tham vọng của Triều Tiên vào đầu những năm 1980, khi các vệ tinh gián điệp lần đầu phát hiện bằng chứng nước này đang chế tạo lò phản ứng để sản xuất plutonium, nhiên liệu chính cho vũ khí hạt nhân. Một bộ phận của cơ quan này đã tập trung nghiên cứu các nhà máy và lò phản ứng của Triều Tiên, cố gắng đánh giá tốc độ xây dựng các động cơ tên lửa tiên tiến, nhiên liệu chuyên dụng và đầu đạn hạt nhân của đất nước lạc hậu này. Sau sự sụp đổ của Liên Xô, nhiều làn sóng các nhà khoa học tên lửa đã đổ về Triều Tiên. Mặc dù lực lượng an ninh Nga đã chặn được một số người nhưng những người khác vẫn tới được Triều Tiên hoặc hỗ trợ nước này từ xa. Khi nhìn lại tình hình, các cựu quan chức tình báo Mỹ cho biết họ gần như đã bỏ sót phần lớn việc chuyển giao công nghệ. Các tên lửa mà ông Kim phóng lên những tháng gần đây mang nhiều dấu hiệu xuất xứ của Liên Xô. Tuy nhiên, các nhà phân tích và quan chức tình báo vẫn còn mờ mịt về ngày tháng, địa điểm và phương thức chuyển giao cụ thể. Triều Tiên đã tạm ngưng chương trình hạt nhân vào năm 1994 sau khi đạt thỏa thuận với Mỹ về đổi nhiên liệu dầu cho việc ngưng xây dựng nhà máy hạt nhân. Tuy nhiên, Triều Tiên chưa bao giờ xây dựng các nhà máy này. Thay vào đó, nước này đã bí mật theo đuổi việc chế tạo bom sử dụng nhiên liệu uranium. Cộng đồng tình báo đã phát hiện các lô hàng từ Nga và Pakistan chứa các bộ phận máy ly tâm được sử dụng để làm giàu uranium. Trước bằng chứng này, Triều Tiên thừa nhận sự tồn tại của chương trình, buộc chính quyền Bush đình chỉ thỏa thuận. Mặc dù vậy, Bình Nhưỡng vẫn thúc đẩy sản xuất uranium, loại nhiên liệu được cho là đang được sử dụng trong nhiều đầu đạn hạt nhân mới. Từ đầu năm 2000, Hội đồng Tình báo Quốc gia đã có những nhận định rõ ràng về hướng đi của Triều Tiên với dự báo nước này "có thể" có một tên lửa hạt nhân vươn tới các thành phố của Mỹ vào năm 2015. Tổng thống George W. Bush đã bắt đầu chương trình ngăn chặn các tàu vận chuyển vật liệu cho chương trình vũ khí của Triều Tiên và bí mật làm tê liệt chương trình bằng cách phá hoại chuỗi cung ứng với những vật liệu kém chất lượng. Tuy nhiên, khi nước Mỹ bị cuốn vào cuộc chiến Iraq, CIA đã chuyển sang trọng tâm chống khủng bố. Các vệ tinh bao quát Triều Tiên chuyển hướng hoạt động sang khu vực Trung Đông để giữ an toàn cho quân đội. Năm 2006, Mỹ đã rất ngạc nhiên khi được Trung Quốc cảnh báo về cuộc thử nghiệm hạt nhân dưới lòng đất đầu tiên của Triều Tiên chỉ một giờ trước vụ nổ. Năm 2007, Mỹ lại bất ngờ khi Mossad, người đứng đầu cơ quan tình báo của Israel, tới Nhà Trắng cùng các bức ảnh cho thấy điểm tương đồng giữa lò phản ứng hạt nhân đang được xây dựng tại Syria với lò phản ứng Yongbyon ở Triều Tiên.
Nhà máy hạt nhân Triều Tiên trước khi phá hủy tháp làm mát (phải) tại Yongbyon , ngày 27/6/2008. Ảnh: Reuters.
Một bức ảnh được CIA công bố sau đó cho thấy giám đốc sản xuất nhiên liệu hạt nhân của Triều Tiên có mặt tại nhà máy Syria. Dù nhà máy này chỉ cách biên giới Iraq hơn 160 km nhưng Mỹ đã không phát hiện được. Năm 2010, Triều Tiên đã mời Siegfried S. Hecker, cựu giám đốc phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos đến thăm và cho ông xem nhà máy làm giàu uranium hoàn chỉnh được xây dựng trong một tòa nhà cũ ở Yongbyon. Người Triều Tiên đã xây dựng cơ sở này tại một địa điểm được đặt dưới sự giám sát vệ tinh thường xuyên mà không bị phát hiện. Các quan chức tình báo có lý do khó tránh cho sự thất bại này. Chính phủ nước ngoài gần như không bao giờ có thể chiêu mộ các nhà khoa học Triều Tiên làm nguồn tin vì họ hiếm khi được phép ra nước ngoài. Triều Tiên dường như cũng đã phát hiện một số vệ tinh gián điệp của Mỹ. Cuộc chạy nước rút đáng kinh ngạc
Trong nhiều năm, Triều Tiên chỉ tập trung phát triển các tên lửa tầm ngắn ít gây ra đe dọa đối với Mỹ. Tuy nhiên, vào năm 2008, Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice cảnh báo các đồng minh rằng Triều Tiên đang trên đường tới một bước nhảy vọt khác sau vụ thử hạt nhân đầu tiên. Theo tài liệu được WikiLeaks tiết lộ năm 2010, một động cơ tên lửa Liên Xô đã đem lại "bước tiến đáng kể" cho tên lửa tầm xa của Triều Tiên. Đầu năm 2011, khi đến thăm Bắc Kinh, Bộ trưởng Quốc phòng Robert M. Gates nói với các phóng viên rằng Triều Tiên có thể phóng một tên lửa tầm xa chỉ trong vòng 5 năm tới. Ông nhấn mạnh Bình Nhưỡng "đang trở thành mối đe dọa trực tiếp đối với Mỹ". Sau đó, sự cấp bách dường như đột nhiên biến mất. Ông Kim, nhà lãnh đạo trẻ tuổi, thiếu kinh nghiệm, ít được quân đội tin tưởng, lên nắm quyền trong sự hoài nghi của cộng đồng tình báo. Bốn năm tiếp theo trong nhiệm kỳ của Obama, chương trình tên lửa của Triều Tiên đã trải qua nhiều lần thất bại và trở thành chuyện cười trên các chương trình truyền hình ở Mỹ. Sự mất mặt tồi tệ nhất xảy ra vào tháng 4/2012, hai ngày sau khi ông Kim lên đến cấp quyền lực cao nhất vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông nội Kim Nhật Thành. Ông đã đánh dấu sự kiện này bằng một vụ phóng vệ tinh nhằm chứng tỏ công nghệ được sử dụng trong tên lửa đạn đạo liên lục địa và thậm chí còn mời các nhà báo nước ngoài. Nhưng tên lửa đã vỡ tan ngay sau khi phóng và rơi xuống biển Hoàng Hải.
Các phóng viên nước ngoài được mời đến chứng kiến cuộc phóng tên lửa vào tháng 4/2012, vài ngày sau khi Kim Jong Un chính thức lên nắm quyền. Ảnh: AP.
Đến cuối năm 2013, cộng đồng tình báo đã thay đổi phần lớn quan điểm về ông Kim, người ngày càng củng cố quyền lực và tỏ ra vô cùng nghiêm túc về chương trình hạt nhân và tên lửa. Trong khi cha và ông nội thử nghiệm vũ khí để chứng tỏ lập trường chính trị, ông Kim đã biến chương trình này thành phiên bản Triều Tiên của Dự án Manhattan, cuộc chạy đua phát triển bom nguyên tử của Mỹ trong Thế chiến II. Khi đặt mục tiêu phát triển vũ khí hạt nhân ngang hàng với ưu tiên phát triển kinh tế, ông lập luận rằng nếu không có hạt nhân làm "bùa hộ mệnh" thì đất nước sẽ không đủ an toàn để tập trung tăng trưởng. Giờ đây, ông Kim dường như đang có một số chương trình tên lửa đồng thời. Lãnh đạo Triều Tiên cũng tăng cường nỗ lực chế tạo các bộ phận và nhiên liệu tên lửa trong nước để Mỹ và đồng minh không thể ngăn chặn nguồn cung của họ. Tốc độ các cuộc thử tên lửa tăng nhanh, đạt mức đỉnh cao hơn 20 vụ vào năm 2016. Ít nhất 10 lần phóng đã thất bại, bao gồm 7 tên lửa tầm trung Musudan. Tháng 5 năm ngoái, Triều Tiên đã thử nghiệm thành công thiết kế mới của một tên lửa tầm trung có khả năng đánh vào lãnh thổ Guam của Mỹ. Ngày 4/7/2017, nước này làm thế giới choáng váng với cuộc thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) đầu tiên và lặp lại thành công này vài tuần sau đó. Trong tháng 11, họ đã thử nghiệm Hwasong-15, một ICBM được cải thiện đáng kể có thể bay khoảng 13.000 km, đủ xa để đe dọa bất kỳ địa điểm nào ở Mỹ. Đó là một cuộc chạy nước rút đáng kinh ngạc đối với CIA và các cơ quan tình báo khác. Ông Kim dường như đã giải quyết được những vấn đề gây trở ngại cho Musudan và có lẽ đã vượt qua chương trình phá hoại của Mỹ.
Ông Kim nhạo báng ông Trump trong một tuyên bố truyền hình vào tháng 9/2017, ngay sau khi Triều Tiên kích nổ quả bom hạt nhân thứ sáu. Ảnh: AFP/Getty.
Tháng 9 năm ngoái, Triều Tiên kích hoạt vụ nổ hạt nhân dưới lòng đất mạnh nhất từ trước đến nay. Bình Nhưỡng tuyên bố đây là một quả bom hydro. Sau nghi ngờ ban đầu, nhiều chuyên gia cho rằng điều này có thể đúng. Một số quan chức dưới thời ông Obama nói rằng đó là một bất ngờ thực sự. Họ từng tin rằng thời điểm này còn cách xa nhiều năm nữa. Những dự đoán gây tranh cãi Bước sang năm 2018, cộng đồng tình báo vẫn còn một số tranh cãi về năng lực của Triều Tiên. Hầu hết cơ quan tình báo nói rằng Triều Tiên có kho vũ khí khoảng 20 hoặc 30 vũ khí hạt nhân trong khi Cơ quan Tình báo Quốc phòng Lầu Năm Góc lại đưa ra con số trên 50. Nếu ông Trump tìm cách phá hủy kho vũ khí hoặc nếu chính phủ Triều Tiên sụp đổ thì việc vô hiệu hóa số vũ khí mà không cần kích hoạt và không để đầu đạn nào rơi vào tay kẻ xấu sẽ trở thành thách thức. Càng có nhiều vũ khí, nhiệm vụ càng khó khăn. Các cơ quan tình báo cũng đang tập trung để không bỏ lỡ bước tiến lớn tiếp theo: thời điểm Triều Tiên làm chủ thiết kế và cách chế tạo đầu đạn hạt nhân có khả năng chịu được sức nóng và áp lực khi hồi quyển để có thể lao xuống và tiêu diệt mục tiêu. Tướng Hyten của Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ cho biết "đây là phần khó nhất" khi Mỹ chế tạo kho vũ khí hạt nhân vào những năm 1950, 1960. Tháng 10 năm ngoái, Giám đốc CIA Mike Pompeo cảnh báo thời điểm Triều Tiên vượt qua ngưỡng cuối cùng này có thể "chỉ còn tính bằng tháng". Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis, người kêu gọi giải pháp ngoại giao thay vì hành động quân sự, nhận định vụ thử nghiệm ICBM hồi tháng 11 cho thấy Triều Tiên có khả năng tấn công "bất cứ nơi nào trên thế giới về cơ bản". Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng vì từng đánh giá thấp Triều Tiên nên Washington dễ có khuynh hướng phóng đại năng lực của nước này. Tiến sĩ Hecker, cựu giám đốc của Los Alamos, gần đây lập luận rằng Triều Tiên cần "ít nhất hai năm nữa và một số cuộc thử nghiệm hạt nhân, tên lửa" để hoàn thiện vũ khí có thể đe dọa các thành phố của Mỹ. Ông cho rằng vẫn còn thời gian để "bắt đầu đối thoại" trong nỗ lực "nhằm giảm căng thẳng hiện tại và tránh những hiểu lầm có thể dẫn tới chiến tranh".
Theo Theo Zing