Thông thường các vụ hoa trong năm, thời điểm giữa tháng 8 đến giữa tháng 9 chính là thời gian vàng cho bà con nông dân xuống giống vụ hoa Tết. Thế nhưng, do ảnh của dịch COVID-19 bị giãn cách “ai ở đâu ở đó” nên các vườn hoa đã xuống giống muộn hơn so với các năm trước, khiến nhiều người lo lắng về thời gian xuất vụ hoa Tết sắp tới.
Tổ hợp tác của làng hoa Dương Sơn (thôn Dương Sơn, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) hiện có 23 vườn. Do giãn cách vì dịch nên số lượng người đến chăm sóc đã ít lại càng ít, vì nhiều hộ trồng hoa sống ở các xã khác nên không trực tiếp đến vườn chăm sóc được.
Ông Lê Phước Dạng, tổ trưởng Tổ hợp tác Hoa Dương Sơn, chia sẻ, số lượng hoa Tết năm nay giảm mạnh. Cả tổ chỉ có 12.500 chậu trên diện tích 4,5 ha, ít hơn so với các năm trước khoảng 3.000 chậu, trong đó sử dụng 1,5 ha đất để trồng lan công nghệ cao, hoa cúc, còn lại là một số loại hoa khác.
Dẫn chúng tôi thăm vườn trồng hoa, ông Dạng buồn rầu nói, giá chậu hoa cúc đại năm trước khoảng 700.000 đồng/cặp nhưng hiện nay giá chỉ khoảng 500.000 đồng/cặp, ngược lại, chi phí chăm sóc lại cao, cứ tiếp diễn như vậy, các hộ dân sẽ lỗ vốn và dần bỏ nghề. Cùng kỳ năm ngoái, gốc hoa cúc dao động từ 9.000-10.000 đồng/gốc, nhưng nay giá giảm mạnh, chỉ còn hơn 5.000 đồng/gốc.
Khác với không khí phấn khởi mọi năm khi vào vụ hoa Tết, năm nay các hộ làng hoa ở Đà Nẵng hoang mang, thấp thỏm đầu ra vì dịch COVID-19 cùng bao nhiêu mối lo khác. “Mong các cơ quan chức năng quan tâm tìm hướng hỗ trợ và giải quyết đầu ra giúp người dân”, anh Lê Tiến Dũng bày tỏ.
Tương tự, vườn hoa của Hội Nông dân quận Thanh Khê năm nay số lượng hoa cũng giảm mạnh. Anh Lê Tiến Dũng (trú ở tổ 25, phường Thanh Khê Tây) thuộc vườn hoa Hội Nông dân quận Thanh Khê cho biết, vườn của anh các năm trước số lượng khoảng 10.000 chậu, nhưng năm nay giảm còn khoảng 5.000 chậu.
Khó lại càng khó
Dịch bệnh năm nay phức tạp, trong khi đầu ra của hoa chưa có khiến nhiều hộ trồng hoa hoang mang. Chưa kể, thời tiết thất thường, dễ sinh sâu bệnh, trong khi giá các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân đạm đều tăng chóng mặt. “Phân bón giá tăng cao so với năm trước, hiện phân bón giá 1.400.000 đồng/bao, trong khi trước đó giá chỉ 900.000 đồng/bao”, ông Dạng cho biết.
Anh Hồ Hữu Hòa, kỹ thuật viên tại vườn lan Vũ Gia (Tổ 4, thôn Liên Sơn, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang), chia sẻ, hầu hết các nhà vườn đều lo ngại sâu bệnh trong thời tiết giao mùa này, đặc biệt là một số bệnh khiến các đọt hoa bị hư làm cho cây hoa không đạt yêu cầu và phải chăm sóc lại cho vụ sau.
“Nếu tình trạng mưa kéo dài, không khí lạnh sẽ khiến các cây hoa không kịp nở bông vụ Tết, chi phí can thiệp để cho hoa nở bông sẽ tăng gấp ba lần”, ông Dạng thở dài.