'Thắp sáng' kinh tế đêm sau COVID: Sẽ lung linh Hoàn Kiếm

0:00 / 0:00
0:00
Một góc phố cổ đêm, khi COVID-19 chưa xuất hiện Ảnh: Trường Phong
Một góc phố cổ đêm, khi COVID-19 chưa xuất hiện Ảnh: Trường Phong
Từ nhận định các hoạt động kinh tế đêm còn nghèo nàn, sản phẩm du lịch, dịch vụ còn đơn diệu và phát triển ở quy mô nhỏ, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đang nỗ lực xây dựng đề án phát triển kinh tế đêm, phát huy hiệu quả tiềm năng rất lớn về du lịch, dịch vụ, thúc đẩy phát triển kinh tế sau tác động của đại dịch COVID-19.

Tiềm năng rất lớn

Trao đổi với phóng viên Tin Phong, đại diện UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã chỉ đạo quận Hoàn Kiếm hoàn thiện đề án phát triển kinh tế đêm trên địa bàn. Là quận trung tâm, gắn liền với lịch sử, văn hóa Thăng Long - Hà Nội, Hoàn Kiếm hội tụ rất nhiều điều kiện để phát triển kinh tế đêm, đặc biệt là có tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú, chất lượng.

Cụ thể, Hoàn Kiếm có: 190 di tích, trong đó nhiều di tích có giá trị, tiêu biểu của Thủ đô và đất nước như Di tích danh lam thắng cảnh Hồ Hoàn Kiếm; đền Ngọc Sơn; khu phố cổ Hà Nội với các sản phẩm vật thể và phi vật thể như đền Bạch Mã, chùa Quán sứ, Nhà cổ 87 Mã Mây, 38 Hàng Đào…; Khu phố cổ với nhiều công trình kiến trúc, văn hóa, tôn giáo lớn có giá trị cao trước năm 1954 như Nhà hát lớn, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Nhà thờ Lớn…; Nhiều không gian sáng tạo đã phát triển thành các sản phẩm du lịch mang thương hiệu như không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, không gian đi bộ trong khu phố cổ; Không gian bích họa phố Phùng Hưng, tuyến phố ẩm thực đêm Tống Duy Tân - Cấm Chỉ; chợ Đồng Xuân…

Theo UBND quận Hoàn Kiếm, kinh tế đêm đã hình thành ở quận nhiều năm nay. Gần đây, để phát huy thêm hiệu quả, quận đã: Tổ chức thí điểm mở rộng giới hạn thời gian kinh doanh đến 2h sáng; tổ chức không gian đi bộ quanh Hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, mở rộng không gian đi bộ khu vực phố cổ, tổ chức các không gian ẩm thực đêm… Tuy nhiên, hoạt động kinh tế đêm vẫn còn nghèo nàn, các sản phẩm du lịch, dịch vụ còn đơn diệu và phát triển ở quy mô nhỏ, chỉ mới tập trung vào các hoạt động ẩm thực, chợ đêm hoặc phố đi bộ.

Trong dự thảo đề án phát triển kinh tế đêm quận Hoàn Kiếm, những người viết dự án nêu nhận xét: Các hoạt động về giải trí, biểu diễn nghệ thuật vào ban đêm, hệ thống các cửa hàng, siêu thị, những khu mua sắm đêm sầm uất chưa được hình thành một cách đồng bộ, bài bản, tầm cỡ. Bên cạnh đó, sản phẩm, dịch vụ du lịch đêm như tham quan di tích lịch sử, văn hóa chưa thực sự phát triển.

Lãnh đạo quận Hoàn Kiếm cho biết, sẽ có nhiều chính sách khuyến khích, ưu đãi các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tham gia hoạt động kinh tế đêm như hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, cải cách thủ tục hành chính một cửa thuận lợi...

Ngoài ra, số chủ cơ sở đăng ký tham gia kinh doanh đến 2h sáng còn ít và chủ yếu mới tập trung vào các loại hình quán bar, karaoke. Nguyên nhân là nhiều hoạt động kinh tế đêm mới chỉ được tổ chức 2 ngày/ tuần nên chưa hình thành được đội ngũ lao động chuyên về ban đêm, các cơ sở kinh doanh gặp khó khăn trong bố trí nhân viên làm thêm giờ. Cùng với đó, hoạt động kinh doanh đêm chưa mang tính bền vững, chất lượng chưa cao…

Sau COVID có gì mới?

Theo dự thảo đề án phát triển kinh tế đêm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, đề án chia ra làm 2 giai đoạn. Từ tháng 9/2020 đến hết tháng 8/2021, quận trung tâm Thủ đô này tập trung phát triển các không gian động lực cho kinh tế đêm, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế đêm toàn diện trên toàn địa bàn quận. Giai đoạn 2, từ sau tháng 9/2021, sẽ phát triển kinh tế toàn diện trên địa bàn quận, nghiên cứu đề xuất thí điểm mở rộng thời gian kinh doanh đối với các ngành nghề có quy định về thời gian hoạt động như karaoke, vũ trường, trò chơi điện tử, dịch vụ internet…

Quận Hoàn Kiếm đang cho phép các đơn vị: Triển khai đục thông, gia cố, cải tạo các ô vòm cầu trên phố Phùng Hưng, một trong những yếu tố để hình thành không gian văn hóa, dịch vụ, du lịch, thương mại Phùng Hưng; Hoán đổi các bức bích họa tại khu vực bích họa Phùng Hưng để tạo thêm điểm nhấn. Đề án đặt mục tiêu khai thác có hiệu quả hoạt động tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, làm mới nội hàm, tăng cường các hoạt động, khai thác giá trị du lịch di sản kết hợp với ẩm thực, sự kiện văn hóa nghệ thuật tại không gian đi bộ phố cổ Hà Nội.

Ngoài ra, quận phát triển tuyến phố ẩm thực đêm kết hợp mở rộng phố đi bộ Tống Duy Tân - Cấm Chỉ; phát triển tuyến phố Hàng Khay - Tràng Tiền đến Nhà hát lớn để hình thành phố đi bộ kết hợp trung tâm thương mại; xây dựng phương án vận hành, khai thác, sử dụng phố Tràng Tiền 1, Tràng Tiền 2 thành tuyến phố trình diễn nghệ thuật thời trang kết hợp nghệ thuật ẩm thực…

“Chúng tôi sẽ xây dựng các chương trình, tua du lịch vào ban đêm để du khách trải nghiệm như: Tham quan di tích lịch sử, văn hóa, khám phá ẩm thực về đêm, mở các buổi biểu diễn nghệ thuật nhằm kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch. Tăng cường đảm bảo an ninh trật tự cho nhân dân, du khách cũng như các cơ sở kinh doanh”, đại diện quận Hoàn Kiếm nói.

Theo Phòng Kinh tế quận Hoàn Kiếm, hoạt động kinh doanh dịch vụ sẽ được tổ chức không giới hạn thời gian hoạt động vào tất cả các ngày trong tuần, trừ một số ngành nghề kinh doanh đặc biệt. Phát triển kinh tế đêm cũng là chương trình hành động nhằm phục hồi du lịch quận Hoàn Kiếm, khắc phục ảnh hưởng của COVID-19.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.