Tháp Mỹ Sơn có nguy cơ sụp đổ

Tháp Mỹ Sơn có nguy cơ sụp đổ
TP - Hầu hết các ngôi tháp thuộc di tích Mỹ Sơn (Duy Phú, Duy Xuyên, Quảng Nam) xuống cấp nghiêm trọng, đứng trước nguy cơ sụp đổ.

Dùng thảo mộc phục hồi tháp Mỹ Sơn
> Cô gái Ý ở thung lũng thần linh

Đợt lũ úng giữa tháng 10 vừa qua, cả quần thể khu di tích Mỹ Sơn bị ngập trên diện rộng. Các ngọn tháp bị ngập quá nửa, có tháp chìm nghỉm giữa dòng nước úng, chảy xiết trong đêm 13, 14 tháng 10. Sau gần hai tháng, hệ thống đường vào di tích nhiều điểm còn sình lầy, cây cối dọc hai bên con suối xơ xác, nham nhở. Nhiều ngôi tháp tiếp tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng do nước lũ làm yếu mạch liên kết, không ít bờ tường nứt nẻ, kết cấu gạch mềm, dễ vỡ.

Tại khu F, tòa tháp F2 được gia cố bằng các vật đỡ trước nguy cơ ngôi tháp này có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. Hàng rào được vây quanh các khu tháp F2, E7 tạo sự “cách ly” du khách để giảm chấn động phía chân tháp. Ngay phía chân tháp F2, sau đợt lũ dữ, các nhân viên Ban quản lý di tích Mỹ Sơn gia cố bằng một loạt bao cát. Nhìn mắt thường có thể thấy sự nghiêng lún của các tháp A1, A3; một số đoạn mảng tường các khu tháp B2, B3, B4 bị tách nứt. Tường ẩm do mưa lớn, lũ úng khiến cỏ mọc nham nhở quanh các khu tháp và phát triển mạnh dọc kẽ tường tòa tháp. Ngay tại các khu D, G, E, C nhiều ngôi tháp trong diện xuống cấp, nứt nẻ, chân móng yếu; vòm cửa tòa tháp bị nứt; một số bức trang trí, tượng thần bị biến dạng nhiều chi tiết…

Ông Nguyễn Công Khiết – Phó BQL Di tích và Du lịch Mỹ Sơn, cho hay, cả khu di tích hiện có hơn 20 ngôi tháp được phát hiện và đưa vào khai thác. Năm nào đơn vị cũng tiến hành các đợt kiểm tra, đánh giá tác động xuống cấp của các ngôi tháp để báo cáo thực trạng. Ngoài các tháp B5, C1 còn khá nguyên vẹn, hầu hết các ngôi tháp còn lại đều xuống cấp nghiêm trọng.

Theo BQL Mỹ Sơn, ngoài tác động của thời gian, chiến tranh, thiên tai bão lũ, thì tình trạng tham quan “quá tải” giờ cao điểm cũng khiến đền tháp bị ảnh hưởng, xuống cấp nhanh. “Sau trận lũ tháng 10, lực lượng chức năng không thể dọn dẹp cỏ vì tường gạch bị ẩm, vỡ liên kết. Chỉ cần kéo cỏ, có thể kéo ra vài viên gạch tại tòa tháp. Nguy cơ di tích thành phế tích là đáng lo ngại” - ông Khiết nói.

Tháng 8-2011, UBND tỉnh Quảng Nam quyết định đầu tư bảo tồn, trùng tu tháp E7 (khu di tích Mỹ Sơn) với hơn 9 tỷ đồng. Chương trình hợp tác giữa UNESCO và Italia trong việc trùng tu tháp nhóm G tiến hành xong giai đoạn 2 và tiếp tục triển khai giai đoạn 3 tại di tích Mỹ Sơn. Theo thông tin ban đầu, năm 2012 Chính phủ Italia tài trợ 420 ngàn Euro tu bổ nhóm G.

Ông Huỳnh Tấn Lập - Phó BQL Mỹ Sơn cho hay, theo quy định 50% tiền từ giá vé tham quan sẽ được trích lại cho BQL để duy tu, tôn tạo di tích. Nhưng với nguồn thu năm 2010 đạt 6 tỷ đồng, số tiền 3 tỷ đồng được trích lại chẳng khác nào “muối bỏ bể”. Chỉ tính riêng giai đoạn triển khai tháp E7 đã tốn hơn 9 tỷ đồng.

Trước mắt, nhằm hạn chế các tác động do các phương tiện vận chuyển lớn vào gần di tích, gây rung chấn đến hệ thống nền móng, BQL Mỹ Sơn sẽ đưa dịch vụ xe điện vào vận hành từ tháng 12-2011, đề xuất tăng giá vé để tạo nguồn vốn trùng tu, bảo vệ di tích; bố trí lệch giờ để giãn khách tham quan Mỹ Sơn, tránh các giờ cao điểm từ 9-12 giờ.

Theo ông Khiết: Rút kinh nghiệm các năm trước, việc trùng tu di tích phải “cách ly” khách tham quan. Năm 2012, BQL đưa vào loại hình du lịch trải nghiệm di tích, trùng tu kết hợp tham quan.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG