Thao túng không chỉ qua đấu giá, bỏ cọc
Sáng 31/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Đề cập đến các hành vi bị cấm, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trình Lam Sinh (An Giang) cho rằng, thời gian qua, hành vi thao túng đã gây bất ổn định cho thị trường bất động sản và làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai). Ảnh: Như Ý |
Do vậy, đại biểu đề nghị bổ sung thêm quy định về hành vi thao túng, làm nhiễu loạn thị trường bất động sản, quy định rõ các dấu hiệu của việc thao túng làm nhiễu loạn thị trường.
Cùng mối quan tâm, ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai) đề nghị làm rõ hành vi thao túng thị trường chứng khoán và cần quy định rõ là cấm thao túng, làm giá thị trường bất động sản. Vì hành vi thao túng thị trường bất động sản "cũng nguy hiểm không kém gì hành vi thao túng thị trường chứng khoán".
Đại biểu dẫn chứng, Điều 211, Bộ luật Hình sự quy định hành vi thao túng thị trường chứng khoán, song hành vi thao túng thị trường bất động sản thì chưa có, trong khi hành vi này đang diễn ra rất tinh vi. Từ đó dẫn đến tình trạng bong bóng và giá trên trời. Cần phải cấm trong luật và đặc biệt có quy định cụ thể để loại trừ.
“Thao túng không chỉ qua việc đấu thầu giá cao rồi bỏ cọc mà còn dùng giá dự án này để kích giá dự án khác, tạo ra mặt bằng giá rất cao. Nếu chúng ta không xử lý triệt để thì sẽ tạo thành bong bóng bất động sản và dẫn tới sự cố vỡ nợ giống như vụ Evergrande ở Trung Quốc", ông An phân tích.
Tương tự, ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) cũng đề xuất bổ sung hành vi thao túng thị trường bất động sản vào dự án luật. Trong đó có việc cấu kết đấu giá quyền sử dụng đất, thổi giá các khu vực xung quanh.
Theo ông Thông, thời gian gần đây, hành vi này diễn ra khắp nơi làm giá đất tăng cao, người dân có nhu cầu thực sự không thể mua đất xây dựng nhà ở.
Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị tại phiên thảo luận. Ảnh: Như Ý |
Sàn giao dịch làm nhiễu loạn thị trường
Liên quan đến các quy định, ĐBQH Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) đề nghị cần chặt chẽ, tránh sơ hở và phải đáp ứng yêu cầu phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực này.
Ông nêu ví dụ, tại Khoản 6, Điều 7, dự thảo luật quy định về chính sách của Nhà nước đối với đầu tư kinh doanh bất động sản, đối với giao dịch bất động sản, Nhà nước cần thực hiện chính sách bắt buộc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt để đảm bảo thực hiện mục tiêu phòng chống tham nhũng.
Ngược lại, đại biểu cũng băn khoăn vì một số quy định như một loại “giấy phép con” đối với bất động sản đưa vào kinh doanh. “Quy định giấy phép con có lợi ích là bảo đảm sự an toàn của giao dịch nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ tiêu cực. Tuy nhiên, dự thảo không quy định về trách nhiệm của cơ quan nhà nước đối với việc xác nhận này”, ông Cường nói.
Trong khi đó, ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đề cập đến tình trạng sàn giao dịch “tay trái mua, tay phải bán”, làm nhiễu loạn thị trường, nên đề nghị luật lần này phải quy định chặt chẽ hơn, theo hướng sàn chỉ thực hiện chức năng trung gian, thu phí, chịu trách nhiệm về thông tin cung cấp, chứ không được tham gia vào mua, bán.
"Sàn chỉ được hưởng phí xác nhận giao dịch như công chứng và thù lao môi giới hai bên thoả thuận với nhau. Tôi đồng tình dự thảo luật không bắt buộc giao dịch qua sàn, nhưng người nào đã giao dịch qua sàn thì dùng giấy xác nhận đó, không phải qua công chứng nữa", ông Cường nêu.
ĐBQH Trịnh Xuân An cũng băn khi Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) lại không có bóng dáng của loại hình chung cư mini, vốn đã được nhắc đến rất nhiều lần.
"Hiện nay, loại hình này không chỉ xây rất nhiều tầng mà còn phân ra nhiều căn để cho thuê. Tôi cho rằng, để cho thuê, kinh doanh, cần phải có sự điều chỉnh trong luật này", ông Trịnh Xuân An.