Thảo luận Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia: Tranh luận gay gắt

ĐB Dương Trung Quốc
ĐB Dương Trung Quốc
TP - Cho ý kiến vào dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia tại Quốc hội (QH) ngày 23/5, ĐB Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) cho rằng, chẳng có sự đánh đổi nào cay đắng hơn sự đánh đổi giá trị sức khỏe, mạng sống, tương lai của con người, trong đó có phụ nữ và trẻ em. Nếu dùng rượu bia mà không thể kiểm soát tác hại của nó thì bất kỳ ai cũng có nguy cơ trở thành nạn nhân hoặc là tội phạm.

Nguy cơ thành nạn nhân hoặc tội phạm

Bất ngờ khi Dự thảo mới trình Quốc hội không còn quy định cấm bán rượu trên 15% độ cồn trên internet, ĐB Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) cho rằng, chẳng có sự đánh đổi nào cay đắng hơn sự đánh đổi giá trị sức khỏe, mạng sống, tương lai của con người, trong đó có phụ nữ và trẻ em. Nếu xác định kiểm soát quảng cáo để có tác động bảo vệ nhóm thanh, thiếu niên thì cần chú trọng hai vấn đề. Thứ nhất, hạn chế đến mức thấp nhất số lượng các em tiếp xúc với quảng cáo rượu bia và nước uống có cồn. Hai là, kiểm soát nội dung quảng cáo, nghĩa là làm sao cho các em không bị lầm tưởng rằng rượu bia là tốt, là được khuyến khích sử dụng.

Từ thực tiễn khảo sát nhóm trẻ em từ 12 đến 16 tuổi về các loại thức uống hiện nay mà các em thường dùng, ĐB cho biết, có tới 83% ý kiến trong phần liệt kê đã nhắc nhiều đến một số đồ uống có cồn. Đến 87,6% ý kiến các em không nhận biết được đó là đồ uống có nồng độ cồn từ 4,5% trở lên. 70% số trẻ em khi được hỏi sâu về cảm giác sau khi uống đều trả lời rằng “con thấy hơi lâng lâng” hoặc “con thấy hơi chóng mặt, tim đập nhanh”. Nhưng nguy hại ở chỗ, gần 80% trẻ đều lựa chọn có thể vẫn tiếp tục dùng vì nó được giới thiệu, quảng cáo là “nước trái cây có ga”, “nước hoa quả lên men”. Điều này có phần trái với việc nghiêm cấm “cung cấp thông tin không chính xác, sai sự thật về ảnh hưởng của rượu bia đối với sức khỏe” quy định tại dự luật này. 

ĐB đề nghị quy định độ cồn từ 4% trở lên thay cho mốc 5,5% và khung giờ quảng cáo cần phải điều chỉnh lại từ 18h-21h. “Nếu đặt mình vào từng gia cảnh, từng thân phận con người đang đối mặt với những mất mát đau thương, kể cả những người vì rượu bia mà vướng vào vòng lao lý, chúng ta sẽ hiểu được nỗi đau hay bản án lương tâm mà họ đang phải trải qua mỗi ngày”, ĐB Hiền kêu gọi. Theo bà, nếu dùng rượu bia mà không thể kiểm soát tác hại của nó thì bất kỳ ai cũng có nguy cơ trở thành nạn nhân hoặc tội phạm.

Coi rượu bia là tội đồ - không công bằng?!

Giơ biển xin tranh luận, ĐB Nguyễn Sĩ Cương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cho biết, thời gian qua, nhiều tổ chức nước ngoài đã có văn bản góp ý về dự luật. Ủy ban Đối ngoại cũng tổ chức tọa đàm với một số tổ chức trong, ngoài nước. Liên quan đến quy định cấm bán và quảng cáo rượu, bia trên internet “họ nói rằng không nên coi đó là vi phạm, nó không đơn thuần là quảng cáo mà đưa lên Internet chỉ là công cụ kinh doanh”. “Người ta kinh doanh mặt hàng được phép, đúng pháp luật thì tại sao đưa ra quy định cấm? Chúng tôi thấy cần cân nhắc thấu đáo, nhất là trong bối cảnh chúng ta đã đang và sẽ ký rất nhiều hiệp định thương mại tự do với các nước”, ông Cương nói.

Tiếp tục tranh luận, ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho rằng, nhiều ĐB đang coi ngành sản xuất rượu, bia như “tội đồ” thì không công bằng. Hàng năm, ngành rượu bia đóng góp hàng chục nghìn tỷ đồng cho ngân sách, giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục nghìn người. Lạm dụng rượu bia ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, cần phải ban hành luật, nhưng không nên phủ nhận hoàn toàn lợi ích của ngành sản xuất này. “Chúng ta phải tính toán đến vấn đề xã hội, phát triển kinh tế - xã hội và có lộ trình, không phải bỏ toàn bộ, cấm đoán hoàn toàn”, ông Xuyền phát biểu. Theo ông, “sử dụng rượu, bia là văn hoá hàng đời nay. Bây giờ cách ứng xử của chúng ta cũng phải văn hóa, còn nếu là luật cũng chưa phải là giải pháp tối ưu”.

Đồng tình với quan điểm trên của ĐB Xuyền, ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) nêu, rượu, bia là văn hóa của cả nhân loại, tại sao lại đưa lên “đoạn đầu đài”. “Tôi hoàn toàn tán thành luật này rất cần thiết. Chúng ta cần nhận thức tất cả tác hại của rượu, bia, thậm chí có chế tài nặng hơn nhưng nên coi năng lực quản lý, kiểm soát từ sản xuất, tiêu thụ, sử dụng là hàng đầu. Nếu làm được như thế sẽ bền vững, khai thác được mặt tích cực của bia, rượu trên thị trường cũng như trong đời sống”, ĐB Quốc cho hay. Từ lập luận trên, ông Quốc đề nghị phải tỉnh táo để có cách đặt vấn đề đúng đắn. “Sức khoẻ không chỉ thuần túy là sức khỏe về thể trạng mà còn sức khỏe về tinh thần, chất lượng sống. Chúng tôi mong nhìn nhận một cách hết sức khách quan, phù hợp với xu thế, đừng cực đoan, đừng cục bộ”, ông Quốc nói thêm.

Tiếp thu ý kiến, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến mong luật này ban hành sớm để đáp ứng yêu cầu cấp thiết mà cử tri đã đề ra. Bộ trưởng giải trình thêm rằng, trên thế giới có 155 nước đã xây dựng luật về vấn đề này, có những nước đã điều chỉnh lần 2. Ban soạn thảo đã tiếp thu trên bình diện là bảo vệ sức khỏe và tính đến các ảnh hưởng của xã hội, nhưng cũng bảo đảm sự phát triển của ngành công nghiệp rượu, bia, có lộ trình thích ứng từ từ; có những giải pháp xử lý hành chính nghiêm khắc hơn, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa các luật. 


“Nếu đặt mình vào từng gia cảnh, từng thân phận con người đang đối mặt với những mất mát đau thương, kể cả những người vì rượu bia mà vướng vào vòng lao lý, chúng ta sẽ hiểu được nỗi đau hay bản án lương tâm mà họ đang phải trải qua mỗi ngày”.

 ĐB Phạm Thị Minh Hiền 


“Sức khỏe không chỉ thuần túy là sức khỏe về thể trạng mà còn sức khỏe về tinh thần, chất lượng sống. Chúng tôi mong nhìn nhận một cách hết sức khách quan, phù hợp với xu thế, đừng cực đoan, đừng cục bộ”.


ĐB Dương Trung Quốc


Vẽ đường cho hươu chạy?

Quan tâm các quy định hạn chế phổ biến rượu bia đối với trẻ em, ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) không đồng tình với việc bỏ quy định đã từng được thể hiện trong dự thảo luật là “cấm bán rượu bia có nồng độ cồn từ 15% trở lên trên internet”. Theo ĐB Nhân, trước thực trạng internet và độ tuổi tiếp cận ngày càng trẻ hoá thì việc bỏ quy định cấm bán rượu, bia trên internet có phải là “vẽ đường cho hươu chạy”? “Báo cáo giải trình nói rằng không hợp thông lệ, tạo rào cản phát triển doanh nghiệp mà quên mất nguy cơ ảnh hưởng đến trẻ em. Cho phép bán rượu, bia trên internet, trong khi biện pháp kiểm soát là không thể, đây là sự mâu thuẫn, sự cài cắm hay sự thiếu sót đầy ngụ ý về kỹ thuật lập pháp?”, ông Nhân băn khoăn.


MỚI - NÓNG