Tại phiên hop các đại biểu đã cho ý kiến về tính khả thi của luật phòng chống tác hại của rượu, bia trước khi trình ra Quốc hội
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, cho rằng hành vi lạm dụng rượu bia cần được nhấn mạnh. Tuy nhiên, rượu, bia không phải là đối tượng, do đó phải chống con người chứ không thể chống rượu, bia. “Rượu đã có đời sống văn hóa riêng cả nghìn năm nay, phải làm sao tạo ra đời sống văn hóa lành mạnh, chứ không phải chúng ta coi rượu bia là là độc dược phải loại bỏ. Văn hóa rượu nó cao vô cùng. Đặc biệt với cán bộ công chức nói thì phải làm được”, ông Nhưỡng nói.
Về tính khả thi của luật, ông Nhưỡng cho rằng nếu luật ra đời không khả thi thì cả xã hội sẽ rất mất công sức, tốn kém kinh phí. Do đó phải làm rõ cấm ai? Phạm vi, đối tượng nào? Ai được giao thực hiện, cơ chế ra sao ? Phải làm rõ khái niệm “lạm dụng”. Chủ thể nào là lạm dụng? Thời gian, số lượng như thế nào?
“Phải xây dựng một thứ văn hóa dùng rượu. Xã hội chúng ta cần cái đó, chứ không phải rình rình để xử phạt”, ông Nhưỡng nói
Ông Nguyễn Thanh Xuân, Phó đoàn ĐBQH tỉnh Cần Thơ cho biết: Tại các buổi tiếp xúc cử tri, ông có nêu luật này ra, nhưng cử tri bàn tán rất nhiều, đa số không đồng tình, không yên tâm về tính khả thi. Lấy ý kiến một số cơ quan mang tính đại diện thì sự đồng thuận không cao. Do đó ông Xuân đề nghị hết sức cân nhắc và cẩn trọng ra đời bộ luật có ảnh hưởng đến toàn xã hội này.
“Chúng ta đừng xem đơn giản chuyện này. Quan điểm của tôi là không nên ra luật thời điểm này. Trước mắt ra nghị định, rồi tiếp tục xem xét” ông Xuân kiến nghị
Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Nguyễn Hoàng Mai cho rằng: quy định phải ghi cảnh báo trên bao bì, nhãn rượu bia liệu có khả thi. Không biết sẽ ghi cảnh báo như thế nào? Uống bao nhiêu ly rượu, bao nhiêu chai bia là an toàn?
Giải trình ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: Bộ được giao nhiệm vụ xây dựng luật này mong muốn bảo vệ sức khỏe người dân chứ không mong muốn hủy hại hệ thống sản xuất, văn hóa ẩm thực. Hiện nay, hơn 100 nước đã có luật này, kể cả những nước là quê hương sản xuất rượu trên thế giới. Trước mắt hạn chế rượu bia để giảm thiểu vấn nạn tai nạn giao thông. Đây là vấn đề khẩn cấp.
Theo Bộ trưởng Tiến, nếu như không có luật phòng chống tác hại thuốc lá cách đây 5 năm thì tỷ lệ người chết do thuốc lá sẽ còn rất cao. Nhưng từ khi có luật này tỷ lệ này giảm, nhất là tỷ lệ người hút thuốc thụ động. Tác động của luật này ngày càng lớn và đang ở giai đoạn truyền thông là chủ yếu.
Đối với Luật phòng, chống tác hại rượu, bia bà Tiến cho rằng: luật không cấm sản xuất, nên không ảnh hưởng đến sản xuất của doanh nghiệp. Luật nhằm giảm mức tiêu thụ, tính sẵn có và kiểm soát vấn đề quảng cáo, từ đó giảm tác hại của rượu, bia. “Bộ Y tế liên quan đến vấn đề sức khỏe, chỉ làm sao giúp con người khỏe hơn. Muốn khỏe hơn phải giảm tiếp cận, tiêu thụ và kiểm soát. Không thể lúc nào cũng có. Trường học, bệnh viện cũng có rượu, bia”, Bộ trưởng Tiến cho biết
Liên quan đến tên gọi của luật, Bộ trưởng cho biết sẽ “trung thành” với tên "luật phòng, chống tác hại của rượu, bia". Tên gọi không ảnh hưởng đến văn hóa ẩm thực đâu, đơn giản, dễ hiểu, mang tính toàn diện.
Các ý kiến đóng góp của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ y tế ghi nhận và ban soạn thảo luật sẽ có những điều chỉnh cho phù hợp.