Nối nghiệp gia đình nuôi bò sữa
Chăn nuôi bò sữa theo nông hộ ở Mộc Châu (Sơn La) đang là mô hình được đánh giá rất thành công hiện nay ở nước ta. Thực tế, cùng với Lâm Đồng, vùng cao nguyên Mộc Châu là nơi có nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi để trồng ngô, cỏ, cây thức ăn chăn nuôi… phục vụ cho phát triển đàn bò sữa.
Tại Cty CP Giống bò sữa Mộc Châu, mô hình khoán đến hộ chăn nuôi, giúp người chăn nuôi bò sữa tự chủ trong sản xuất đã được thực hiện nhiều năm nay. Tổ chức sản xuất của Cty theo mô hình khép kín: Từ khâu trồng cỏ, chăn nuôi bò sữa, vắt sữa, tổ chức thu mua đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm sữa trên thị trường.
Do điều kiện tự nhiên thuận lợi, được sự hỗ trợ tối đa từ Cty, nhiều gia đình, nhất hộ gia đình trẻ đã tích cực trong việc mở rộng quy mô đàn. Anh Nguyễn Văn Hải, quê ở Quỳnh Phụ (Thái Bình) lên Mộc Châu lập nghiệp từ năm 2003. Anh cho biết, nhờ có sự hỗ trợ rất lớn của Cty, mỗi năm anh đều tăng quy mô đàn bò của gia đình mình. Năm 2003, anh Hải nuôi gần 20 con, nay đã có trên 50 con bò sữa.
Trong đó, trung bình có 30 con cho sữa, với sản lượng sữa vắt được khoảng 8 tạ/ngày, bán cho Cty thu về được hơn 10 triệu đồng mỗi ngày tức là doanh thu hằng năm lên đến gần 3 tỷ đồng. Anh Hải chia sẻ: “Nghề nuôi bò sữa vất vả, gần như không có ngày nghỉ. Thế nhưng, mình yêu nghề, chăm sóc đàn bò tốt, thì nó cũng không phụ mình”.
Nhờ áp dụng phối hợp khẩu phần thức ăn phù hợp nhất cho từng loại, nâng cao dinh dưỡng cho đàn bò, giúp nâng cao năng suất sữa của đàn bò đạt 7 tấn/chu kỳ. Hiện, ở Mộc Châu có những bò cao sản vắt sữa 3 lần/ngày đạt 9 - 11 tấn/chu kỳ; năng suất sữa đạt 35 - 40 kg/con/ngày, con cao nhất đạt 76 kg/con/ngày.
Anh Hải cho hay, khi mới bắt đầu nghề này, với vốn kinh nghiệm ít ỏi, việc xây dựng chuồng trại và chăm sóc đàn bò chưa đúng tiêu chuẩn của Cty, có những giai đoạn anh đã gặp rất nhiều khó khăn. “Bò là động vật dễ bị tổn thương trong một số thời kỳ, những con như vậy tôi buộc phải thải loại. Rất may là tôi đã tham gia chương trình bảo hiểm bò sữa của Cty. Tiền bán bò thải và tiền bảo hiểm của công ty đủ mua một con bê thay thế cho con bò đã bị thải”- anh nói. Sau đó, anh Hải vay mượn, đầu tư làm lại chuồng trại bài bản, mua máy cày, máy thái ngô với số vốn đầu tư hơn 800 triệu đồng...
Còn anh Phan Doãn Huấn, sau khi tốt nghiệp đại học năm 2007, đã quyết định về nối nghiệp gia đình để phát triển đàn bò sữa. Anh cho biết, sau một năm về quê, anh đã mở rộng quy mô đàn, từ 30 con lên 50 con. Hiện, đàn bò gia đình anh Huấn đã trên 70 con, cho doanh thu trung bình khoảng hơn 4 tỷ đồng/năm.
Ông Phạm Văn Nhán, Phó Tổng Giám đốc Cty CP Giống bò sữa Mộc Châu cho biết: Hiện Cty tiếp tục hoàn thiện việc khoán hộ, nâng quy mô đàn bò bình quân lên 35 - 50 con/hộ, trong đó nâng số hộ nuôi từ 80 - 100 con/hộ chiếm 25 - 30%.
Theo ông Nhán, để thực hiện mục tiêu trên, Cty có chính sách hỗ trợ cho các hộ từ 700 - 1.000 đồng/kg thức ăn tinh bột và cỏ Alfalfa; cho vay vốn từ 50 - 70% khi các hộ đầu tư mở rộng phát triển sản xuất, hỗ trợ 5 triệu đồng/con bò được mua về. Ngoài ra, đội ngũ kỹ thuật của Cty cũng hỗ trợ người nuôi về tiêm phòng, thụ tinh nhân tạo và trả thưởng giá sữa hàng tháng đối với những hộ đạt chỉ tiêu sản lượng và chất lượng. Đặc biệt, nhiều năm qua Cty triển khai thành công bảo hiểm bò sữa và giá sữa, giúp người dân yên tâm chăn nuôi.
Đưa tiến bộ mới vào chăn nuôi
Tăng đàn bò trên thảo nguyên Mộc Châu trong thời gian tới lên 17.000 - 20.000 con bò sữa, với sản lượng sữa đạt 100.000 tấn; đến năm 2020 đạt 35.000 - 40.000 con, sản lượng sữa đạt 180.000 đến 200.000 tấn/năm… là một tham vọng lớn của Cty CP giống bò sữa Mộc Châu. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Cty, kế hoạch tăng đàn trên hoàn toàn có thể thực hiện được nhờ ứng dụng công nghệ mới, cải tiến kỹ thuật; tạo ra những sản phẩm và dịch vụ mới có sức cạnh tranh trong nước.
Ông Trần Công Chiến, Chủ tịch, Tổng giám đốc Cty cho biết, Mộc Châu đã liên kết với Viện Chăn nuôi Quốc gia, Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội, Cục Chăn nuôi và nhiều chuyên gia nước ngoài để triển khai các chương trình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng trong chăn nuôi và quản lý đàn bò sữa.
Theo ông, Cty đã thành công trong việc nhập và thụ tinh nhân tạo bằng tinh bò phân định giới tính. Kết quả đàn bò của các hộ chăn nuôi đã đạt trên 86% bê cái sinh ra. Cty đã cho nhập tinh của những con bò đực giống từ Mỹ, Canada, Israel có ưu thế như năng suất sữa từ 12 – 15 tấn/chu kỳ.
Đặc biệt, Cty đã đưa vào hoạt động nhà máy chế biến sản xuất thức ăn hỗn hợp TMR- công nghệ hiện đại của Hàn Quốc. Đây là loại thức ăn được phối trộn sẵn theo khẩu phần đầy đủ và cân đối chất dinh dưỡng đối với từng nhóm bò. Hiện loại thức ăn này đã cung cấp cho đàn bò của các hộ tại nông trường Mộc Châu.