NHNN đã yêu cầu cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra thực trạng và hoạt động đầu tư TPDN của các tổ chức tín dụng. Theo đó, có 8 ngân hàng thương mại, gồm Techcombank, HDBank, TPBank, SHB, PVComBank, VietBank, SeABank và Baoviet Bank bị thanh tra việc đầu tư TPDN. Đây là hoạt động thanh tra chuyên ngành, nhằm mục đích phát hiện những sơ hở, bất cập trong quản lý, điều hành, cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật về tiền tệ và ngân hàng. Từ đó kiến nghị cấp có thẩm quyền chấn chỉnh, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách, nhằm hạn chế rủi ro có nguy cơ gây mất an toàn trong hoạt động tổ chức tín dụng.
Nắm lượng lớn TPDN
Việc thanh tra diễn ra trong bối cảnh các ngân hàng thường xuyên nằm trong nhóm doanh nghiệp (DN) có số dư phát hành và đầu tư trái phiếu lớn nhất thị trường. Như trong tháng 4/2022, trong số 23 đợt phát hành TPDN riêng lẻ với giá trị 16.472 tỷ đồng, có tới 14.940 tỷ (91%) là trái phiếu do các ngân hàng thương mại phát hành. Theo báo cáo tài chính của 24 ngân hàng, tổng số dư trái phiếu các tổ chức kinh tế mà các ngân hàng đầu tư tính đến hết 31/3 là hơn 344.000 tỷ đồng, tăng 22% so với cuối năm trước đó.
Theo số liệu của NHNN đến cuối năm 2021, có 41 ngân hàng nắm giữ 274.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên trên thực tế, hơn 75% TPDN do 10 ngân hàng lớn nắm giữ, gồm Techcombank, MB, VPBank, TPBank, BIDV, Vietcombank, VietinBank, HDBank, ABBank, SeABank. Trong đó, tại nhiều ngân hàng, tỷ lệ trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ trị giá đã vượt 10% tổng tài sản.
Trong đó, Techcombank là ngân hàng nắm giữ lượng TPDN nhiều nhất với 76.583 tỷ đồng, tăng 22% so với cuối năm 2021. Mức tăng mạnh của TPDN đã đẩy tỷ trọng TPDN trên tổng tín dụng của Techcombank tăng từ mức 15,3% cuối năm 2021 lên 17,4% cuối quý 1/2022 và đây là tỷ trọng cao nhất trong khối ngân hàng niêm yết. Không chỉ năm 2022, Techcombank là cái tên nổi bật nhất trong các mảng mua trái phiếu và mảng dàn xếp, tư vấn phát hành trái phiếu cho các DN trong nhiều năm qua. Báo cáo tài chính của Techcombank cho thấy, chỉ sau 4 năm, dòng tiền đổ vào trái phiếu tăng gần gấp đôi.
Tương tự, lượng TPDN của TPBank tại thời điểm 31/3 là 27.589 tỷ đồng, tăng 49% so với hồi đầu năm. Chỉ trong 3 tháng đầu năm, TPBank đã “ôm” thêm 9.000 tỷ đồng TPDN. Trong khi đó, tổng lưu chuyển tiền thuần trong quý 1 âm hơn 11.012 tỷ đồng, tiền gửi không kỳ hạn tại TPBank sụt giảm 12% (gần 3.739 tỷ đồng), xuống còn 27.036 tỷ đồng.
Tại SHB, tổng giá trị đầu tư TPDN của ngân hàng này tính đến 31/3 là 6.600 tỷ đồng. Trong đó, số dư đầu tư TPDN ngành bất động sản lên tới 4.100 tỷ đồng. Số dư đầu tư TPDN tại các ngân hàng trong quý 1 cũng tăng mạnh, như HDBank tăng 14%, đạt gần 24.800 tỷ; SHB tăng 148%, đạt hơn 17.200 tỷ; SeABank tăng 35%, đạt gần 6.200 tỷ đồng…
Phải gắn thêm tài sản
Theo hồ sơ của Tiền Phong, lượng TPDN các ngân hàng hay công ty chứng khoán đầu tư hầu hết là trái phiếu “4 không” hoặc được bảo đảm bằng chính cổ phiếu doanh nghiệp. Khi giá cổ phiếu lao dốc, các trái chủ yêu cầu DN tiếp tục gán thêm hoặc bán giải chấp cổ phiếu để thu hồi nợ.
Giá cổ phiếu giảm sâu, Công ty CP Phát triển bất động sản Phát Đạt phải bổ sung thêm cổ phiếu làm tài sản đảm bảo |
Điển hình, giữa tháng 3 vừa qua, Công ty CP Phát triển bất động sản Phát Đạt (mã chứng khoán: PDR) phát hành 5.000 trái phiếu có mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu, thu về 500 tỷ đồng. Trái phiếu này có kỳ hạn 2 năm và ngày đáo hạn là 23/12/2023. Khi phát hành đợt trái phiếu này, PDR sử dụng khoảng 10 triệu cổ phiếu PDR của ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT Công ty làm tài sản bảo đảm. Giá thị trường của cổ phiếu PDR khi đó dao động quanh ngưỡng 90.000 đồng/cổ phiếu.
Đến tháng 4, sau khi PDR chia cổ tức bằng cổ phiếu 36%, số cổ phiếu cầm cố tăng lên gần 15 triệu cổ phiếu và giá điều chỉnh về mức khoảng 70.000 đồng/cổ phiếu. Sau đó, giá cổ phiếu PDR liên tục lao dốc theo đà giảm của thị trường và ngày 1/6 giao dịch quanh mốc 53.000 đồng/cổ phiếu. Theo quy định của hợp đồng cầm cố cổ phần, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đã tính giá bình quân gia quyền khối lượng 5 phiên gần nhất của PDR với kết quả là 55.013 đồng, tương đương với giá trị của tài sản bảo đảm chỉ còn 823 tỷ đồng. Điều này khiến tỷ lệ tài sản bảo đảm trên dư nợ gốc trái phiếu rơi xuống 164%, thấp hơn mức yêu cầu tối thiểu là 180%. Giá cổ phiếu PDR lao dốc khiến PDR phải bổ sung thêm 1,7 triệu cổ phiếu theo yêu cầu của Công ty Chứng khoán Bản Việt.
PDR không phải là DN duy nhất phải bổ sung thêm cổ phiếu làm tài sản đảm bảo. Từ đầu năm đến nay, thị trường chứng khoán trải qua một đợt điều chỉnh mạnh, tác động không nhỏ tới các DN huy động vốn sử dụng cổ phiếu làm tài sản đảm bảo. Cụ thể, Công ty CP Vinhomes (VHM) thông báo vừa nộp tài sản đảm bảo bổ sung cho lô trái phiếu mệnh giá gần 2.100 tỷ đồng. Tập đoàn Novaland (NVL) cũng phải bổ sung tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu có tổng mệnh giá 1.300 tỷ đồng…
Phát hành để đảo nợ
Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI, các ngân hàng và công ty chứng khoán là những nhà đầu tư lớn nhất trên thị trường sơ cấp khi nắm giữ đến 52% tổng lượng TPDN phát hành trong năm 2021. Tổng lượng TPDN phát hành trong quý 1/2022 đạt 61.900 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2021. SSI dự báo, nhu cầu phát hành trái phiếu vẫn rất dồi dào trong năm 2022. Nguyên nhân, số TPDN đáo hạn trong hai năm 2022-2023 khoảng 540.000 tỷ đồng, dẫn đến nhu cầu phát hành để đảm bảo vòng quay vốn của các doanh nghiệp rất cao.
Ông Hoàng Kim Hoài, Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản Phúc Điền Land nói rằng, việc một số ngân hàng ồ ạt mua TPDN trong thời gian qua là để đảo nợ, cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp. Việc này giúp cả DN và ngân hàng đều có lợi. Cụ thể, nếu đến kỳ trả nợ mà không có tiền thì việc phát hành trái phiếu sẽ giúp DN trả nợ đúng hạn, không bị ảnh hưởng đến xếp hạng tín dụng. Với ngân hàng, TPDN là cách giúp các nhà băng vừa lách luật để cho DN bất động sản vay tiền nhưng tránh được lệnh siết cho vay vào lĩnh vực rủi ro, làm sạch bảng cân đối tài chính.
“Nếu DN mất khả năng thanh toán, không trả được nợ thì tài sản bảo đảm sẽ được xử lý. Tuy nhiên, cũng không dễ định giá được các tài sản bảo đảm, nhất là với những tài sản được hình thành trong tương lai và cổ phần DN khi chưa niêm yết. Chưa kể, khi doanh nghiệp xảy ra biến cố, giá trị cổ phiếu dùng làm tài sản đảm bảo cũng sẽ sụt giảm nghiêm trọng và người hứng chịu rủi ro chính là nhà đầu tư”, ông Hoài nói.
Hiện nay, khi Thông tư 16/2021 hạn chế ngân hàng mua TPDN, các ngân hàng đã lách bằng việc đẩy mối làm ăn này cho công ty chứng khoán trong cùng hệ sinh thái. Nhiều "cái tên" gắn liền với thương hiệu ngân hàng như Chứng khoán MB (MBS), Chứng khoán ACB (ACBS), Chứng khoán Kỹ thương (TCBS)… Hoạt động kinh doanh trái phiếu đang đem lại lợi nhuận rất lớn cho các công ty chứng khoán. Điển hình, Công ty CP Chứng khoán Tiên Phong (TPS) với sự hậu thuẫn của TPBank đã đạt lãi sau thuế năm 2021 hơn 214 tỷ đồng, gấp 2,4 lần cùng kỳ.