Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Chúng ta cần làm gì?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trong dài hạn, trái phiếu doanh nghiệp phải được định hướng là kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế theo đúng định hướng của Chính phủ và giảm áp lực cung ứng vốn cho tín dụng ngân hàng. Để thị trường phát triển lành mạnh, cần có quy định về xếp hạng tín nhiệm, đây là một khía cạnh cần phải nghiên cứu, xem xét đầy đủ, mặc dù xếp hạng tín nhiệm là rất cần thiết.

Chấn chỉnh là cần thiết

Giai đoạn năm 2017-2021, tốc độ phát triển bình quân của thị trường trái phiếu doanh nghiệp khoảng 46% và riêng trong năm 2021, con số này là 56%. Còn 3 tháng đầu năm 2022, tốc độ tăng trưởng của thị trường cũng rất cao, nhưng đến tháng 4 đã sụt giảm mạnh, trong đó, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản gần như vắng bóng khỏi thị trường.

Nhìn nhận về những lỗ hổng trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian vừa qua, có hai mặt đó là cơ chế pháp lý và cơ chế quản lý. Về mặt pháp lý, các quy định của Nghị định 153/2020/NĐ-CP hiện nay kế thừa các quy định trước đây đã có những đổi mới, tuy nhiên chưa phù hợp với điều kiện phát triển của nền kinh tế và thói quen của thị trường trái phiếu mới hình thành tại Việt Nam. Vì thế dẫn đến việc quản lý theo dõi còn có nhiều vấn đề.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Chúng ta cần làm gì? ảnh 1
Để thị trường trái phiếu thành kênh dẫn vốn tốt hơn, cần có những tiêu chí xếp hạng tín nhiệm tốt để nhà đầu tư lựa chọn

Chúng tôi cho rằng, việc chấn chỉnh cả về luật pháp, cơ chế thực hiện thanh kiểm tra giám sát là điều cần thiết, để thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể trở thành một kênh huy động vốn trung hạn dài hạn cho nền kinh tế.

Nếu theo tinh thần của phát hành trái phiếu trên thị trường quốc tế, thì Nghị định 153/2020/NĐ-CP tương đối tương đồng với quy định của nhiều quốc gia phát triển. Tuy nhiên, nếu áp vào điều kiện của Việt Nam với một thị trường tương đối mới, các nhà đầu tư cũng mới, nhận thức hiểu biết về trái phiếu chưa đầy đủ. Trên thị trường quốc tế, với thị trường chứng khoán chưa chính thức (OTC), việc các doanh nghiệp tự phát hành, tự bán trên thị trường là điều bình thường, thậm chí không cần thông qua sở giao dịch chứng khoán. Vì thế, họ cũng không cần phải có thông báo về kết quả kinh doanh cũng như tình hình tài chính doanh nghiệp,... Nhưng trên thị trường này, những người mua trái phiếu là những nhà đầu tư chuyên nghiệp, họ biết khi tham gia vào thị trường có rủi ro và cũng có bù đắp lợi nhuận thích đáng.

Cần có xếp hạng tín nhiệm

Trong dài hạn, trái phiếu doanh nghiệp phải được định hướng là kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế theo đúng định hướng của Chính phủ và giảm áp lực cung ứng vốn cho tín dụng ngân hàng. Bên cạnh đó, nhu cầu vốn vay qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp dự kiến sẽ ở mức cao, nhưng để đáp ứng được kỳ vọng và trở thành kênh dẫn vốn hiệu quả cho nền kinh tế thì còn nhiều việc phải làm. Đặc biệt là có quy định thế nào phù hợp với quy định chung là điều quan trọng.

Cần phải chú trọng phát triển thị trường OTC, quy định điều kiện bán chứng khoán lần đầu và quy định về mua đi bán lại của các doanh nghiệp niêm yết. Đây là những điều rất quan trọng nhằm tạo ra dòng chảy vốn tốt hơn. Chính việc mua đi bán lại sẽ tạo thuận lợi cho các thành phần tham gia cũng như cơ quan giám sát.

Đến nay, Nghị định 153 tiếp tục lần sửa thứ năm nhưng vẫn còn có nhiều vấn đề. Ví dụ như: Thứ nhất, quy định công ty mẹ không được phát hành trái phiếu doanh nghiệp để sau đó tài trợ cho công ty con trong hoạt động. Điều này không hợp lý và cần phải xem xét vì nhiều công ty con mới thành lập, khả năng tài chính yếu, tín nhiệm thấp trên thị trường, thì công ty mẹ phát hành và chuyển vốn cho công ty con là hợp lý. Do đó, nên có những quy định rộng rãi hơn để các tập đoàn lớn có thể làm việc này một cách đơn giản.Thứ hai, có quy định về xếp hạng tín nhiệm, đây là một khía cạnh cần phải nghiên cứu, xem xét đầy đủ, mặc dù xếp hạng tín nhiệm là rất cần thiết.

Tại Việt Nam, vì rất nhiều nhà đầu tư có nhận thức chưa đầy đủ và thiếu hiểu biết về thị trường, nên cần thiết phải có một bên thứ ba đứng ra, giúp các nhà đầu tư phân tích được tình hình tài chính doanh nghiệp, phân tích được rủi ro và lợi nhuận. Chính cơ quan xếp hạng tín nhiệm làm việc này là tốt nhất, bởi vì xếp hạng tín nhiệm hoàn toàn khác với kiểm toán, kiểm toán là chỉ kiểm trong một thời điểm nhất định, còn xếp hạng tín nhiệm sẽ phải làm liên tục trong cả một quá trình. Cho nên, so sánh, đối chiếu và khuyến nghị mà cơ quan xếp hạng đưa ra sẽ tương đối sát với tình hình thực tế của doanh nghiệp, giúp các nhà đầu tư có được cái nhìn tổng thể về doanh nghiệp phát hành trái phiếu, lịch sử tài chính,... hỗ trợ việc đầu tư chuẩn xác hơn. Còn về mục đích phát hành, cũng như yêu cầu giám sát là một trong những vấn đề cần có cơ chế hợp lý hơn.

Để thị trường phát triển lành mạnh, có hiệu quả thực sự, chúng ta cần tạo ra nhiều sản phẩm hơn nữa, từ đó thu hút các nhà đầu tư cá nhân tham gia trên cơ sở đa dạng hóa và giảm thiểu rủi ro. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp chỉ thực sự trở thành kênh dẫn vốn trực tiếp nếu có sự tham gia của các nhà đầu tư cá nhân. Bên cạnh các quy định về công khai, minh bạch thông tin, cũng như các quy định về an toàn tài chính, thì việc phát triển của các sản phẩm tài chính có mức lãi suất hấp dẫn, đồng thời mức độ rủi ro hợp lý là rất cần thiết.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.