Thanh tra kiến nghị thu hồi hơn 312.000 tỷ đồng

TP - Từ giữa năm 2011 đến giữa năm 2019, ngành Thanh tra kiến nghị thu hồi 312.829 tỷ đồng và 357.455 ha đất.

Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa đăng tải dự thảo Báo cáo tổng kết và dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Thanh tra (sửa đổi) trên cổng thông tin điện tử của TTCP để xin ý kiến góp ý cho dự thảo này.

Theo dự thảo, việc ban hành Luật Thanh tra năm 2010 là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, thúc đẩy quá trình đổi mới về tổ chức và hoạt động thanh tra. Trên cơ sở đó, tổ chức và hoạt động của các cơ quan thanh tra ngày càng được kiện toàn theo hướng chuyên nghiệp và hiệu quả, cũng như khẳng định được vị trí, vai trò là công cụ hữu hiệu giúp thủ trưởng cơ quan cùng cấp trong công tác quản lý nhà nước.

TTCP đánh giá, tổ chức thanh tra không ngừng được củng cố, kiện toàn, hoàn thiện từ Trung ương đến địa phương; hoạt động thanh tra thường xuyên được đổi mới, ngày càng hiệu quả, các cơ quan thanh tra đã tiến hành hàng nghìn cuộc thanh tra trên các lĩnh vực, phát hiện nhiều sai phạm, những sơ hở, yếu kém trong công tác quản lý, những hạn chế, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật để kiến nghị giải pháp sửa chữa, khắc phục, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân.

Từ 1/7/2011 đến 30/6/2019, toàn ngành thanh tra triển khai 61.860 cuộc thanh tra hành chính và 1.668.899 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua đó, kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 312.829 tỷ đồng và 357.455 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 279.998 tỷ đồng, 30.842 ha đất. Đồng thời, kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 12.651 tập thể, 33.315 cá nhân; xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 32.340 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 669 vụ, 886 đối tượng...

Giám sát hoạt động thanh tra còn nặng hình thức

Ngành Thanh tra đã đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 27.760 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra, thu hồi và xử lý khác 41.222 tỷ đồng, 13.810 ha đất. Kết quả nêu trên cho thấy, về cơ bản, các cơ quan, đơn vị đã chấp hành và thực hiện tương đối đầy đủ, nghiêm túc, nhất là việc xử lý sai phạm về kinh tế. Tuy nhiên, việc xử lý kỷ luật, khắc phục sơ hở, yếu kém, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật còn chậm, chưa kịp thời, chưa đầy đủ, thậm chí có nơi còn chưa nghiêm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, TTCP cũng thẳng thắn nhìn nhận, sau gần 10 năm thực hiện, Luật Thanh tra cũng bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Biên chế của các cơ quan thanh tra, nhất là thanh tra cấp huyện còn hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Việc giám sát hoạt động thanh tra là cần thiết, nhằm tránh lạm quyền, gây khó khăn, phiền hà cho đối tượng thanh tra, song việc giám sát còn mang nặng tính hình thức, thiếu thực chất và chưa hiệu quả.

TTCP đánh giá, phương pháp, cách thức chỉ đạo, điều hành hoạt động thanh tra chậm đổi mới, chưa thực sự hiệu quả; nhiều cuộc thanh tra chưa đáp ứng quy định về thời hạn, nhất là về thời hạn báo cáo kết quả thanh tra, ban hành kết luận; quy trình nghiệp vụ, đạo đức công vụ trong hoạt động thanh tra chưa thực hiện đầy đủ, nghiêm minh, có biểu hiện thiếu khách quan, minh bạch, một số cuộc thanh tra đã có những hiện tượng vi phạm pháp luật đến mức bị xử lý.

MỚI - NÓNG