Đoàn gồm 7 thành viên do ông Nguyễn Hữu Nhường, Phó vụ trưởng Vụ III làm trưởng đoàn sẽ thực thanh tra công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam giai đoạn khi bắt đầu cổ phần hóa (năm 2014) đến khi thành lập Cty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam (tháng 6/2017), có thể xem xét trước hoặc sau thời kỳ này khi cần thiết. Đoàn thanh tra thực hiện trong 30 ngày kể từ khi công bố quyết định (không kể ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định). TTCP cũng giao Vụ Giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra giúp Tổng Thanh tra Chính phủ giám sát hoạt động của đoàn thanh tra.
Trước đó, một số cán bộ, diễn viên Cty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim Việt Nam, Hội Điện ảnh Việt Nam có kiến nghị lên Chính phủ về việc cổ phần hóa hãng phim. Sau phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào đầu năm 2016, Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) chỉ bán được 115.000 cổ phần trong tổng số 525.000 cổ phần đem ra chào bán, thu về gần 1,2 tỷ đồng. Theo phương án sau cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ 20%, cán bộ công nhân viên 4,5% và 65% bán cho Tổng Cty Vận tải thủy (Vivaso) với giá chào bán thấp nhất 10.200 đồng/cổ phiếu.
Với 5 triệu cổ phiếu và giá bán xấp xỉ mệnh giá, VFS có giá trị chỉ khoảng 50 tỷ đồng. Trong khi, theo quyết định 4126 ngày 26/11/2015 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tổng giá trị thực tế của Cty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam tại thời điểm 30/9/2014 là hơn 91,7 tỷ đồng.
Trong bản kết quả xác định giá trị doanh nghiệp, hãng phim có tuổi đời 56 năm không được định giá thương hiệu. Bên cạnh đó, hơn 1,4 ha đất do VFS sử dụng trong vài chục năm qua không được tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa.