'Thành phố trong thành phố' quy mô dân số hơn 1 triệu người, có Toà án, Viện kiểm sát

Sau khi thành lập, thành phố Thủ Đức có 211,56 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 1.013.795 người. Ảnh minh hoạ
Sau khi thành lập, thành phố Thủ Đức có 211,56 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 1.013.795 người. Ảnh minh hoạ
TPO - Thành phố Thủ Đức sau khi thành lập, có 211,56 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 1.013.795 người. “Thành phố trong thành phố” sẽ thành lập Toà án, Viện Kiểm sát cấp thành phố sau khi giải thể các Toà án, Viên kiểm sát tại 3 quận.

Các Toà án chuyên trách

Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021.

Qua đó, việc thành lập thành phố Thủ Đức trên cơ sở nhập toàn bộ 49,79 km2 diện tích tự nhiên, 171.311 người của Quận 2; toàn bộ 113,97 km2 diện tích tự nhiên, 310.107 người của Quận 9 và toàn bộ 47,80 km2 diện tích tự nhiên, 532.377 người của quận Thủ Đức.

Như vậy, sau khi thành lập, thành phố Thủ Đức có 211,56 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 1.013.795 người. “Thành phố trong Thành phố” giáp Quận 1, Quận 4, Quận 7, Quận 12, quận Bình Thạnh; tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai.

Kể từ ngày Nghị quyết có hiệu lực, Thành phố Hồ Chí Minh có 22 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 16 quận, 5 huyện và 1 thành phố; 312 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 58 xã, 249 phường và 5 thị trấn.

Về tổ chức bộ mày sau khi sáp nhập sẽ thành lập Tòa án nhân dân thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. Qua đó sẽ giải thể Tòa án nhân dân Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức để thành lập Tòa án nhân dân thành phố Thủ Đức.

Tòa án nhân dân thành phố Thủ Đức sẽ bao gồm các Tòa chuyên trách: Tòa Hình sự; Tòa Dân sự; Tòa Gia đình và người chưa thành niên; Tòa Xử lý hành chính; và Tòa Kinh tế.

Tòa án nhân dân thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm kế thừa nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức theo quy định của pháp luật.

Cùng với đó sẽ thành lập Viện kiểm sát nhân dân thành phố Thủ Đức trên cơ sở giải thể Viện kiểm sát nhân dân Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức. Viện kiểm sát nhân dân thành phố Thủ Đức cũng có trách nhiệm kế thừa nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức theo quy định của pháp luật.

Ổn định đời sống của Nhân dân

Cho ý kiến trước khi dự thảo Nghị quyết được thông qua tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chánh án Toà án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, việc nhập 3 quận để thành lập thành phố Thủ Đức thực chất là nhập lại địa giới hành chính của huyện Thủ Đức trước đây, tuy nhiên quy mô dân số và khối lượng công việc đã khác trước đây rất nhiều.

Theo ông Bình, hiện trạng số vụ án phải xử lý của thành phố Thủ Đức trên 6.000 vụ mỗi năm, tương đương với một số tỉnh. Tuy nhiên, ngoài tòa án tỉnh, các tỉnh còn có 5-6 tòa án huyện, nhưng thành phố Thủ Đức chỉ có một trụ sở. Chánh án xuất thêm 180 cán bộ tòa án cho Toà án nhân dân thành phố Thủ Đức.

Theo ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đây là thành phố động lực, có thể góp phần  đưa nước ta trở thành trung tâm của khu vực, của châu Á, thậm chí thế giới, nên phải xem xét lại cấu trúc tổ chức để phát huy động lực. Do vậy, phải giao quyền cho thành phố Thủ Đức, thậm chí, Chủ tịch UBND thành phố này phải nắm quyền không kém Phó chủ tịch TP.HCM.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, việc thành lập TP Thủ Đức là nội dung rất mới, việc sắp xếp sẽ khác các nơi khác, nên có thể vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, để có thể tính tiếp cho các thành phố khác sau này.

Sau khi Nghị quyết được thông qua, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và các cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm tổ chức thi hành Nghị quyết này. Đồng thời sắp xếp, ổn định tổ chức bộ máy, bố trí trụ sở làm việc của các cơ quan, tổ chức trên địa bàn; ổn định đời sống của Nhân dân địa phương, bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh trên địa bàn.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm hướng dẫn hoạt động; sắp xếp tổ chức bộ máy, quyết định biên chế, số lượng Thẩm phán, Kiểm sát viên, công chức khác và người lao động của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Thủ Đức theo quy định của pháp luật.

MỚI - NÓNG