Thanh niên giúp dân mùa hạn mặn

TP - Hiện nay mặn bao trùm nhiều tỉnh ÐBSCL trong đó có Bến Tre khiến người dân gặp vô vàn khó khăn trong sinh hoạt và sản xuất. Gần trăm bạn ÐVTN mang trên mình màu áo xanh thân thương không ngại khó khăn trầm mình dưới kênh đắp hàng chục đập ngăn mặn để giúp người dân trữ nước ngọt phục vụ sản xuất.

Công trình ý nghĩa

Đối với người dân  huyện Chợ Lách - nơi được xem là thủ phủ của trái cây và hoa kiểng nổi tiếng vùng ĐBSCL, chưa bao giờ chứng kiến cảnh tượng hạn mặn xâm nhập khủng khiếp và kéo dài  như năm nay. Toàn huyện có khoảng 6.000 hộ sản xuất cây giống với diện tích 1.200ha và gần 8.750ha cây ăn trái.

Phó Bí thư thường trực Huyện đoàn Chợ Lách Nguyễn Tấn Kha cho biết, mặn đã bao trùm toàn bộ vùng cây ăn trái và hoa kiểng trên địa bàn huyện. Độ mặn có lúc lên đến 10%o khiến người dân vô cùng khó khăn. Vì thế, trong Tháng thanh niên 2020, Huyện đoàn xác định chống hạn mặn là nhiệm vụ cấp bách nên huy động gần trăm bạn ĐVTN hỗ trợ dân làm trên 60 đập tạm để trữ nước ngọt phục vụ sản xuất. Những đập ấy đã mang lại kết quả tích cực. Điển hình tại ấp Bình Thanh, xã Hòa Nghĩa, do có đập tạm, địa phương này đến nay chưa phải mua nước ngọt phục vụ sản xuất.

Tại ấp Bình Thanh các bạn ĐVTN cùng người dân đắp trên 20 đập tạm theo các tuyến kênh, rạch dẫn vào vườn. Ông Phạm Vũ Linh, Trưởng ấp Bình Thanh cho biết, hiện tại độ mặn từ sông Cổ Chiên là trên 5%o, có lúc lên đến 10%o, trong khi cây ăn trái và hoa kiểng thì chỉ với độ mặn 1%o  là chết queo.  Các con kênh, rạch mặc dù đã có cống ngăn từ sông lớn nhưng mặn vẫn rò rỉ, len lỏi vào kênh rạch.”Nếu không ngăn triệt để mà chủ quan thì cây trái, hoa kiểng sẽ hư hỏng. Tính riêng tại ấp Bình Thanh, các đập tạm đã bảo vệ gần 15.000 ha cây ăn trái, hoa kiểng và cho đến nay chưa phải mua nước ngọt tưới như các nơi khác”, ông Linh nói. Tuy nhiên, ông cho biết, lượng nước ngọt tích trữ còn chỉ cầm cự được từ 1 - 2 tháng nữa.. Hy vọng đến lúc đó mưa xuống,sẽ không bị thiệt hại nhiều, còn nếu mặn lên cao thì sẽ rất khó khăn.

Giúp dân giảm chi phí

Bà Trần Thị Chính (ở cùng ấp Bình Thanh) có 0,3 ha bưởi đang cho trái. Bà cho biết, chưa bao giờ chứng kiến cảnh hạn mặn như thế này. Trước đây mặn gay gắt nhất là năm 2016 nhưng cũng chỉ vài ngày là hết, nước ngọt trở lại nên không lo lắng, nhưng năm nay thì vô cùng khủng khiếp. “Nhờ các bạn trẻ hỗ trợ làm đập tạm để trữ nước trong kênh nên đến thời điểm này gia đình tôi chưa phải mua nước tưới cây”, bà Chính bộc bạch.

Cùng hưởng lợi từ nguồn nước do các bạn ĐVTN làm, gia đình bà Từ Thị Thúy (cùng ấp Bình Thanh) đã đầu tư hơn 20 triệu đồng để thuê máy cuốc đất đắp đê bao quanh rồi mua bạt làm hồ chứa nước dung tích 300m3 để dành tưới hàng nghìn gốc hoa kiểng. “Tiền mua nước chứa đầy hồ mỗi lần như thế này khoảng 30 triệu đồng nhưng cũng chỉ đủ tưới vài bữa. Tính cả mùa hạn mặn kéo dài như thế này, số tiền gia đình tôi phải bỏ ra mua nước lên đến hàng trăm triệu đồng”, bà Thúy nói.

Thanh niên giúp dân mùa hạn mặn ảnh 1 ÐVTN xã Hòa Nghĩa giúp dân làm đập trữ nước ngọt phục vụ sản xuất. ẢNH: HÒA HỘI

Trưởng ấp Bình Thanh, ông Phạm Vũ Linh cho biết thêm, hiện tại nếu tính chi phí mua nước tưới cây ăn trái như các nơi khác thì các hộ dân phải tốn 6 triệu đồng/ha.

Cứ cách 1 -2 ngày lại phải tưới. Vì thế, các con đập ngăn mặn tạm thời của các bạn thanh niên có ý nghĩa rất lớn trong việc giúp dân giảm chi phí trong mùa hạn mặn.

Chị Đoàn Thị Kim Ngân, Bí thư xã đoàn Hòa Nghĩa cho biết, tính đến nay  xã đoàn đã huy động hàng chục bạn ĐVTN lặn ngụp dưới kênh rạch giúp dân đắp trên 30 đập tạm để trữ nước trong lúc này.

Anh Nguyễn Tấn Kha cho biết thêm, ngoài những cống, đập lớn đã xây dựng kiên cố thì huyện đoàn huy động gần cả trăm ĐVTN làm đập tạm ngăn mặn ở 10 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Đồng thời, tuyên truyền người dân cập nhật đo độ mặn thường xuyên. Bên cạnh đó, còn hỗ trợ mang nước ngọt đến tận nhà giúp đỡ người già, neo đơn khó khăn.     

Anh Hà Quốc Cường, Bí thư Tỉnh đoàn Bến Tre cho biết Tháng Thanh niên năm nay, Tỉnh đoàn tập trung đẩy mạnh tuyên truyền về các biện pháp phòng, ngừa dịch bệnh do Covid – 19 gây ra và cùng với người dân ứng phó với hạn mặn. Cụ thể là đã huy động ÐVTN  hỗ trợ người dân đắp gần trăm đập tạm ngăn mặn, trữ ngọt để phục vụ sản xuất. Ðồng thời, vận động các đơn vị hỗ trợ nước ngọt giúp người dân.  

MỚI - NÓNG