Thanh long Việt Nam đã “bay” sang Úc

Đóng gói thanh long xuất khẩu đi Úc tại nhà máy Hoàng Phát (tỉnh Long An)
Đóng gói thanh long xuất khẩu đi Úc tại nhà máy Hoàng Phát (tỉnh Long An)
TP - Việt Nam là nước đầu tiên và duy nhất hiện nay được Úc cấp phép nhập khẩu thanh long sau nhiều năm đàm phán. Chiều ngày 20/9, lô hàng 600 thùng thanh long tươi từ Việt Nam đã được nhập khẩu vào thị trường Úc. Tin vui này mở ra nhiều kỳ vọng xuất khẩu trái cây vào các thị trường khó tính của doanh nghiệp và nông dân Việt Nam.

9 năm thai nghén

Sau nhiều năm xúc tiến thương mại, cuối cùng Bộ NN-PTNT và công ty TNHH Hoàng Phát Fruit (huyện Châu Thành, tỉnh Long An) đã vỡ òa trong niềm vui khi công bố ngày xuất khẩu lô thanh long tươi đầu tiên sang Úc. 

600 thùng thanh long tươi (khoảng 3 tấn) xuất khẩu sang Úc lần này được trồng tại Long An, công ty Hoàng Phát xử lý hơi nước và đảm bảo các tiêu chuẩn kiểm dịch, chất lượng khắt khe của phía Úc. Hiện, lô hàng đã được vận chuyển đến cảng hàng không Melbourne (Úc) bằng đường hàng không. Đến nơi, thanh long sẽ được giao cho đối tác để phân phối đến người tiêu dùng ngay sau khi hoàn tất các thủ tục kiểm dịch.

Ông Nguyễn Khắc Huy - Giám đốc Công ty TNHH MTV Hoàng Phát cho biết, việc vận chuyển bằng đường hàng không sẽ khiến chi phí giá thành đẩy lên cao; Tuy nhiên do lần đầu ra mắt người tiêu dùng tại Úc nên ông muốn sản phẩm đến nơi nhanh nhất và giữ được chất lượng nguyên vẹn nhất. Những lô thanh long sau, ông Huy sẽ vận chuyển sang Úc bằng đường biển. “Thanh long có thể giữ được chất lượng quả tươi từ 25 – 35 ngày nên việc vận chuyển bằng đường biển không bị ảnh hưởng nhiều. Hoàng Phát cũng đang xuất khẩu thanh long sang Nhật, Mỹ… bằng đường biển” - ông Huy thông tin.

Ông Nguyễn Xuân Hồng - Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An thông tin, để có được chuyến hàng thanh long xuất khẩu thanh long đầu tiên này sang thị trường Úc, doanh nghiệp đã phải trải qua quy trình rất khắt khe. Thanh long phải có nguồn gốc, sản xuất và xuất khẩu từ Việt Nam phù hợp với các điều kiện và chương trình có liên quan. Trước khi xuất khẩu, thanh long phải được Cục Bảo vệ thực vật Việt Nam kiểm tra, cấp giấy chứng nhận không bị nhiễm côn trùng trong diện kiểm soát an toàn sinh học (kiểm dịch). Thanh long tươi từ Việt Nam phải được xử lý trước khi vận chuyển hàng bằng phương pháp nhiệt hơi (VHT) với thời gian 40 phút ở nhiệt độ 46,5 độ C, độ ẩm 90% trở lên tại một cơ sở xử lý được Cục phê duyệt. 

Theo Bộ NN-PTNT, hiện tại cả nước có 32 tỉnh, thành trồng thanh long với diện tích hơn 25.000 ha, sản lượng trên 460.000 tấn/năm, tập trung nhiều nhất ở Bình Thuận, Tiền Giang và Long An. Thanh long là loại trái cây xuất khẩu chủ lực với kim ngạch xuất khẩu năm 2016 đạt hơn 895 triệu USD, chiếm tỷ trọng 50,3% trong xuất khẩu trái cây tươi và 36,1% trong tổng xuất khẩu rau quả của Việt Nam, thanh long đã có thể đáp ứng các tiêu chí và yêu cầu của nhiều thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật, Mỹ ...

“Hôm nay, sau 9 năm đàm phán, hoàn thiện các thủ tục, trái thanh long đã lần đầu tiên được xuất khẩu sang thị trường Úc. Và quan trọng, Việt Nam là nước đầu tiên và duy nhất được cấp phép xuất khẩu thanh long tươi vào Úc” – ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NN-PTNT phấn khởi.

Chỉ Úc thôi, chưa đủ

Trong “ngày vui” của thanh long Việt Nam khi có thêm thị trường Úc, nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu trái cây cho rằng, vẫn cần thêm nhiều biện pháp phát triển thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ cũng như phát triển khâu chế biến thì mới có thể giải quyết căn cơ vấn đề tiêu thụ thanh long Việt Nam.

Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ xuất nhập khẩu Vina T&T cho rằng, việc thanh long tươi Việt Nam được thị trường Úc chấp nhận mở ra nhiều cơ hội cho sản phẩm này. Vì thị trường Úc xưa nay vốn rất khó tính, nên khi vào được sẽ giúp thanh long Việt Nam được đánh giá cao hơn ở các thị trường khác. 

Tuy vậy, vấn đề đặt ra là việc vận chuyển thanh long tươi sang Úc có phần khó khăn, nếu đi bằng đường biển phải tốn đến 25 ngày trong khi vận chuyển sang Mỹ bằng đường biển cũng chỉ tốn 17 ngày. Còn nếu vận chuyển bằng đường hàng không sẽ đẩy giá thành lên cao. Cụ thể, giá cước vận chuyển thanh long tươi bằng đường hàng không hiện ở mức 2,2USD/kg, rất khó để doanh nghiệp có giá cạnh tranh được. 

“Việc vận chuyển xa gây ra các rủi ro về chất lượng sản phẩm, ví dụ như trái vải xuất khẩu vào Úc. Năm rồi một số doanh nghiệp tham gia nhưng kết quả không khả quan, vì vận chuyển sang đến nơi, vải bị hư hỏng nhiều” - ông Tùng nói. Hiện tại, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ lớn nhất của thanh long Việt Nam, chiếm hơn 70%, phần còn lại gồm Mỹ và các thị trường khác chia sẻ. Do đó, theo ông Tùng, vấn đề đặt ra cho ngành nông nghiệp vẫn là đẩy mạnh khâu chế biến và tiếp tục phát triển thị trường mới. 

Còn theo đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu trái cây tại TP.HCM, việc Úc chỉ chấp nhận hình thức xử lý kiểm dịch bằng hơi nước cũng khiến doanh nghiệp Việt Nam khó có thể tham gia vào thị trường này. Nguyên nhân là do hiện tại, chỉ một số doanh nghiệp xuất khẩu trái cây có nhà máy xử lý hơi nước, các đơn vị này sẽ đưa hàng sang Úc, trong khi, những doanh nghiệp khác không có nhà máy thì sẽ khó tìm kiếm cơ hội vì không đáp ứng được yêu cầu xử lý kiểm dịch. 

Để quảng bá thanh long Việt Nam tại Úc, Thương vụ Việt Nam tại Úc đã tích cực triển khai hàng loạt các hoạt động như xây dựng bộ ấn phẩm truyền thông bằng tiếng Anh, bao gồm phim ngắn, sách và tờ rơi để quảng bá rộng rãi cho trái thanh long của Việt Nam; tổ chức đón lô thanh long đầu tiên của Việt Nam tại chợ đầu mối hoa quả Sydney; tổ chức Ngày thanh long Việt Nam tại Melbourne... Ngoài ra, Thương vụ sẽ phối hợp với Hiệp hội Hoa quả của Úc để triển khai dự án được tài trợ bởi Bộ Nông nghiệp và Nguồn nước Úc, trong việc tăng cường trao đổi thương mại mặt hàng hoa quả giữa hai nước, trong đó có chương trình nâng cao năng lực và hỗ trợ đưa thanh long của Việt Nam vào chuỗi cung ứng của Úc.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.