Thanh Hóa đề nghị Chính phủ xem xét số lượng cấp phó các Sở, cơ quan

Toàn cảnh buổi làm việc
Toàn cảnh buổi làm việc
TPO - Làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Thanh Hóa đề nghị xem xét, sửa đổi quy định số lượng cấp phó các sở, cơ quan ngang sở trực thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện theo hướng có xem xét đến các yếu tố về diện tích tự nhiên, dân số, quy mô nền kinh tế...

Sáng 28/11, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm tổ trưởng đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Thanh Hóa.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đình Xứng, chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng giải trình một số vấn đề còn tồn tại, bất cập mà Thủ tướng yêu cầu báo cáo, chấn chỉnh, khắc phục ở các lĩnh vực giáo dục, nông nghiệp, phát triển doanh nghiệp...

Theo báo cáo về tình hình nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho UBND tỉnh Thanh Hóa 304 nhiệm vụ từ ngày 1/1/2017 đến ngày 15/11/2018, trong đó có 182 nhiệm vụ không thời hạn, 122 nhiệm vụ có thời hạn xử lý. Đến nay, UBND tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thành 197 nhiệm vụ (có 137 nhiệm vụ không thời hạn, 60 nhiệm vụ có thời hạn xử lý); còn lại 107 nhiệm vụ đang xử lý theo quy định; không có nhiệm vụ hoàn thành quá hạn. Với 158 nhiệm vụ trong các văn bản mật, tối mật, tuyệt mật đến nay tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện 154 nhiệm vụ được giao, đảm bảo theo yêu cầu; còn lại 4 nhiệm vụ đang triển khai thực hiện.

Về thực hiện các giải pháp đảm bảo đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng chung của cả nước năm 2018, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp như: tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức mạnh cạnh tranh của nền kinh tế. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút và khơi thông dòng vốn cho đầu tư phát triển. Đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp. Quản lý thu ngân sách nhà nước; khai thác hiệu quả các nguồn thu từ quỹ đất và khoáng sản, tạo nguồn cho đầu tư phát triển. Tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc...

Ngoài ra, tỉnh cũng tập trung thực hiện các nhiệm vụ như công tác cải cách hành chính; công tác cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước; chuyển đổi cơ cấu kinh tế nhằm nâng cao năng suất lao động; khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm nguồn nước tại các cơ sở sản xuất, chế biến, khu công nghiệp; các vấn đề liên quan đến đời sống công nhân tại các khu công nghiệp...

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ còn một số hạn chế như: một số nhiệm vụ giao chung cho các địa phương, không cụ thể, nên khó khăn trong quá trình việc tổ chức triển khai và báo cáo kết quả thực hiện. Việc thực hiện chỉ đạo đẩy mạnh tái cơ cấu và nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa đạt kết quả như mong muốn do Thanh Hóa là địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, xuất phát điểm của nền kinh tế còn thấp... Cải cách hành chính chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển và chỉ đạo như: công bố, công khai, niêm yết thủ tục hành chính... Việc thực hiện thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp trên địa bàn còn chậm. Tình trạng vi phạm các quy định của nhà nước về quản lý tài nguyên, môi trường còn xảy ra, nhất là tình trạng khai thác, vận chuyển cát trái phép; việc khắc phục các điểm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chậm được xử lý.

Theo đó, tỉnh Thanh Hóa đề xuất, hiện nay trong các văn bản quy phạm pháp luật đã được cấp có thẩm quyền ban hành, một số lĩnh vực có quy định còn chồng chéo, chưa thống nhất; một số lĩnh vực chưa được quy định cụ thể, nên các địa phương gặp nhiều khó khăn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ. Tỉnh Thanh Hóa đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật; Đề nghị chỉ đạo sớm xây dựng, ban hành mô hình mẫu về cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông theo hướng hiện đại và phần mềm điện tử dùng chung cho Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh và bộ phận tiếp nhân và trả kết quả cấp huyện, cấp xã; Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sớm ban hành các thông tư về các vấn đề như xây dựng cơ cấu tổ chức, định mức nhân viên và vị trí việc làm của các cơ sở chăm sóc, điều dưỡng người có công, cai nghiện ma túy, dịch vụ việc làm và giáo dục nghề nghiệp.

Thanh Hóa là địa phương có diện tích tự nhiên đứng thứ 5, dân số đứng thứ 3 cả nước, đặc biệt là số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã lớn nhất cả nước; tuy nhiên, số lượng cấp phó các sở, cơ quan ngang sở trực thuộc UBND tỉnh tối đa không quá 3 người nên gặp nhiều khó khăn trong công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao. Do đó, tỉnh Thanh Hóa đề nghị xem xét, sửa đổi quy định số lượng cấp phó các sở, cơ quan ngang sở trực thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện theo hướng có xem xét đến các yếu tố về diện tích tự nhiên, dân số, số lượng đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc tỉnh, số lượng đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, quy mô nền kinh tế...

Thanh Hóa đề nghị Chính phủ xem xét số lượng cấp phó các Sở, cơ quan ảnh 1

Bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cùng tổ công tác thăm Trung tâm hành chính công tỉnh Thanh Hóa

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, thông qua tổ công tác, Thủ tướng Chính phủ khen ngợi, đánh giá cao những nội dung mà Thanh Hóa đã thực hiện như: tập trung giải quyết các vướng mắc liên quan đến các dự án lớn, đã có những dự án hoàn thành, sản xuất ổn định, đặc biệt là dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn; năm 2018, tỉnh đã có tăng trưởng tốt, GDP tăng khoảng 15%, trong khi cả nước tăng khoảng 6-7%, trong đó, sản xuất công nghiệp tăng 34% so với cùng kỳ, thu ngân sách đạt kết quả vượt trội. Đặc biệt, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Thanh Hóa nằm trong tốp đầu cả nước. Tích cực triển khai các giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin. Làm tốt tinh giản biên chế, sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập, xử lý nhanh các trường hợp tuyển dụng, bổ nhiệm sai...

Bên cạnh những kết quả đạt được, thông qua tổ công tác, Thủ tướng Chính phủ nêu các vấn đề mà Thanh Hóa cần quan tâm như: củng cố nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, khắc phục triệt để hiện tượng “quan lộ thần tốc” gây bức xúc trong thời gian qua. Quyết liệt hơn trong công tác cải cách hành chính, tránh đùn đẩy né tránh. Chỉ số cải cách hành chính của Thanh Hóa chưa ổn định. Trung tâm hành chính công cần phải tiến tới nhận, thẩm định, xét duyệt, trả hồ sơ toàn bộ trên nền điện tử. Đẩy mạnh liên thông các thủ tục hành chính. Quan tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và thu hút đầu tư mạnh hơn...

Những kiến nghị của UBND tỉnh Thanh Hóa sẽ được tổ công tác tập hợp với các kiến nghị của các tỉnh, thành phố để báo cáo Thủ tướng xem xét, giải quyết.

MỚI - NÓNG