Thanh Hoá: Đảm bảo ATGT đường thuỷ trong mùa mưa bão

0:00 / 0:00
0:00
Ban ATGT tỉnh Thanh Hoá đã có văn bản chỉ đạo đến các Ban ATGT các huyện, thị xã, thành phố và các lực lượng chức năng về công tác tăng cường đảm bảo an toàn giao thông đường thuỷ trong mùa mưa năm nay.

Ngay những tháng đầu năm, Ban ATGT tỉnh Thanh Hoá đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật ATGT đường thủy nội địa đã huy động được sự tham gia của các cơ quan đơn vị và các tổ chức đoàn thể trên địa bàn. Vì thế, qua công tác tuyên truyền, trách nhiệm của các chủ bến, chủ phương tiện và nhận thức, ý thức chấp hành của người tham gia giao thông đường thủy được nâng cao. Công tác phối hợp tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm trật tự ATGT đường thuỷ được các lực lượng chức năng chú trọng quan tâm; trong quá trình tuần tra, kiểm tra đã phát hiện, lập biên bản, ra quyết định đình chỉ hoạt động đối với các phương tiện thủy, đò ngang chưa thực hiện đầy đủ thủ tục pháp lý…

Theo thống kê của Ban ATGT tỉnh Thanh Hoá, trên địa bàn hiện có 900 phương tiện thủy nội địa đang hoạt động trên các tuyến sông và các hồ lớn ở các địa phương trong tỉnh. Đến tháng 4/2024 tổng số phương tiện thủy nội địa trên địa bàn tỉnh đã được đăng ký, đăng kiểm là 585 phương tiện, đạt tỷ lệ 65%. Thời gian qua, ngành giao thông - vận tải cùng đơn vị có liên quan và các địa phương đã triển khai các biện pháp nâng cao tỷ lệ đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy nội địa. Thường xuyên phối hợp kiểm tra định kỳ, đột xuất về đảm bảo ATGT đường thủy trên các tuyến sông, suối, hồ, đập. Nhất là kiểm tra đối với hoạt động của các bến khách ngang sông, bến chở khách du lịch trong mùa mưa bão.

Thanh Hoá: Đảm bảo ATGT đường thuỷ trong mùa mưa bão ảnh 1

Đảm bảo ATGT đường thuỷ trong mùa mưa, Đoàn kiểm tra Liên ngành do Ban ATGT tỉnh Thanh Hoá chủ trì và các cơ quan, đơn vị thành viên đã thực hiện kiểm tra tra công tác đảm bảo trật tự ATGT 5 tháng đầu năm 2024 tại 5 địa phương; gồm huyện Hà Trung, Hoằng Hoá, Cẩm Thuỷ, Bá Thước, Quan Hoá. Qua đó, các địa phương đã làm tốt các đảm bảo trật tự ATGT đường thuỷ.

Tuy nhiên, trách nhiệm quản lý nhà nước về đảm bảo trật tự ATGT đường thủy nội địa của các địa phương còn có những hạn chế. Cụ thể, chưa thống kê được đầy đủ phương tiện, chưa có phương án quản lý các phương tiện gia dụng hoạt động sản xuất, mưu sinh trên sông, hồ. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật ATGT đường thủy tại một số địa phương chưa sâu rộng, chưa đến được với người dân. Ý thức chấp hành pháp luật ATGT đường thủy nội địa của một bộ phận người dân chưa cao. Công tác kiểm tra, đôn đốc hướng dẫn các chủ phương tiện, chủ bến định kỳ gia hạn cấp phép hoạt động của bến, tổ chức đăng ký, đăng kiểm chưa kịp thời; các chủ đò chưa chủ động trong việc làm thủ tục quy định…

Thanh Hoá: Đảm bảo ATGT đường thuỷ trong mùa mưa bão ảnh 2

Cơ quan chức năng tuyên truyền đảm bảo an toàn giao thông đường thuỷ

Để chủ động triển khai các phương án đảm bảo trật tự ATGT trong mùa mưa bão năm 2024, ông Vũ Hoàng Linh, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Thanh Hoá cho biết:

Trên cơ sở đó, Ban ATGT tỉnh, Sở Giao thông vận tải tỉnh Thanh Hoá chỉ đạo triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các kế hoạch, văn bản về công tác đảm bảo trật tự ATGT đường thủy nội địa, đặc biệt trong mùa mưa bão năm 2024.

Chủ động báo cáo và đề xuất UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh và các ngành chức năng những vấn đề vượt thẩm quyền. Phân công trách nhiệm cụ thể cho các cấp chính quyền trong việc đảm bảo ATGT đường thủy trong mùa mưa bão. Nghiêm cấm mọi hoạt động trên sông nước khi có mưa lũ, chuẩn bị các địa điểm an toàn để các phương tiện thủy tránh, trú.

Thiết lập điện thoại đường dây nóng, đảm bảo lực lượng ứng trực 24h/24h để tiếp nhận xử lý thông tin và sẵn sàng tham gia phối hợp giải quyết các tình huống. Tiếp tục phối hợp với các đơn vị, tổ chức đoàn thể trên địa bàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về ATGT đường thuỷ nội địa gắn với gắn với “Phòng chống đuối nước cho trẻ em”. Tăng thời lượng thông tin về các quy định, hướng dẫn về ATGT đường thủy trên hệ thống phát thanh của các xã, phường, khu dân cư trong mùa mưa bão.

Thực hiện rà soát, thống kê toàn diện các phương tiện thuỷ, thuyền gia dụng trên địa bàn; phân loại phương tiện để quản lý và yêu cầu chủ phương tiện thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý theo quy định. Vận động các hộ dân có thuyền gia dụng trang bị và sử dụng áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh khi hoạt động trên các tuyến sông, hồ.

Tiếp tục khẩn trương triển khai thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-UBND ngày 08/10/2021 của UBND tỉnh về việc phân cấp cho UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện một số nhiệm vụ được quy định tại Nghị định số 08/2021/NĐ-CP ngày 28/01/2021 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động đường thuỷ nội địa trên địa bàn tỉnh và Nghị định số 06/2024/NĐ-CP ngày 25/01/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2021/NĐ-CP ngày 28/01/2021 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động đường thuỷ nội địa.

Yêu cầu chính quyền cấp xã và các chủ đò, chủ cầu phao trên địa bàn ký cam kết đảm bảo an toàn trong hoạt động vận chuyển khách; trong đó, xác định rõ trách nhiệm của chủ đò trong việc chở số người đúng quy định; tuyệt đối không cho đò xuất bến khi người tham gia giao thông không tuân thủ những quy định an toàn và khi tình hình thời tiết, khí hậu, mực nước trên các sông, hồ có những diễn biến phức tạp. Rà soát các khu vực dân cư, các hộ dân, các công trình, kho hàng, lán, trại ven sông, suối, hồ, đập có nguy cơ cao bị ảnh hưởng do mưa lũ để có phương án di dời, tránh trú kịp thời trước khi có mưa lũ.

Tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường tuần tra kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trật tự ATGT đường thủy nội địa. Kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với các phương tiện không đảm bảo điều kiện an toàn, không đảm bảo các thủ tục pháp lý quy định. Nghiêm cấm triệt để việc sử dụng bè, mảng, thuyền gia dụng chở khách, chở các cháu học sinh đi học. Chính quyền các xã có bến khách ngang sông, các chủ phương tiện chở khách ngang sông chịu trách nhiệm trước UBND huyện, Ban ATGT huyện trong việc quản lý, bảo quản, sử dụng dụng cụ nổi cứu sinh. Yêu cầu chủ đò và người đi đò sử dụng cụ nổi cứu sinh khi đi đò, khi thăm quan, du lịch trên đường thủy. Ngoài số lượng dụng cụ nổi cứu sinh được Ban ATGT tỉnh cấp hàng năm, các chủ đò chủ động mua sắm để thay thế dụng cụ cứu sinh bị hư hỏng.

MỚI - NÓNG