Thanh Hóa: Cấm biển, đảm bảo an toàn neo đậu trước 18h

Di dời các hộ dân có nguy cơ sạt lở ra nơi an toàn hơn tại xã Cổ Lũng, huyện miền núi Bá Thước, Thanh Hóa
Di dời các hộ dân có nguy cơ sạt lở ra nơi an toàn hơn tại xã Cổ Lũng, huyện miền núi Bá Thước, Thanh Hóa
TPO - Đến sáng 16/8, tất cả 7.443 phương tiện nghề cá với 27.747 lao động khai thác trên biển của tỉnh Thanh Hóa đã vào bờ hoặc đã tìm được nơi tránh trú an toàn. Các chủ tàu thuyền tránh trú ở các tỉnh ngoài vẫn giữ liên lạc với gia đình và chính quyền địa phương.

Theo đó, số tàu thuyền neo đậu tại các bến trong tỉnh là 7.021 tàu thuyền, neo đậu tại các bến tỉnh ngoài là 422 phương tiện với 2.895 lao động. Chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng đã có lệnh cấm biển, nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, đồng thời tổ chức hướng dẫn, sắp xếp tàu thuyền neo đậu đảm bảo an toàn, tuyệt đối không để người ở lại trên tàu thuyền, lồng bè và chòi canh thủy sản. Tất cả các công việc trên phải hoàn thành trước 18 giờ ngày 16/8.

Để ứng phó với cơn bão số 4, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đang hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, biển quảng cáo, chặt tỉa cành cây, đồng thời đảm bảo an toàn cho các công trình công cộng, bến cảng, khu công nghiệp ven biển….Ở các huyện miền núi, chính quyền địa phương sẵn sàng phương án sơ tán đối với các hộ đang sống tại các khu vực nguy hiểm, ven sông suối, vùng trũng thấp.

Tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng phải cương quyết sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm để đảm bảo an toàn tính mạng cho người và tài sản. Đồng thời, tổ chức cắm biển cảnh báo và tuần tra, canh gác các khu vực ngầm tràn, đường bị ngập sâu, khu vực bị sạt lở và nghiêm cấm người dân vớt củi khi có lũ.                

Sáng 16/8, tại cuộc họp khẩn, phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền, nhấn mạnh, đây là cơn bão có khả năng cao ảnh hưởng trực tiếp đến Thanh Hóa nên công tác chuẩn bị ứng phó phải rất khẩn trương, nghiêm túc, không được phép lơ là.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Thanh Hóa phải liên tục cập nhật những thông tin mới nhất cho các cơ quan triển khai phương án ứng phó, đồng thời gửi phát liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh.

Đồng thời, đưa ra cảnh báo về những trọng điểm đê điều, hồ đập, những vị trí cần di dân khẩn cấp khi có nguy hiểm. Với các hồ đập, cần rà soát cẩn thận, không tích nước đối với những hồ không bảo đảm an toàn; với riêng Hồ thủy lợi – thủy điện Cửa Đạt, đồng chí yêu cầu phải xả nước để duy trì cao trình dưới 105/110 m.

Công tác tiêu úng trước, trong và sau bão phải được đặc biệt quan tâm, trong đó tích cực mở các cống tiêu khi nước sông thấp hơn nước đồng. Với các diện tích nuôi trồng thủy sản, nếu có thể thu hoạch thì triển khai thu hoạch ngay trước khi bão đổ bộ và có phương án bảo vệ, di dời các lồng bè và người trên các chòi canh thủy sản để bảo đảm an toàn.

Các thành viên của BCH PCTT & TKCN có trách nhiệm về triển khai phương án cụ thể ở địa phương, ngành mình được giao phụ trách, hạn chế ít nhất thiệt hại do bão lũ. Hoãn tất cả các cuộc họp không cần thiết, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai ứng phó với bão số 4.

MỚI - NÓNG