Người xem tâm đắc với những “siêu phẩm” ghi vào lưới của đối phương hay lối đá tập thể nhuần nhuyễn và biến hóa của tất cả các cầu thủ.
Lối đá đẹp, ít phạm lỗi, ít thẻ phạt, cống hiến, ghi nhiều bàn thắng, không yêu cầu tiền thưởng, không cá độ, đạt trình độ thi đấu ngang ngửa với các đội bóng lớn (hai lần thắng U19 Úc), nhanh chóng thu hẹp khoảng cách với đội Nhật Bản.
Những ngày vừa qua, bọn trẻ trong xóm tôi thường nói chuyện với nhau về đội U19, chúng xem và bình luận những câu vui vẻ vào quãng thời gian mà trước đây bọn trẻ tụ tập nhau để xem phim hoạt hình mà thần tượng của lũ trẻ chính là các siêu nhân Nhật Bản.
Bóng đá vốn hấp dẫn các vị phụ huynh vì nhiều lẽ, giờ đây bỗng là một sở thích của bọn nhỏ, như phép màu kéo chúng khỏi những bộ phim và trò game vô tận.
Sẽ không sản sinh được một đội U19 hôm nay nếu không có sự hợp tác của tập đoàn HAGL và câu lạc bộ Arsenal, số tiền đầu tư cho học viện không hề nhỏ. Thầy giáo cũng từ châu Âu sang. Từ giáo trình đến dinh dưỡng đều tuân theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt.
Các cầu thủ “du học tại chỗ” làm thay đổi cơ bản thói quen chơi bóng cũng như đạt được những kỹ năng trình độ cao tới mức người ta tấm tắc: không biết đây là sản phẩm của nền bóng đá Việt Nam hay là của nền bóng đá Anh nhỉ?
Trong lúc mọi người còn say sưa với những thành công của U19, bỗng vang lên câu hỏi: “Liệu câu lạc bộ Arsenal sẽ còn hợp tác với HAGL bao lâu nữa?”.
CLB này từng đóng cửa học viện ở Thái Lan. Trước mắt, đây chỉ là câu hỏi giả thiết thôi, nhưng đủ làm người ta nao lòng. Bởi nếu như ở nước Anh có hàng chục học viện bóng đá của các câu lạc bộ như M.U, Chelsea, Liverpol… không kém gì học viện của Arsenal, còn ở Việt Nam ta chỉ vỏn vẹn một học viện mang tính liên kết mà thôi. Những tiếng vỗ tay cho U19 càng lớn thì càng làm người ta phải suy ngẫm thêm nhiều…