Thần chết mang tên men rượu độc

Thần chết mang tên men rượu độc
TP - Một ngày có hàng chục nghìn lít rượu được dân nhậu tiêu thụ. Ít ai biết được trong số rượu ấy được nấu từ những loại men độc hại. Trong vai người đi học nấu rượu, chúng tôi mục sở thị công nghệ chế “đặc sản” rượu đế độc hại.

> Rượu độc, thịt bẩn tung hoành

Men Trung Quốc bán tràn lan ở chợ, giúp rượu tăng độ nặng và nấu được nhiều rượu hơn. Ảnh: L.N
Men Trung Quốc bán tràn lan ở chợ, giúp rượu tăng độ nặng và nấu được nhiều rượu hơn. Ảnh: L.N .

Ma trận men rượu

Nhờ một người bạn ở Long An giới thiệu, chúng tôi được các lò rượu nổi tiếng ở đây nhận vào học nấu rượu đặc sản Gò Đen. Khi ghé đến lò nấu rượu Ngọc Hiếu (ấp 2, xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức, Long An), ông chủ Nguyễn Thanh Hiếu 41 tuổi, niềm nở đưa ra 3 loại rượu nhà nấu, rượu gạo trắng, nếp than và chuối hột mời chúng tôi uống thử.

“Nói là rượu Gò Đen nhưng thực ra giờ chỉ còn cái thương hiệu thôi, chứ cách nấu và chất lượng rượu đã công nghiệp hết rồi chú ạ”- chủ lò rượu này không giấu diếm. Gia đình anh Hiếu nấu rượu đã hơn 30 năm nay.

“Trước kia nấu rượu phải qua mấy công đoạn gồm nấu gạo thành cơm, phơi cho cơm nguội rồi ủ bằng men. 3 - 4 ngày sau khi cơm đã lên men thì cho vào thùng đổ nước và 7 ngày sau cho vào lò chưng cất, mỗi ngày chỉ có thể nấu được 2 nồi. Nhưng giờ nhờ men Trung Quốc nên giảm nhiều công đoạn. Chỉ cần 3 ngày là đã có rượu”- ông chủ này cho biết.

Khu nấu rượu của Đức tại Bình Dương hết sức mất vệ sinh. Ảnh: G.H
Khu nấu rượu của Đức tại Bình Dương hết sức mất vệ sinh. Ảnh: G.H.

Để tạo ra hàng nghìn lít rượu Gò Đen nổi danh một thời, giờ đây hầu hết các chủ lò rượu ở Bến Lức đều dùng các loại men hoặc hương liệu từ Trung Quốc để rượu “nặng đô”.

Khi đến chợ Bình Tây quận 6, TPHCM hỏi mua men Trung Quốc chủ các sạp bán men ở cổng số 3 của khu chợ cho biết có nhiều loại với giá khác nhau. Men Trung Quốc màu trắng được vo nhỏ như những quả trứng chim cút, giá 10.000 đồng/bịch 100 viên, còn men bột được đóng trong bao nilon, ngoài ghi chi chít chữ Trung Quốc bán sĩ 50 gói 500gr có giá 120.000 đồng. Chủ cửa hàng bán men 152, cho biết: “Hồi trước có bán men nước của Trung Quốc nhưng mới đây nghe tin có ngộ độc chết người nên tui tạm ngưng bán”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, men mà dân nấu rượu Bến Lức hiện nay đang dùng chủ yếu lấy từ 3 mối chính, những mối này mang tận các lò để bỏ gồm men cục truyền thống cho rượu cơm và men bột của Trung Quốc.

Biết được tay bỏ mối men có thị phần lớn nhất ở đây tên Nhất, chúng tôi tìm đến cửa hàng của Nhất tại chợ Bình Chánh, huyện Bình Chánh -TPHCM.

Nhà phân phối này đưa ra 3 loại men khác nhau với lời giới thiệu men cục truyền thống, men bột Trung Quốc và loại men nước cũng của Trung Quốc kèm theo thông tin 80% dân nấu rượu đã dùng men Trung Quốc này vì “rượu rất ngon”.

Tỉnh Bình Dương, thị trường tiêu thụ rượu gạo lớn hơn TPHCM mà đối tượng chủ yếu là công nhân. Cơ sở nấu rượu của anh Trần Văn Đức thuộc xóm Nghèo, thị xã Dĩ An, Bình Dương chuyên cung cấp 100 lít rượu mỗi ngày cho các quán cóc, tại Dĩ An, Thủ Đức.

Cầm trên tay gói men nước của Trung Quốc, ông chủ 31 tuổi quê Nam Định cho biết: “Loại men này mới, chỉ cần hòa 100gr với 20 lít nước rồi cho 10kg gạo vào 2 ngày sau mang ra nấu. Rượu đạt độ cồn cao. Đức thừa nhận men Trung Quốc rất độc nên không thể pha trộn quá tay. Nếu nấu men Bắc thì 10kg chỉ được 10 lít rượu nhưng loại này được tới 15 lít”.

Men truyền thống luôn có dạng cục, nhưng men Trung Quốc chỉ có thể là bột và nước. Men truyền thống thơm vị riềng nhưng men Trung Quốc rất hắc và khó ngửi. “Men Trung Quốc dùng ủ sắn sẽ chuyển màu vàng, ủ cho ngô sẽ chuyển màu xanh”, Đức nói.

Vào nhà kéo nguyên bao tải loại 50kg ra với một nửa là men bột, một nửa là men nước, chủ cơ sở rượu này lấy mỗi loại 10 gói cho 100kg gạo. Đức đeo bao tay “vì nếu dùng tay không sẽ ngứa” sau đó trộn đều 100kg gạo với 10 gói men bột rồi cho vào thùng ủ và 10 gói men nước pha với 200 lít nước rồi cho 100kg gạo vào thùng ủ.

Chưa chết mới lạ

Chỉ cần 3 tiếng nấu rượu, chủ lò rượu Đức đã nấu được 150 lít rượu loại dùng men nước. Sau khi rượu nguội, Đức dùng túi siêu lọc lọc rượu đục ra từng can 30lít trong vắt như nước lọc.

Khi hỏi Đức đã thấy ai bị ngộ độc khi uống rượu được nấu từ loại men nước này chưa? Đức vừa cười vừa nói: “Đã uống là ngộ độc chứ sao, đau đầu, ói mửa… là ngộ độc nhẹ, chết là nặng. Quan trọng là hàm lượng men”.

Lọc rượu trước khi chế. Ảnh: G.H
Lọc rượu trước khi chế. Ảnh: G.H.

Khu nấu rượu của gia đình ông Hiển ở Long An chỉ rộng 15m2 nhưng có tới 3 nồi nấu rượu. Bên cạnh đó là khu nuôi lợn bốc mùi hôi thối, chất thải được cơ sở này đổ hết xuống ao, nước ao lại lấy để làm nước ủ rượu.

Cầm xô nước ra ao múc thứ nước đen ngòm và hôi mùi chất thải của lợn, ông Hiển đổ vào thùng rượu đang ủ bằng men bột Trung Quốc trước sự chứng kiến của chúng tôi.

“Loại rượu này chủ yếu tiêu thụ cho giới công nhân, hay những điểm bán lẻ, những quán nhậu ven đường ở Sài Gòn và quanh đây. Còn những nhà hàng thì họ đặt rượu gạo nấu và dùng men truyền thống nhưng giá cao hơn”.

Theo tìm hiểu, giá chung của các lò rượu tại đây bán ra, gạo trắng là 15.000đ/lít, nếp than 22.000đ/lít và chuối hột là 18.000đ/lít. Còn rượu nấu cho nhà hàng thì giá cao hơn 5.000-7.000 đồng/lít.

Lò rượu của anh Thân cách lò rượu Ngọc Hiển 3 căn nhà. Lò rượu này có lương tâm hơn khi gạo được nấu thành cơm, phơi ra bạt ngoài sân cho nguội cũng như “chiêu đãi” ruồi và gà chơi đùa rồi mới trộn men để ủ.

“Rượu nấu xong một phần bán ở ngoài quốc lộ 1, còn lại thì cho người đi bỏ mối Sài Gòn. Nhà tôi nhỏ chỉ nấu có 2 nồi, mỗi ngày sản xuất hơn 100 lít thôi”. Người đàn ông 32 tuổi, chân tay đầy bùn đất vì mới ra ruộng phun thuốc sâu về không cần rửa chân tay cứ thế ủ rượu nói.

Anh Phạm Văn Thái chủ lò rượu khá nổi tiếng ở chợ đầu mối Hóc Môn, TPHCM, nói: Ngộ độc rượu gây tử vong hàng loạt vừa qua là do người nấu rượu cho quá chất men.

“Nếu cho men vừa phải uống cũng bị ngộ độc nhẹ rồi, chứ đằng này đã dùng men Trung Quốc nhưng lại cho vào “quá tay” không ngộ độc gây chết mới lạ”- anh Thái khẳng định.

(Còn nữa)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.