Theo ông Chuẩn, trận mưa lịch sử này làm ảnh hưởng 3/4 sản lượng than sản xuất của Vinacomin. Các đơn vị ở khu vực Hòn Gai, Cẩm Phả đến nay chưa thể quay trở lại sản xuất được do bị ảnh hưởng của nước lũ. Có những mỏ hầm lò đang tập trung bơm nước do bị ngập. Có những mỏ lộ thiên bị ngập moong và bờ tầng. Đặc biệt, tuyến đường vận chuyển than từ kho than ra nhà máy tuyển và nơi tiêu thụ hiện chưa thể phục hồi do bị đất đá tràn từ trên núi xuống. Nhiều đơn vị chưa thể phục hồi sản xuất được.
Nhiệm vụ quan trọng thứ hai là đảm bảo cấp than cho các nhà máy điện đặc biệt là Vũng Áng, Nghi Sơn ở miền Trung. Nhà máy ở Mông Dương, Phả Lại, đã có than dự phòng. Các đơn vị sản xuất than ở Uông Bí, Vàng Danh, Mạo Khê không bị tác động xấu của đợt mưa lớn lần này. Vì vậy chúng tôi cũng đề nghị các hộ sử dụng than lớn dùng than của các đơn vị ở khu vực trên.
Lo nhất của chúng tôi là than cấp cho các nhà máy nhiệt điện ở khu vực phía Nam. Nếu mưa lũ kéo dài, chúng tôi sẽ gặp khó khăn trong việc cung cấp cho các hộ sử dụng lớn.
“Lượng than trong các kho ở khu vực phía Tây Quảng Ninh còn khoảng 2 triệu tấn. Nếu thời tiết tốt, phải từ 2-3 ngày nữa mới có than cấp trở lại. Căn cứ số lượng than hiện có, trong vòng 1 tuần nữa chưa phải lo lắng về việc cung cấp than”, ông Chuẩn cho biết.
Ngành than thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng
Tại cuộc họp trực tuyến với các đơn vị thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than, Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) tại Hạ Long, ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch Hội đồng thành viên tập đoàn cho biết, ước tính trận mưa lũ lịch sử đã gây thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng cho ngành than. Dù bị thiệt hại nặng nề khiến sản xuất đình trệ, song với tinh thần tương thân tương ái, Vinacomin đã ủng hộ số tiền 10 tỷ đồng hỗ trợ nhân dân Quảng Ninh nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống.