Từ Pico tới Diamond Plaza
Dự án Diamond Plaza, liên doanh giữa Tổng công ty Xây dựng số 1 và Posco Engineering & Construction Co. thuộc Tập đoàn Posco, chính thức đi vào hoạt động từ tháng 8/2000. Ðây từng là một trong những điểm nhấn cho quá trình hiện đại hóa của TP HCM, do tọa lạc tại vị trí đắc địa. Sau khi thay chân Posco tại Diamond Plaza, nhiều khả năng một trung tâm thương mại Lotte Mart mới sẽ xuất hiện tại đây trong thời gian tới.
Thương vụ thâu tóm hơn 2/3 cổ phần của Diamond Plaza là bước đi tiếp theo của Lotte Mart trong chiến lược tăng cường hoạt động đầu tư tại Việt Nam thông qua các mô hình bán lẻ hiện đại, chủ yếu được thực hiện bằng M&A, tương tự như chiến lược đầu tư của Lotte Mart vào ngành bán lẻ tại Trung Quốc và Indonesia. Thông tin này đã được ông Hong Won Sik, Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Lotte Việt Nam, cho biết.
Nhớ lại, Lotte ra mắt Lotte Mart đầu tiên ở tòa nhà The Everich, góc đường 3/2 - Lê Đại Hành, quận 10, TP HCM vào năm 2008. Hơn 3 năm sau, siêu thị Lotte Mart thứ 2 mới đi vào hoạt động ở quận 7. Nhận định của giới bán lẻ cho rằng, những ràng buộc trong quy định xem xét về kiểm tra nhu cầu kinh tế của Việt Nam khi mở điểm bán lẻ thứ 2 đối với nhà đầu tư nước ngoài chính là rào cản cho kế hoạch phát triển chuỗi Lotte Mart. Nhưng một thách thức khác lớn hơn nhiều là mặt bằng, khi tìm khuôn viên diện tích từ 10.000-15.000 m2 trở lên là không hề đơn giản.
Tòa nhà Diamond Plaza ở ngay khu vực quận 1, TP.HCM đã được thương hiệu Lotte Mart (Hàn Quốc) mua lại 70% vốn. |
Hiện Lotte đã đầu tư được 10 siêu thị Lotte Mart tại Việt Nam và chiến lược M&A đang được tập đoàn này tiếp tục đẩy mạnh, nhằm thực thi kế hoạch mở 60 siêu thị vào năm 2020.
Trước vụ thâu tóm hơn 70% cổ phần của Diamond Plaza, Lotte Mart cũng từng gây đình đám khi mua lại Pico Plaza ở Hà Nội để mở rộng hoạt động. Theo đó, Lotte Mart đã đạt được thỏa thuận thuê toàn bộ diện tích 4 sàn thương mại (khoảng 20.000 m2) của Trung tâm Thương mại Mipec Mall (Pico Mall trước đây).
Phân tích về thương vụ này, Công ty Dịch vụ Bất động sản Knight Frank Việt Nam từng cho rằng, đây là khoản đầu tư mạo hiểm của Lotte Mart, bởi trước đó Pico Mall đã không đạt hiệu quả hoạt động như kỳ vọng. Không ít gian hàng phải đóng cửa vì vắng khách, nhất là phải cạnh tranh với Trung tâm Mua sắm Royal City của VinGroup sát bên.
Tại TP HCM, Lotte Mart thứ 10 cũng đã khai trương hồi tháng 12/2014 bằng cách thuê lại toàn bộ Trung tâm Thương mại Pico Plaza trên đường Cộng Hòa, quận Tân Bình. Pico Plaza, có vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, diện tích tới 56.000 m2, gồm siêu thị tiêu dùng, siêu thị điện máy, cụm rạp chiếu phim, trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê.
Pico và Lotte Mart cũng đang trong quá trình đàm phán để tiến tới hợp tác lâu dài trong lĩnh vực bán lẻ điện máy. Hợp tác với Lotte Mart, Pico sẽ tận dụng được hình ảnh và thương hiệu của họ. Ngược lại, Lotte Mart có được mặt bằng và mạng lưới sẵn có của Pico, sẽ dễ tiếp cận khách hàng hơn. Việc bắt tay này giúp cả 2 có thể thâm nhập nhanh hơn, sâu hơn và tăng cường sức cạnh tranh trên thị trường bán lẻ trong nước.
Ông Sik, Lotte Việt Nam, nhận định rằng, nếu Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) song phương giữa Việt Nam - Hàn Quốc sớm được ký kết, Việt Nam sẽ tiếp tục mở cửa rộng hơn thị trường bán lẻ cho các nhà đầu tư Hàn Quốc. Khi đó, Lotte Mart sẽ tiếp tục thực thi tham vọng tại Việt Nam. Ngoài việc đẩy mạnh đầu tư hệ thống siêu thị Lotte Mart, thời gian tới, Tập đoàn Lotte cũng có kế hoạch phát triển chuỗi cửa hàng tiện lợi và siêu thị quy mô nhỏ tại Việt Nam.
Tham vọng của Lotte
Một bài viết trên The Economist (Anh) gần đây nêu rõ, thương hiệu Lotte muốn cùng với Samsung và Toyota trở thành các siêu tập đoàn tại thị trường châu Á trong những năm tới. Nhằm hiện thực hóa tham vọng này, Lotte đang đẩy mạnh hoạt động đầu tư ở nước ngoài khi thị trường nội địa tiếp tục tăng trưởng chậm.
Ví dụ, riêng mảng bán lẻ, Lotte hiện gặp phải rào cản mới ở Hàn Quốc. Bởi một đạo luật ban hành năm 2012 buộc các thương hiệu lớn như Lotte Mart phải đóng cửa siêu thị ít nhất 2 lần mỗi tháng và không được mở cửa 24/24, nhằm tạo điều kiện cho các chuỗi bán lẻ với quy mô nhỏ hơn có thể cạnh tranh bình đẳng.
Chưa hết, ở Hàn Quốc, trong các chiến dịch tranh cử, một trong những hứa hẹn của các ứng viên là sẽ áp đặt lệnh cấm mở thêm siêu thị ở các thành phố dưới 300.000 dân. Điều này có nghĩa là ngay cả các chuỗi bán lẻ lớn như Lotte Mart cũng không được mở thêm siêu thị tại 50 trên tổng số 82 thành phố tại Hàn Quốc. Mặc khác, Hàn Quốc đang trong xu hướng già hóa dân số, tỉ lệ sinh thấp. Xu hướng tiêu dùng được dự báo sẽ thay đổi đáng kể.
Vì vậy, thời gian qua, Lotte đã đẩy mạnh đầu tư tại Indonesia, Việt Nam, Myanmar. Đến nay, Lotte đã dành hơn 9,6 tỷ USD cho các thương vụ M&A tại châu Á. Riêng mảng bán lẻ, Lotte Mart đang nhắm tới đích 700 siêu thị trong khu vực vào năm 2018.
Nói về chiến lược mở rộng tại châu Á, Chủ tịch Tập đoàn Lotte, ông Shin Dong Bin, cho biết Lotte sẽ tìm kiếm những vị trí có thể cho phép triển khai nhiều loại hình kinh doanh như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, khách sạn và cả chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh Lotteria.
Việt Nam hiện được đánh giá là 1 trong 3 thị trường quan trọng của Lotte Mart tại châu Á, bên cạnh Trung Quốc và Ấn Độ. Ngay từ đầu, thay vì trực tiếp đầu tư vào ngành bán lẻ, Lotte đã dùng chiến thuật bàn đạp để thâm nhập thị trường Việt Nam.
Theo giấy chứng nhận đầu tư được cấp cho Lotte Mart hồi tháng 10/2006, vốn điều lệ của doanh nghiệp này là 65 triệu USD. Trong đó, doanh nghiệp tư nhân sản xuất thương mại Minh Vân góp 13 triệu USD, chiếm 20% vốn điều lệ. Lotte góp 52 triệu USD, tương đương 80% vốn điều lệ. Sau đó, Lotte đã mua lại phần vốn góp của đối tác trong nước để chuyển thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, đồng thời cũng đã điều chỉnh tăng vốn điều lệ từ mức 65 triệu USD lên thành 120 triệu USD.
Tuy tốc độ phát triển của Lotte Mart tại Việt Nam vẫn chưa thể so sánh với Trung Quốc hay Indonesia, nhưng xét về mặt doanh thu, thị trường Việt Nam lại có nhiều tiềm năng hơn, với mức tăng trưởng mỗi năm đạt 47,5%; trong khi Trung Quốc là 7,8% và Indonesia là 13,7%.