Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thông báo, hai bên đã nhất trí duy trì thường xuyên các chuyến thăm, tiếp xúc, các cơ chế đối thoại các cấp, đặc biệt là cấp cao; tăng cường hợp tác thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, bao gồm quốc phòng, an ninh, đặc biệt là kinh tế.
Hai bên sẽ tăng cường kết nối giữa hai nền kinh tế, thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư, nông nghiệp... Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, nguồn nhân lực, môi trường chính sách để chung tay hợp tác cho các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư, kinh doanh thành công tại Việt Nam.
Hai bên sẽ tăng cường hợp tác trên các diễn đàn đa phương. Việt Nam đánh giá cao cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng Suga về tăng cường hợp tác trong khuôn khổ ASEAN, Mekong, Liên Hợp Quốc, hỗ trợ hiệu quả để Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEAN vào tháng 11/2020; thực thi hiệu quả các cơ chế liên kết kinh tế như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và trong tương lai là Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của bảo đảm hoà bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông, thúc đẩy giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 trong các hoạt động trên biển; tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), sớm hoàn thành Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982.
Ký 12 thỏa thuận hợp tác
Phát biểu tại họp báo chung, Thủ tướng Suga bày tỏ vui mừng khi đến thăm Việt Nam, nước đầu tiên ông chọn để công du sau khi nhậm chức. Năm nay, Việt Nam là Chủ tịch ASEAN. Việt Nam là đối tác quan trọng của Nhật Bản và đóng vai trò trọng yếu khi Nhật Bản triển khai chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Là một quốc gia ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, Nhật Bản sẽ tiếp tục đóng góp cho hoà bình và thịnh vượng của khu vực, Thủ tướng Suga khẳng định.
“Tôi chọn Việt Nam là nơi thích hợp nhất để tôi gửi thông điệp này lần đầu tiên ra thế giới”, ông nói.
Hai bên hợp tác hướng tới phục hồi sau dịch bệnh COVID-19. Nhật Bản và Việt Nam đã đạt được thoả thuận về việc bắt đầu quy chế đi lại ngắn ngày và khởi động lại đường bay quốc tế 2 chiều. Nhật Bản và Việt Nam sẽ thúc đẩy thực hiện đa dạng hoá chuỗi cung ứng, chuyển giao số trang thiết bị y tế Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ với tổng số tiền 4 tỷ yen. Nhật Bản sẽ hỗ trợ người Việt Nam tại Nhật Bản đang bị ảnh hưởng vì đại dịch, gồm thực tập sinh, nghiên cứu sinh và những người gặp khó khăn chưa thể về nước.
Sau hội đàm sáng qua, hai thủ tướng chứng kiến lễ ký kết 12 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực: môi trường, tư pháp, chuyển giao thiết bị phòng, chống khủng bố cho công an Việt Nam; tiêu chuẩn hạ tầng cảng biển; nhiệt điện; điện khí; quản lý khám bệnh thông minh và du lịch y tế...
Tại cuộc gặp các phóng viên chiều 19/10, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nhật Bản Yoshida Tomoyuki cho biết, hai nước vẫn đang trong quá trình đàm phán thoả thuận chuyển giao công nghệ và thiết bị quốc phòng, nhưng lãnh đạo hai nước gần như đã thống nhất quan điểm. Ông Yoshida nói rằng công nghệ gì được chuyển giao sẽ phụ thuộc vào Việt Nam, nhưng Nhật Bản có nguyên tắc đảm bảo việc chuyển giao công nghệ phải vì mục đích hòa bình và không chuyển giao cho nước thứ ba.
Ngày 19/10, Thủ tướng Suga Yoshihide đến chào xã giao Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và hội kiến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.