Sáng 7/11, tại cuộc làm việc về tình hình sạt lở bờ biển và bồi lấp cửa sông các tỉnh ven biển miền Trung từ Nghệ An đến Bình Thuận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, 60% GDP của nước ta là từ các tỉnh, thành phố có biển. Cho nên phải tận dụng cơ hội, bảo vệ biển, bảo vệ môi trường biển. Các tỉnh miền Trung cần làm gương trong việc vận động nhân dân gìn giữ môi trường biển, phòng chống thiên tai.
Nhất trí cho rằng các biện pháp trước mắt phải gắn với lâu dài, Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT chủ trì nghiên cứu tổng thể như nạo vét, lồng ghép nguồn lực, phân kỳ đầu tư…Trong đó giao Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm trước Thủ tướng trong quản lý vốn liếng, xử lý thủ tục đầu tư.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý, đối với công trình cấp bách, theo Luật Đấu thầu được chỉ định thầu. “Nhưng chỉ định nhà thầu không biết làm, tiền vào túi cá nhân là thành câu chuyện tiêu cực, tham nhũng trong những dự án thiên tai này là tội ác. Đồng tiền hạt gạo của người dân phải sử dụng đúng mục đích”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT chủ trì phối hợp cùng các bộ liên quan bố trí, phân bổ hợp lý trong tổng nguồn vốn hỗ trợ mà Thủ tướng quyết định cho các địa phương, xếp theo thứ tự ưu tiên và mức độ cấp bách. “Không mặc áo quá đầu, liệu cơm gắp mắm trong vấn đề này”.
Ngoài việc UBND các tỉnh chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng kinh phí đúng mục đích, đúng quy định, theo thứ tự ưu tiên, kết hợp dự án nạo vét với bù cát chống sạt lở, Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT hướng dẫn, có ý kiến về kỹ thuật để bảo đảm an toàn, hiệu quả, tránh lãng phí; kiểm tra, đôn đốc, tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo Thủ tướng. “Bộ NN&PTNT chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan để triển khai phòng chống thiên tai có hiệu quả, để làm sao một vài năm nữa, khi giải ngân xong, thì thấy tiền tiêu có hiệu quả, chứ không phải như “ném đá ao bèo””, Thủ tướng lưu ý.