Tham nhũng tàn phá môi trường kinh doanh thế nào?

TPO - Có 11 hiệp hội doanh nghiệp ký bản cam kết kinh doanh liêm chính nhằm đề cao giá trị cốt lõi của tính chính trực, trách nhiệm và hành vi đạo đức của doanh nghiệp.
Tham nhũng tàn phá môi trường kinh doanh thế nào? ảnh 1

Đại diện các Hiệp hội Doanh nghiệp ký cam kết kinh doanh liêm chính

Sáng 13/11, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) và Đại sứ quán Anh tại Hà Nội phối hợp tổ chức hội thảo “Tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp thông qua thúc đẩy cam kết kinh doanh liêm chính”. 

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, liêm chính là vấn đề rất quan trọng với doanh nghiệp. “Sự chuyên nghiệp, hành vi đạo đức đúng đắn và tính chính trực được đề cao đối với nhân viên, khách hàng và chuỗi cung ứng là phần không thể thiếu trong hoạt động kinh doanh”,ông Lộc nói. 

 Ông Lộc cho biết, theo thống kê của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), mỗi năm mức chi cho tham nhũng tương đương 50% GDP toàn cầu, khoảng 2.600 tỷ USD. Trong đó, số tiền dùng hối hộ được Ngân hàng Thế giới ước tính lên tới 1.000 tỷ USD.

Tham nhũng đã trực tiếp tàn phá môi trường kinh doanh, khiến việc sử dụng nguồn lực, ngân sách công kém hiệu quả, ảnh hưởng đến niềm tin cuả các đối tác liên quan. Đặc biệt, với các nước đang phát triển như Việt Nam, tham nhũng để lại hậu quả lớn hơn nhiều so với các nước phát triển, do các quốc gia này đang trong quá trình chuyển dịch kinh tế thị trường.

Chủ tịch VCCI cũng chi ra, tới 98% số doanh nghiệp ở Việt Nam có quy mô nhỏ, vừa và siêu nhỏ. Đây cũng là đối tượng rất dễ bị tổn thương bởi chi phí tham nhũng.

Các doanh nghiệp lớn thường có những công cụ, hệ thống quản trị hay những chuẩn mực tốt để phòng ngừa tham nhũng. Trong khi đó, nền tảng quản trị của các doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ lại rất mỏng manh và yếu nên nguy cơ tổn hại rất lớn. “Vì thế, họ phải nâng cấp trình độ và khả năng quản trị, giúp tạo dựng được chỗ đứng và khả năng cạnh tranh tốt trên thị trường”, ông Lộc nói.

Chủ tịch VCCI cũng cho rằng, hiệp hội doanh nghiệp sẽ là đơn vị cộng tác tích cực, triển khai mạnh mẽ phong trào, thúc đẩy kinh doanh liêm chính trong các đơn vị do mình đại diện, cùng hành động tạo nên lá chắn vững chắc, giảm thiểu, ngăn chặn rủi ro liên quan tới hối lộ, tham nhũng trong các giao dịch kinh tế.

Đánh giá cao nỗ lực gần đây của Chính phủ Việt Nam qua việc thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng 2018, bà Caitlin Wiesen, Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam cho rằng: “Thay đổi cần thời gian, vì vậy, chúng ta cần có những mục tiêu rõ ràng cho từng thời điểm để theo dõi tiến độ thực hiện cam kết, đảm bảo cam kết không chỉ là một lời hứa mà còn là một công cụ hiệu quả thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng và minh bạch tại Việt Nam”.

11 Hiệp hội doanh nghiệp ký cam kết kinh doanh liêm chính bao gồm: Hiệp hội doanh nghiệp Dệt may Việt Nam; Hiệp hội doanh nghiệp phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội; Hiệp hội doanh nghiệp da giày túi xách Việt Nam; Hiệp hội doanh nghiệp TP Hà Nội; Hiệp hội doanh nghiệp Dược Việt Nam; Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM; Hiệp hội Cao su – Nhựa TPHCM; Hiệp hội Lương thực, thực phẩm TPHCM; Hiệp hội Dệt may, thêu đan TPHCM, Hiệp hội Nhựa TPHCM.

MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.