TS. Vũ Tiến Lộc ví cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung là 'trâu bò đánh nhau'

TS Vũ Tiến Lộc: Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung là “trâu bò đánh nhau”
TS Vũ Tiến Lộc: Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung là “trâu bò đánh nhau”
TPO - Đề cập đến cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, TS Vũ Tiến Lộc cho rằng, Việt Nam không chỉ không được hưởng lợi, mà ngược lại là “trâu bò đánh nhau ruồi muỗi chết”.

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho rằng, từ đầu năm đến nay, tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không thuận tới nền kinh tế trong nước. Song điều đáng ghi nhận là cả 12 chỉ tiêu kinh tế xã hội đã hoàn thành. Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng cao nhất ASEAN và nằm trong nhóm các nền kinh tế tăng trưởng tốt nhất ở châu Á.

“Đó là những thành quả rất quan trọng và không dễ dàng!”, ông Lộc đánh giá.

Nhưng về tầm nhìn năm 2020 và những năm tiếp theo, Chủ tịch VCCI thấy “chưa thể yên tâm”, và mục tiêu duy trì nhịp độ tăng trưởng 6,8% là rất gian nan, nhất là trong bối cảnh kinh tế và thương mại thế giới đang giảm tốc, thậm chí chạm ngưỡng suy thoái toàn cầu.

Đáng lưu ý là cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Theo đại biểu đoàn Thái Bình, rất nhiều chuyên gia dự báo rằng, Việt Nam sẽ hưởng lợi, sẽ trở thành công xưởng mới của nền kinh tế toàn cầu. Nhưng thực tế lại không chứng minh điều đó. Mà ngược lại, “Trâu bò đánh nhau ruồi muỗi chết”. 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu của chúng ta chỉ tăng 8,2% so với cùng kỳ 2018, chỉ còn bằng phân nửa tốc độ tăng của cùng kỳ năm ngoái là 15,4% và bằng khoảng 1/3 của mức tăng trên 20% của những năm trước nữa.

Cơ cấu xuất khẩu theo thị trường cũng có những chuyển dịch bất lợi. Xuất khẩu sang nhóm 5 thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, bao gồm EU, Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản đều giảm tốc. Duy nhất, xuất khẩu sang Mỹ tăng đột biến nhưng lại chứa đựng rất nhiều rủi ro và gian lận thương mại, về thâm nhập thương mại.

Bức tranh về đầu tư nước ngoài cũng chẳng sáng sủa hơn. 9 tháng đầu năm, đầu tư nước ngoài có dấu hiệu nhích lên nhưng lại giảm tốc ở 2 đầu nguồn trọng điểm đóng vai trò dẫn dắt là Nhật Bản và Hàn Quốc, trong khi đó lại tăng đột biến từ các nguồn liên quan tới Trung Quốc (bao gồm cả Trung Quốc, Đài Loan và Hongkong)…

“Những chỉ báo trên cho thấy để duy trì được nhịp độ tăng trưởng 6,8%, đồng thời cải thiện được chất lượng tăng trưởng trong năm tới là rất gian nan. Và động lực chính để bảo đảm cho sự tăng trưởng là nâng cao sức cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp”, ông Lộc cho hay.

Liên quan tới sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, TS Vũ Tiến Lộc đề cập tới vấn đề hộ kinh doanh trong nền kinh tế.  Ông Lộc dẫn chứng, mặc dù đã đóng góp tới 40% GDP, nhưng khu vực kinh tế tư nhân đang mang trong lòng nó một nghịch lý lớn: Chỉ có trên 700 ngàn doanh nghiệp thuộc khu vực doanh nghiệp tư nhân chính thức đóng góp chỉ vẻn vẹn 10% cho GDP, còn lại hơn 30% GDP là thuộc về trên 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, trong đó có 2 triệu hộ kinh doanh có đăng ký.

“Không có một nền kinh tế thị trường nào có khu vực bán chính thức và phi chính thức lớn đến như vậy. Về bản chất thì hộ kinh doanh cá thể chính là một loại hình doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ nhưng do chưa được định danh rõ ràng về mặt pháp lý, nên với bên ngoài, hộ kinh doanh bị hạn chế về quyền kinh doanh”, ông nhận định.

Để giải quyết vấn đề này, theo ông Lộc, không thể xóa bỏ hộ kinh doanh, không thể ép buộc hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, mà chỉ có thể khoác tấm áo pháp lý mới cho hộ kinh doanh: đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp với những quy định pháp lý tối giản nhưng minh bạch, bảo đảm sự bình đẳng của hộ kinh doanh với các loại hình doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, để góp phần thúc đẩy sự phát triển có hiệu quả của hộ kinh doanh trong nền kinh tế nước ta.

TS. Vũ Tiến Lộc ví cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung là 'trâu bò đánh nhau' ảnh 1  
MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.