Vì tương lai ổn định
Chị Nguyễn Thị Hậu (tiêu thương chợ Đại Từ, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, cũng có nhiều người tới mời nhà chị tham gia các loại bảo hiểm. Sau khi tham khảo ý kiến gia đình chị Hậu quyết định tham gia BHXH tự nguyện. Vì khi tham gia BHXH tự nguyện sau này tới tuổi nghỉ hưu sẽ có lương hưu, hoặc nếu chết người thân sẽ được nhận tiền tuất. Đặc biệt, mức đóng hàng tháng cũng thấp hơn một số loại bảo hiểm nhân thọ, chưa kể từ năm sau (năm 2018) còn được nhà nước hỗ trợ một phần chi phí đóng. “Mình tới cơ quan Bảo hiểm xã hội huyện hỏi và mua luôn BHXH tự nguyện từ năm 2016. Mình chọn mức đóng 170 nghìn đồng mỗi tháng, và đóng theo năm. Tính ra, mỗi năm đóng chỉ 2 triệu đồng, nhân viên bảo hiểm tới tận nhà để thu mỗi năm 1 lần. Từ năm nay còn được nhà nước hỗ trợ 10% tiền đóng, nên mình chỉ còn phải đóng 1,8 triệu đồng mỗi năm”, chị Hậu nói.
Theo quy định hiện hành, người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được hưởng chế độ hưu trí khi đủ điều kiện, tức sẽ được hưởng lương hưu khi tới tuổi nghỉ hưu (nữ đủ 55 tuổi, nam đủ 60 tuổi). Hoặc khi đủ điều kiện, nếu người tham gia BHXH tự nguyện có nhu cầu có thể hưởng trợ cấp 1 lần.
Trường hợp người tham gia BHXH tự nguyện chết, người thân sẽ được hưởng trợ cấp tuất một lần hoặc hàng tháng (do người thân lựa chọn). Theo đó, có con chưa đủ 18 tuổi (hưởng tới khi đủ 18 tuổi); hoặc con từ đủ 18 tuổi nhưng suy giảm khả năng lao động (mất sức lao động) từ 81% trở lên; hoặc con được sinh khi người bố chết lúc mẹ đang mang thai. Trường hợp người tham gia BHXH tự nguyện chết nhưng có vợ hoặc chồng tới tuổi nghỉ hưu (nữ đủ 55 tuổi, nam đủ 60 tuổi); hoặc chưa đủ tuổi nghỉ hưu nhưng bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên cũng được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng. Ngoài ra, bố mẹ chồng hoặc vợ (hoặc người nuôi dưỡng) đã đủ tuổi nghỉ hưu, hoặc chưa đủ tuổi nghỉ hưu nhưng mất sức lao động từ 81% trở lên cũng được hưởng trợ cấp tuất. Thân nhân của người chết không có thu nhập hoặc có thu nhập hàng tháng nhưng thấp hơn mức lương cơ sở cũng được hưởng trợ cấp tuất. Ngoài ra, người chết được hỗ trợ mai táng phí bằng 10 lần mức lương cơ sở.
Đặc biệt, từ ngày 1/1/2018, người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được nhà nước hỗ trợ tiền đóng. Cụ thể, nhà nước hỗ trợ 30% phí đóng đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo; nhà nước hỗ trợ 25% phí đóng với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo; và nhà nước hỗ trợ 10% phí đóng với các trường hợp khác.
Cách thức tham gia BHXH tự nguyện
Người từ 15 tuổi trở lên và không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc đều có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Mức đóng hàng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia tự chọn. Tuy nhiên, mức thu nhập tháng không thấp hơn chuẩn hộ nghèo nông thôn (tối thiểu thu nhập 700 nghìn đồng/tháng). Như vậy, mức đóng thấp nhất là 154.000 đồng mỗi tháng. Mức đóng có thể thay đổi theo lựa chọn của người tham gia. Người tham gia BHXH tự nguyện có thể đóng 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng, hoặc đóng 1 lần cho nhiều năm về sau (nhưng 1 lần không quá 5 năm).
Nếu đóng 1 lần cho nhiều năm, nếu sau đó thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, hưởng BHXH 1 lần, hoặc chết sẽ được hoàn trả số tiền đã đóng.
Ngoài ra, người tham gia BHXH đủ điều kiện nghỉ hưu (tới tuổi hưu), nhưng số năm đóng bảo hiểm chưa đủ 20 năm để hưởng lương hưu, sẽ được đóng bổ sung 1 lần cho những năm còn thiếu để được hưởng lương hưu. Với điều kiện, số năm đóng còn thiếu không quá 10 năm. Nếu số năm còn thiếu quá 10 năm, nhưng đã đủ điều kiện hưởng lương hưu, có thể đóng tiếp BHXH tự nguyện cho phần thời gian vượt quá 10 năm. Sau đó, khi chỉ còn thiếu 10 năm, sẽ đóng BHXH 1 lần để được hưởng lương hưu.
Nếu chậm đóng phí, người tham gia BHXH sẽ được xem là tạm dừng đóng. Nếu sau đó tiếp tục đóng lại, người tham gia chỉ cần đăng ký với cơ quan BHXH.
Theo BHXH Việt Nam, chính sách BHXH tự nguyện thực hiện theo quy định của Luật BHXH năm 2006. Tính tới hết năm 2017, cả nước có 227.506 người tham gia BHXH tự nguyện (tăng 11,59% so với năm 2016), với số tiền tham gia hơn 1.200 tỷ đồng. Theo đó, hàng năm số người tham gia BHXH tự nguyện đều tăng so với năm trước từ trên 10% đến 50%. Lực lương chính tham gia BHXH tự nguyện là người đã từng có thời gian tham gia BHXH bắt buộc sau đó đóng tiếp BHXH tự nguyện để đủ điều kiện hưởng lương hưu (chiếm 70%).
Giả định, mức chuẩn nghèo không thay đổi, không tính đến yếu tố lạm phát, sau 20 năm đóng BHXH tự nguyện, một lao động nữ đến tuổi hưu (55 tuổi) sẽ nhận được lương hưu bằng 60% thu nhập tháng làm căn cứ đóng. Nếu đóng 154 nghìn đồng/tháng (mức thấp nhất) trong vòng 20 năm, tới tuổi nghỉ hưu sẽ nhận được lương hưu 420 nghìn đồng/tháng. Người dân muốn tham gia BHXH tự nguyện có thể đến cơ quan BHXH huyện, các đại lý thu tại UBND các xã, phường, bưu điện huyện, điểm bưu điện xã để được hướng dẫn và làm thủ tục.