Cùng chị, hơn 600 người dân Đà Nẵng mắc kẹt ở TPHCM vì dịch bệnh COVID-19 đã được đưa về quê trên 3 chuyến bay hạ cánh trưa 21/7.
Bán bếp ga lấy tiền xét nghiệm
Chồng chị Quyên, anh Trần Văn Hoàng (35 tuổi, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) kể hai vợ chồng từng bán dạo trái cây ở tỉnh Quảng Nam, nhưng làm “thua” quá nên vào TPHCM mưu sinh hồi tháng 3 năm nay. “Vào đó cũng bán hàng rong. Hai vợ chồng tôi thuê cái nhà trọ nhỏ ở quận 12, bán hàng được khoảng một tháng thì thành phố có dịch, người ta cấm không cho bán nữa. Tưởng thất nghiệp vài hôm thôi”, anh nhớ lại. Ít tiền giắt lưng của hai vợ chồng phải lấy ra trang trải, cầm cự chẳng được bao lâu. Anh chị tính toán đường về quê nhưng không về được. Chị Quyên đêm nào cũng khóc.
“Mỗi lần nghe tiếng xe cứu thương, hay nghe tin thành phố thêm bao nhiêu ca nhiễm, chúng tôi lại lo lắng không biết khi nào tới lượt mình. Cảm giác có thể mắc COVID-19 bất cứ lúc nào. Nếu chẳng may nhiễm bệnh, ai sẽ gánh gồng gia đình, tôi còn hai đứa con ở quê trông ngóng từng ngày…”, anh Trần Văn Hoàng ngậm ngùi.
“Nghe thành phố hỗ trợ thất nghiệp 1,5 triệu đồng, tôi chờ mãi không thấy. Chỗ tôi ở (phường Tân Thới Nhất, quận 12) cũng ít các đoàn từ thiện ghé lại nên hai vợ chồng dằn bụng bằng cơm chan nước mắm ngày qua ngày. Mình thì sao cũng được, thương đứa bé trong bụng mới gần 3 tháng…”, chị Quyên nghẹn ngào. Giữa lúc bế tắc, anh Hoàng biết được thông tin Hội đồng hương Đà Nẵng tại TPHCM tổ chức cho người dân về quê, anh vội vàng đăng ký.
Mọi thủ tục được Hội đồng hương hỗ trợ, anh chị chỉ việc đi xét nghiệm rồi ra sân bay. Nói tới đây, giọng anh Hoàng như mếu: “Nhà chẳng còn xu nào. Tôi phải ôm cái bếp ga với bình ga đi bán, được 350 ngàn, nhường cho vợ đi xét nghiệm trước. Vợ lên bệnh viện xét nghiệm hết 283 ngàn, còn có mấy chục. Tôi biết chẳng đủ cho mình rồi nên “liều” điện lên Hội đồng hương. May quá mọi người nói “anh cứ lên đây”, tôi được hỗ trợ tiền xét nghiệm ngay tại sân bay. Lúc lên được máy bay, Quyên nó òa khóc...”.
“Trên chuyến bay về Đà Nẵng, cạnh em là một bà mẹ có con ngồi trên xe lăn. Hai mẹ con vào TPHCM chữa bệnh thì gặp dịch kẹt lại. Người mẹ này nói mọi người đã tạo điều kiện hết sức cho hai mẹ con được trở về, còn tặng thêm chi phí. Em thấy ấm lòng bởi không đâu bằng tình đồng hương, bằng sự chở che của quê nhà cả”, M.N. trải lòng
Gia đình anh Trương Văn Minh (28 tuổi) cũng trải qua những ngày kinh hoàng chốn tha phương. Anh và bố đi làm thợ xây, vợ đi giữ trẻ. Dịch ập tới mất việc, ba người lầm lũi trong xóm trọ nhỏ, chờ các tổ chức từ thiện hỗ trợ đồ ăn qua ngày. Cả nhà nhiều lần tính toán về quê nhưng túi đã cạn tiền, xe cộ khó khăn nên bất lực. “Nghe tin Hội đồng hương bố trí cho về, cả nhà mừng ứa nước mắt. Cả xóm trọ thương ba cha con nên góp lại mỗi người một ít để chúng tôi có tiền đi xét nghiệm. Hôm ra tới sân bay, lên máy bay rồi mà ba tôi vẫn khóc, cứ hỏi lui hỏi lại: “Được về thiệt hả con?”.
Chị Cẩm Hồng, một thành viên Hội đồng hương Đà Nẵng tại TPHCM nói xót thương nhất là người lao động, người đi chữa bệnh, sinh viên…bị kẹt lại. “Chúng tôi đang lập danh sách đăng ký về quê đợt hai. Mọi người ai cũng cố gắng hết mình để bà con có thể trở về”, chị chia sẻ.
Ba bữa cơm ngon, ngủ trong khách sạn
“Đêm qua chị còn khóc nữa không?”, biết tôi khôi hài, chị Quyên tếu táo: “Hết khóc rồi, nhưng mà ngủ đâu có được”. Chị trằn trọc cả đêm vì “lạ nhà”, lại là căn phòng quá sang trọng trong khách sạn, đầy đủ ti vi, bàn tủ, chăn gối thơm tho... Thêm cái máy lạnh từ nhỏ tới giờ chưa được sử dụng lần nào. Anh Hoàng cũng chen thêm: “Trước giờ có biết cái phòng khách sạn là gì đâu. Ai ngờ đi cách ly mà được ở như ông bà hoàng vậy”.
|
Ngày thứ hai cách ly, tinh thần hai chị em Đoàn Thị Hà Tiên (19 tuổi) được vực dậy sau chuỗi ngày mắc kẹt lại TPHCM. Tiên là sinh viên, chị gái đi làm nhưng thất nghiệp vì dịch. Cả nhà như ngồi trên đống lửa lo cho hai chị em khi hay tin mỗi ngày thành phố thêm hàng ngàn ca nhiễm. “Dù chưa được gặp ba mẹ nhưng cũng ở rất gần gia đình mình rồi. Mỗi ngày thức dậy đều được hít bầu không khí trong sạch, được kiểm tra sức khỏe hai lần sáng tối, có vấn đề gì hỏi là mọi người hỗ trợ ngay. Em không còn lo lắng gì nữa”, Tiên bày tỏ.
Được bố trí về cách ly tại một khách sạn ven biển trên đường Hoàng Sa (quận Sơn Trà), anh Phạm Ngọc Sơn (28 tuổi) ở cùng phòng với một thanh niên khác. Buổi sáng, mọi người ăn phở gà, bữa trưa, tối ăn cơm. Đầy đủ món mặn, món xào, canh và tráng miệng. Anh xúc động: “Chúng tôi được lo cơm nước chu đáo, sạch sẽ, đúng giờ. Cảm giác như đang trở về chính ngôi nhà của mình vậy. Thật lòng cám ơn Hội đồng hương, cám ơn Đà Nẵng và những tấm lòng đã chia sẻ với chúng tôi qua cơn hoạn nạn”. Còn M.N, cô sinh viên năm thứ 3 thì khoe phòng mình ở vô cùng thoáng mát, lại có view biển nên tâm trạng cũng thư thái hơn rất nhiều. “Lúc vào phòng, em thấy mình như một thượng khách chứ không phải người đang đi cách ly, đang nhận được sự hỗ trợ. Trong phòng có 2 giường ngủ, vào thử nhà vệ sinh thì thấy khách sạn đã chuẩn bị khăn, bàn chải, dầu gội, sữa tắm…y như đón khách đặt phòng vậy”, N. cảm kích.
Lần đón công dân trở về này, Đà Nẵng đã thiết lập 6 cơ sở cách ly tập trung là các khách sạn Tre Xanh Trung tâm (158 Phan Châu Trinh), Tre Xanh bên Cảng (177 Trần Phú), The Code (Lô A2.3 Hoàng Sa), Gemma (183 Võ Văn Kiệt), Pandora (21-23 Phan Tôn), khu nghỉ dưỡng Risemount Premier (120 Nguyễn Văn Thoại). Đây đều là các khách sạn sang trọng, từ 3 sao trở lên. Đại diện khách sạn Gemma cho hay đã hỗ trợ 90 phòng để đón bà con về cách ly. “Chúng tôi cũng bố trí thêm nhân viên phục vụ bên trong và ngoài khách sạn. Các phòng ốc đều được dọn dẹp, vệ sinh, sắp xếp đàng hoàng để đón bà con một cách chu đáo nhất”, vị này nói.
Để người dân vơi bớt gánh nặng, thành phố Đà Nẵng cũng hỗ trợ tất cả chi phí chỗ ở, ăn uống, xét nghiệm trong những ngày cách ly.